THẾ GIỚI 24H: Nga - NATO "ăn miếng trả miếng", Trung Quốc xây hải đăng phi pháp ở Gạc Ma

06:00 | 28/05/2015

1,971 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyên gia Mỹ cảnh báo 3 ngòi nổ kích động chiến tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông. Philippines và Mỹ báo động về việc Trung Quốc xây dựng hải đăng ở Trường Sa. Nga và NATO “ăn miếng trả miếng” bằng các cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng đó. Trên đây là những tin tức quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

THẾ GIỚI 24H: 3 ngòi nổ kích động chiến tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông

Vụ va chạm giữa chiếc máy bay do thám EP-3 của Hải quân Mỹ và một chiến đấu cơ của Trung Quốc vào ngày 1/4/2001

Trong một bài viết trên tờ The Commentator (Mỹ), giáo sư Michael Auslin, từng giảng dạy môn Lịch sử tại trường Đại học Yale, nêu ra 3 tình huống mà ông nói có thể dẫn tới xung đột Mỹ-Trung trên Biển Đông.

Thứ nhất, theo ông Auslin là một tai nạn máy bay đâm va vào nhau trên không phận Biển Đông, tương tự như vụ một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ đụng nhau ngoài khơi đảo Hải Nam năm 2001, gây ra một vụ tranh cãi quốc tế.

Giáo sư Auslin nói rằng trong bối cảnh Hải quân Mỹ đang xem xét tới việc điều tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trong Biển Đông, và như thế tiến vào vùng biển mà giờ Trung Quốc tuyên bố là thuộc lãnh thổ có chủ quyền của họ, thì khó có thể tránh khỏi những hành động quấy nhiễu của các tàu Trung Quốc đối với các tàu Mỹ, có nguy cơ dẫn tới một tai nạn tàu va vào nhau, kéo theo phản ứng của cả hai bên.

Ông Auslin nói đó là điều mà Trung Quốc đã làm với tàu bè của các nước khác, và một tai nạn có thể dẫn hai nước tới chỗ đối đầu với nhau.

Theo giáo sư Auslin, tình huống này rất dễ xảy ra, một khi Trung Quốc hoàn tất việc xây các đường băng trên các quần đảo trong Biển Đông, tạo điều kiện cho các chiến đấu cơ tuần tra trong không phận của các đảo này.

Tình huống thứ nhì, theo giáo sư Auslin, là Trung Quốc có thể cố tình tạo điều kiện cho một vụ đối đầu bằng cách chỉ thị cho máy bay của họ đeo sát máy bay của Mỹ, với hy vọng sẽ tăng nguy cơ xảy ra xung đột để buộc chính phủ của Tổng thống Obama nhượng bộ, trong bối cảnh Mỹ còn đang phải ứng phó với nhiều thách thức ở Trung Đông và với Nga ở châu Âu.

Ngòi nổ thứ ba là nếu Trung Quốc chặn đầu các máy bay của các nước đồng minh của Mỹ như Philippines chẳng hạn. Washington lúc đó có thể can thiệp một cách chính đáng, viện lý do Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ luật pháp quốc tế.

Giáo sư Auslin nhận định trong khi không có một cơ chế nào để giải toả căng thẳng, và trong bối cảnh giữa hai nước hiện thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, và khả năng quân sự của Trung Quốc đang được tăng cường, thì càng ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với Mỹ trong việc đối đầu với tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Ông Auslin kết luận rằng trong 20 năm qua, chưa có lúc nào mà nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước lớn này lại cao đến mức này.

Mỹ-Philippines báo động việc Trung Quốc xây dựng hải đăng ở Trường Sa

Ngay sau khi có tin Bắc Kinh bắt đầu cho xây hai ngọn hải đăng trên Đá Châu Viên và Gạc Ma mà Trung Quốc chiếm giữ ở vùng quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), chính quyền Manila vào hôm 27/5, đã lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại.

Theo Bộ Quốc phòng Philippines, các công trình này hoàn toàn có thể được dùng cho mục tiêu quân sự, bất chấp lời biện minh của Trung Quốc, theo đó hải đăng sẽ giúp cho giao thông trên biển an toàn hơn.

Arsenio Andolong, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, nói thẳng, cần phải xem xét các công trình này trong toàn bộ các cơ sở được Bắc Kinh xây dựng trên các bãi đá mà họ bồi đắp và mở rộng thành đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa. Và đấy chính là điều khiến Manila e ngại.

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc vào hôm 26/5 đã làm lễ động thổ xây dựng hai ngọn hải đăng trên Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma mà Bắc Kinh đã chiếm của Việt Nam vào năm 1988. Theo Tân Hoa Xã, hai ngọn hải đăng đó sẽ cao 50 m, có đèn chiếu cỡ lớn với đường kính 4,5 m, có thể rọi xa đến 22 hải lý.

Thông tin về việc xây dựng hải đăng được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục biện minh cho các công trình xây dựng của họ ở Biển Đông, theo luận điệu là các khu vực đó thuộc chủ quyền Trung Quốc. Cùng lúc, Bắc Kinh cũng công bố chiến lược biển mới của mình, công khai khẳng định tham vọng bành trướng.

Hành động của Trung Quốc đã gây lo ngại tại Mỹ. Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Mỹ Josh Earnest hôm 27/5 cho hay Tổng thống Mỹ Barack Obama thường xuyên đề cập đến tầm quan trọng của tình hình an ninh trên Biển Đông, một vấn đề thiết yếu đối với an ninh quốc gia của Mỹ và cũng quan trọng đối với kinh tế toàn cầu khi quyền tự do thông thương qua Biển Đông là điều cần phải được duy trì.

Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng nhắc lại rằng Washington đã cam kết với các nước trong khu vực là sẽ nỗ lực bảo vệ quyền tự do thông thương đó.

Nga-NATO “ăn miếng trả miếng”

Chỉ một ngày sau khi Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở cuộc tập trận mang tên Artic Challenge 2015, huy động gần 115 máy bay và 3.600 binh lính ở khu vực phía bắc bán đảo Scandinavia ở miền Bắc châu Âu, Nga đã đáp trả bằng một cuộc tập trận lớn chưa từng có.

Cuộc tập trận của NATO diễn ra cả trên bộ lẫn trên không. Cuộc tập trận trên không diễn ra ở Lulea, miền Bắc Thụy Điển, là một hoạt động hợp tác giữa sáu thành viên NATO – Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Hà Lan - và ba quốc gia trung lập: Thụy Điển, Phần Lan và Thụy Sĩ. Bài tập bao gồm việc giả định các cuộc tấn công nhắm vào máy bay đối phương.

Trên bộ thì binh lính các nước tập phối hợp tác chiến, trong lúc trên không có khoảng 100 chiến đấu cơ cùng bay một lúc.

Tổng thống Vladimir Putin đã đáp trả ngay bằng cách phô trương lực lượng, huy động 12.000 quân và 250 máy bay. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu, cuộc tập trận này nhằm kiểm tra khả năng đáp trả của lực lượng phòng không trước các cuộc không kích của đối phương, đồng thời xác định phương hướng tiếp tục phát triển lực lượng và phương tiện không quân, phòng không vì mục đích bảo vệ đất nước.

Theo kế hoạch, cuộc tập trận kéo dài 4 ngày này sẽ kết thúc vào ngày 28/5.

Hình ảnh ấn tượng

THẾ GIỚI 24H: 3 ngòi nổ kích động chiến tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông

Hai nhà tạo mẫu tóc Caryn Mitman (trái) và Clare Galvin chỉnh sửa tượng sáp của Thủ tướng Anh David Cameron tại Bảo tàng Madame Tussauds ở trung tâm London

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc