THẾ GIỚI 24H: Nga đưa siêu tên lửa đến Syria

07:00 | 26/11/2015

1,624 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nga sẽ đưa hệ thống phòng không siêu hiện đại đến căn cứ ở Syria, đồng thời xem xét ý kiến hủy bỏ nhiều dự án kinh doanh với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chiến đấu cơ SU-24 của Nga bị không quân Thổ bắn hạ hôm 24/11.
the gioi 24h nga dua sieu ten lua den syria
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga

Bộ Quốc Phòng Nga hôm qua cho biết sẽ đặt hệ thống phòng không tối tân S-400 ở căn cứ không quân Khmeimim. Căn cứ này do Nga thiết lập, nằm trong tỉnh Latakia của Syria.

Đây là một trong những hệ thống tối tân nhất, có thể bắn hạ máy bay lạ từ xa.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nga cũng cho hay đang xem xét việc có thể hủy bỏ nhiều hợp đồng kinh doanh chung với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng kêu gọi công dân Nga không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ du lịch.

Thổ Nhĩ Kỳ là một điểm đến rất thu hút khách du lịch Nga, do đó, lời kêu gọi của Tổng thống Putin được xem là đòn đánh vào kinh tế của Thổ.

Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng nói là đang xem xét nhiều biện pháp khác đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông không đi sâu vào chi tiết những biện pháp mà Nga sẽ làm.

Có dự đoán cho rằng một trong những điều chính phủ Nga sẽ làm là ngưng viện trợ kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm qua, trong bài phát biểu đọc trên truyền hình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng nước ông không hề muốn thấy căng thẳng với Nga, nhưng phải hành động để bảo vệ không phận và chủ quyền.

Trong bài diễn văn này, Tổng thống Ergodan còn bác bỏ lập luận phía Nga đưa ra, cho rằng chiến đấu cơ của Nga bị bắn hạ lúc đang thực hiện phi vụ oanh tạc các cứ điểm của quân khủng bố IS.

Tổng thống Erdogan cho rằng chiến đấu cơ của Nga hoạt động là khu vực người thiểu số gốc Thổ sinh sống, chứ không phải là khu vực của quân IS như Nga giải bày.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc Phòng Nga cho hay đã cứu được một trong 2 viên phi công cầm lái chiếc máy bay SU-24. Viên phi công còn lại tử nạn, nhưng chưa rõ chết vì sức ép khi bung dù ra khỏi máy bay hay bị đạn của lực lượng dân quân Syria từ dưới đất bắn lên.

Ukraina “cấm tiệt” máy bay Nga

Hôm qua, Ukraina thông báo cấm các máy bay Nga bay qua không phận nước mình.

Trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Ukraina Iatseniouk thông báo: “Chính phủ quyết định cấm mọi công ty hàng không Nga bay qua lãnh thổ Ukraina. Nga có thể sử dụng không phận Ukraina để khiêu khích”.

Thông báo này được đưa ra nhiều tuần lễ sau vụ chiếc máy bay chở khách của Nga bị rơi tại Ai Cập vào cuối tháng 10, do bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đặt bom. Chính quyền Kiev cho rằng trong trường hợp một sự cố tương tự xảy ra với máy bay Nga trên bầu trời Ukraina, Moskva có thể “đổ lỗi” cho chính Ukraina và đưa quân sang nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ.

Ukraina và Nga đã cấm mọi chuyến bay trực tiếp sang lãnh thổ của nhau từ cuối tháng 10/2015. Moskva cũng cho đóng cửa không phận đối với máy bay Ukraina, nhưng cho đến nay các máy bay dân dụng Nga vẫn có thể bay qua Ukraina.

Giữa Kiev và Moskva đang có khủng hoảng chưa từng thấy từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm tháng 3/2014, tiếp theo đó cuộc chiến đẫm máu ở miền đông Ukraina thân Nga đã làm cho trên 8.000 người chết. Kiev tố cáo Nga vũ trang cho phe nổi dậy và đưa quân sang lãnh thổ Ukraina, còn Moskva thì chối bỏ cáo buộc này.

Thế giới bao trùm khủng bố

Kể từ sau vụ khủng bố tấn công Pháp ngày 13/11 đến nay, các vụ khủng bố gần như diễn ra hàng ngày khắp nơi trên thế giới bất kể vị trí địa lý.

Hôm qua, quân đội và cảnh sát Ấn Ðộ nói rằng 3 phần tử chủ chiến vũ trang và ít nhất một người khác bị hạ sát trong vụ tấn công nhắm vào một căn cứ quân sự trong khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ấn Ðộ ở Kashmir.

Các giới chức nói rằng các phần tử chủ chiến tấn công bằng súng và lựu đạn gần khu vực biên giới được canh phòng nghiêm ngặt giữa Ấn Ðộ và Pakistan. Một sĩ quan cao cấp cho hay 3 phần tử chủ chiến và một thường dân chết trong cuộc giao tranh 6 tiếng đồng hồ tiếp theo sau vụ tấn công thứ nhất. Tin nói một binh sĩ Ấn Ðộ bị thương.

Kashmir là cứ địa của nhiều nhóm nổi dậy chống các lực lượng của chính phủ Ấn Ðộ triển khai trong khu vực để đòi độc lập hoặc sáp nhập với Pakistan.

Ấn Ðộ và Pakistan đã tranh chấp về chủ quyền Kashmir suốt 7 thập niên qua, kể từ khi hai nước giành lại độc lập từ Anh. Cả hai đều đòi chủ quyền hoàn toàn đối với Kashmir, nhưng mỗi bên chỉ kiểm soát một phần khu vực này. Kashmir đã gây ra hai, ba cuộc chiến tranh giữa hai nước có vũ khí hạt nhân này.

Ngoại trưởng Swaraj khẳng định rằng các vụ tấn công xuyên biên giới ở Kashmir nhằm gây bất ổn cho Ấn Ðộ.

Cũng trong ngày hôm qua, Tunisia tuyên bố tình trạng khẩn cấp  sau khi it nhất 12 người thiệt mạng trong một vụ nổ nhắm vào một chiếc xe buýt chở những thành viên thuộc lực lượng cận vệ tổng thống tinh nhuệ của nước này.

Vụ nổ xảy ra trên một đại lộ ở trung tâm Tunis. Nguồn tin của an ninh và tổng thống cho biết vụ nổ là một vụ tấn công, nói thêm rằng hiện vẫn chưa rõ liệu đó là một quả bom hay chất nổ bắn vào xe buýt khi nó đang đi trên Đại lộ Mohamed V. Xe cứu thương phóng tới hiện trường và lực lượng an ninh nhanh chóng phong tỏa khu vực.

Tổng thống Beji Caid Essebsi tuyên bố tình trạng khẩn cấp 30 ngày trên toàn quốc và áp đặt lệnh giới nghiêm ở vùng thủ đô Tunis. Ông đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh vào sáng hôm qua.

Phát biểu trên truyền hình toàn quốc, ông cho biết Tunisia đang "lâm chiến với chủ nghĩa khủng bố," và kêu gọi hợp tác quốc tế chống lại những kẻ cực đoan đã thực hiện nhiều vụ tấn công chết người trong những tuần gần đây.

Nga chia rẽ Mỹ và Pháp

Hai Pháp và Mỹ hôm qua đã chứng tỏ tình đoàn kết trong cuộc chiến chống tổ chức IS. Nhưng sự khác biệt quan điểm về vai trò của Nga ở Syria, khiến cho “liên minh rộng lớn” chống IS mà phía Pháp hy vọng trở nên xa vời.

Trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama bày tỏ tình đoàn kết khi nói bằng tiếng Pháp “Chúng ta đều là người Pháp”. Tuy nhiên không có thông báo nào đặc biệt, nguyên thủ Pháp-Mỹ chỉ nhấn mạnh đến việc tăng cường trao đổi thông tin tình báo.

Nhấn mạnh đến quyết tâm chung của hai nước Mỹ-Pháp trong việc tăng cường mở rộng không kích tại Irak và Syria, ông Hollande cho biết không có ý định can thiệp trên bộ, nhưng tiếp tục “hỗ trợ cho các lực lượng địa phương”. Hôm 23/11, lần đầu tiên các máy bay ném bom Pháp đã oanh kích IS ở cả Iraq và Syria, từ hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle.

Tổng thống Pháp trong dịp gặp gỡ ông Vladimir Putin hôm nay 26/11, sẽ kêu gọi đồng nhiệm Nga xem xét lại việc hỗ trợ Bachar Al Assad. Về phía ông Obama cảnh báo, nếu ông Putin không “thay đổi chiến lược” về vấn đề này, việc hợp tác sẽ “rất khó khăn”. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng quan điểm của Mỹ trước sau như một: “Nếu ưu tiên của Nga là tấn công phe đối lập ôn hòa có thể là thành viên một chính phủ Syria tương lai, thì Mỹ không ủng hộ việc Nga tham gia liên minh”.

Hôm 16/11, trước Quốc hội lưỡng viện Pháp, ông François Hollande đã bày tỏ ý định thành lập một “liên minh rộng lớn và duy nhất chống lại IS ở Syria”. Chuyến công du đầu tiên của ông François Hollande sau các vụ khủng bố tại Paris ngày 13/11 cho thấy sự khó khăn của việc tác động đến quan điểm về hồ sơ này. Số phận của Tổng thống Syria Bachar Al Assad vẫn là một vấn đề gai góc.

Nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Pháp nhằm phối hợp với các nước trong cuộc chiến chống IS lại còn bị ảnh hưởng bởi vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay Sukhoi của Nga hôm 24/11 tại biên giới Syria, khiến Moskva giận dữ.

Hình ảnh ấn tượng

the gioi 24h nga dua sieu ten lua den syria
Tài xế Nga dùng gỗ thay lốp xe chạy tốc độ 50km mỗi giờ trên đường

G.K

Theo AFP. AP, Reuters, RIA Novosti