THẾ GIỚI 24H: Nga lập lực lượng dự bị mới

06:00 | 19/07/2015

1,703 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 17/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra sắc lệnh yêu cầu thành lập lực lượng vũ trang dự bị mới trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây vẫn căng thẳng.

Binh sỹ Nga trong một cuộc diễn tập quân sự

Đây là một trong số các biện pháp nhằm tăng cường huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Lực lượng mới này sẽ khác với các lực lượng dự bị hiện hành của Nga, bởi họ sẽ được trả lương hàng tháng và tham gia huấn luyện định kỳ.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Nga cho hay theo dự kiến, lực lượng dự bị mới ban đầu sẽ có khoảng 5.000 người. Con số này khá khiêm tốn so với khoảng 750.000 binh s​ỹ tiền tuyến của Moskva.

Hiện Nga có khoảng vài triệu quân dự bị, nguồn từ các cựu quân nhân, song họ không thường xuyên được huấn luyện do các quy định hạn chế việc điều động quân dự bị.

Việc thành lập lực lượng dự bị mới đã được thảo luận trong vài năm qua và được Tổng thống Putin lần đầu tiên ra lệnh không lâu sau khi ông tái đắc cử năm 2012.

Thông báo của ông Putin đưa ra trong lúc căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây vẫn tiếp tục căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraina và vụ tai nạn máy bay MH17 của Malaysia tại đông Ukraina.

Philippines không từ bỏ, quyết kiện Trung Quốc đến cùng

Philippines đã từ chối lời kêu gọi của Trung Quốc đề nghị Manila hủy vụ kiện bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) của Bắc Kinh ở Biển Đông ra Tòa trọng tài quốc tế thường trực (PCA) và bắt đầu các vòng đàm phán song phương.

Truyền thông Philippines dẫn lời Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Heminio Coloma nhấn mạnh một khi đã đưa vụ việc ra PCA, Manila nhất quyết theo đuổi đến cùng.

Ông Heminio Coloma cho biết thêm Philippines dứt khoát tôn trọng luật pháp quốc tế và tìm kiếm một giải pháp dựa trên luật lệ cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hối thúc Philippines "trở lại đúng đường hướng giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và tham vấn".

Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc "sẽ không bao giờ chấp nhận các nỗ lực đơn phương cầu viện một bên thứ ba để giải quyết tranh chấp".

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận bất kỳ phán quyết nào của tòa liên quan đến vụ kiện do Philippines khởi xướng.

Thủ tướng Hy Lạp củng cố quyền lực

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tối 17/7, đã thông báo thành phần nội các mới, trong đó các bộ trưởng chống đối kế hoạch cải cách theo đề nghị của chủ nợ bị gạt ra ngoài. Các tân bộ trưởng tuyên thệ nhậm chức ngay trong ngày hôm qua.

Thủ tướng Alexis Tsipras quyết tâm nắm lại đa số. 10 bộ trưởng được thuyên chuyển vị trí. Ba vị đã bỏ phiếu chống kế hoạch trợ giúp Hy lạp lần ba hôm 16/7 bị loại, hai trong số này đã từ chức.

Những thành phần phản kháng trong đảng Syriza của Thủ tướng Tsipras đã không còn có mặt trong chính phủ.

Lần cải tố nội các trên quy mô lớn đầu tiên kể từ khi đảng Syriza lên nắm quyền cách nay 6 tháng có giá trị như một thông điệp mạnh mẽ gửi đến các chủ nợ vốn vẫn nghi ngờ về quyết tâm cũng như khả năng giữ cam kết của chính phủ Hy Lạp.

Để cải tổ nội các lần này, Thủ tướng Tsipras phải đào xới bên trong nội bộ đảng của ông, trừ trường hợp đặc biệt của một tân bộ trưởng được chọn từ đảng liên minh, đảng Hy Lạp Độc lập ( ANEL). Đây là giải pháp để loại phe tả trong đảng Syriza.

Với phe đối lập, cuộc cải tổ nội các này có thể là một thất vọng, trong khi từ lúc Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch cải cách của chính phủ đã có tin đồn chính phủ cải tổ sẽ được mở rộng ra bên ngoài. Đảng trung tả To Potami đánh giá việc thay đổi các bộ trưởng lần này còn rụt rè.

Còn đối với đảng Xã hội Pasok, sự thay đổi thành phần chính phủ lần này là thiếu thuyết phục. Nó cho thấy phe cực tả đã không quyết tâm tiến hành các cải cách mang dấu ấn của họ. Tuy nhiên lần cải tổ nội các này có thể còn để ngỏ cửa cho các cuộc bầu cử sắp tới.

Đây cũng là điều mà báo chí Hy Lạp ngầm hiểu, theo đó chính phủ Hy Lạp đang cố gắng lấp lỗ hổng xuất hiện sau cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội vừa rồi, trong đó một phần tư nghị sĩ thuộc đảng Syriza phản đối các cải cách theo yêu cầu của chủ nợ. Số chống đối này đang chuẩn bị cuộc phản kháng mới trong bầu cử.

Ngày đẫm máu tại Iraq

Một vụ khủng bố bằng xe gài chất nổ đã diễn ra hôm 17/7 tại thành phố Khan Bani Saad, cách Bagdad khoảng 20km. Theo tổng kết mới nhất, số người chết lên đến ít nhất 90 người, 17 người mất tích và 120 người bị thương. Đây là thành phố đông dân cư theo hệ phái Hồi giáo Shia. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã thừa nhận là tác giả.

Kẻ khủng bố đã cho nổ chiếc xe ở ngay khu chợ thành phố, trước ngày kết thúc tháng chay Ramadan, và trong lúc người dân chuẩn bị mừng lễ Aïd el-Fitr.

Theo lãnh đạo thành phố có nhiều phụ nữ và trẻ em trong số nạn nhân. Đài truyền hình cho thấy cảnh nhà bị sập, và sáu tiếng đồng hồ sau vụ khủng bố, các đội cứu thương vẫn đưa thi hài nạn nhân ra khỏi các đống gạch vụn.

Người Hồi giáo theo hệ phái Shia mừng lễ Aïd el-Fitr kết thúc tháng chay vào hôm 18/6, trong khi người thuộc hệ phái Sunni đã mừng lễ này từ ngày 17/7, cho nên cảnh chợ luôn tấp nập một ngày trước lễ.

Một lãnh đạo thành phố, Abbas Hadi Saleh, giải thích là cứ mỗi năm vào mùa Ramadan là có khủng bố bằng bom, vì thành phố này có nhiều người Shia. Vụ khủng bố năm nay là vụ nghiêm trọng nhất từ năm 2003.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, trên các diễn đàn thánh chiến, thừa nhận họ là tác giả vụ khủng bố, còn cho biết tên tài xế chiếc xe chở đến gần 3 tấn chất nổ.

Lãnh đạo tỉnh Diyala, nơi trực thuộc thành phố Khan Bani Saad bị khủng bố, tuyên bố 3 ngày tang trong cả tỉnh và hủy bỏ các lễ lộc kết thúc mùa chay.

IS có mục tiêu mới?

Vụ sát hại 4 quân nhân Mỹ ngày 16/7 tại thành phố Chattanooga, bang Tennessee, Mỹ xảy ra chỉ vài ngày sau khi Pháp loan báo phá vỡ một âm mưu tấn công vào một cơ sở quân sự gần thành phố Perpignan và chặt đầu một sĩ quan Pháp, cho thấy dường như quân nhân phương Tây đang là mục tiêu tấn công mới của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tác giả vụ thảm sát ở Tennessee, cũng như các tác giả mưu toan khủng bố gần Perpignan tuy không thuộc hàng ngũ quân thánh chiến IS, nhưng có thể đã hành động theo lệnh hoặc theo gương của tổ chức này.

Cụ thể, các nhà điều tra Mỹ đã đặc biệt chú ý đến chuyến đi Jordani của hung thủ Mohammad Youssuf Abdulazeez, người đã bắn chết 4 bốn quân nhân ở Tennessee, trước khi bị bắn hạ ngày 16/7. Thanh niên 24 tuổi này sinh tại Koweit, được nhập quốc tịch Mỹ, đã từng sang Jordani ở trong suốt gần 7 tháng. Thông tin nói trên được báo chí Mỹ đăng tải hôm qua và đã được các nhà điều tra xác nhận với hãng tin AFP.

Các nhà điều tra Mỹ hiện cũng đang phân tích các dữ liệu lấy từ các máy vi tính, điện thoại di động và từ các tài khoản mạng xã hội của hung thủ để xem anh ta có đã tiếp xúc với các tổ chức khủng bố trong thời gian ở Jordani hay không, cũng như có đã từ Jordani đi sang các nước lân cận hay không.

Nhưng Michael McCaul, chủ tịch Uỷ ban an ninh nội địa của Hạ viện Mỹ lưu ý rằng mục tiêu của hung thủ tại bang Tennessee cũng chính là mục tiêu mà tổ chức IS kêu gọi tấn công.

Trong khi đó tại Pháp, ngành tư pháp nước này hôm qua xác định rằng ba thanh niên bị bắt vì có âm mưu tấn công một cơ sở quân sự và chặt đầu một sĩ quan đã hành động theo lệnh của một quân thánh chiến thuộc IS.

Hình ảnh ấn tượng

Người thân và bạn bè của nạn nhân đứng trước hàng nghìn món đồ chơi nhồi bông trong một buổi lễ tưởng niệm những nạn nhân của chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines ở Nieuwegein, gần trung tâm thành phố Utrecht, Hà Lan.

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc