THẾ GIỚI 24H: NATO sẽ không bao giờ tấn công Nga?

06:00 | 29/06/2015

811 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga nói rằng Moskva nên bớt căng thẳng về hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO vì khối này sẽ không bao giờ tấn công Nga. Hy Lạp muốn rời EU phải…“làm đơn”. Nguyên nhân và những diễn biến tiếp theo của vụ khủng bố ở Pháp, Tunisia và Koweit tiếp tục chiếm phần lớn thời lượng của truyền thông thế giới trong 24 giờ qua.

THẾ GIỚI 24H: NATO sẽ không bao giờ tấn công Nga?

Ngày 28/6, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul nói rằng Moskva nên bớt căng thẳng về vấn đề NATO triển khai vũ khí ở gần biên giới Nga. Theo ông, liên minh quân sự này sẽ không bao giờ tấn công Nga.

Viết trên trạng mạng Twitter, ông McFaul nói: “Không cần thiết phải phóng đại tầm quan trọng của việc triển khai (tổ hợp tên lửa) S-400 trên biên giới Nga. NATO sẽ không bao giờ tấn công Nga. Moskva không nên quá căng thẳng về vấn đề vũ khí phòng thủ của NATO ở gần biên giới Nga”.

Trả lời những bình luận của người sử dụng mạng xã hội, ông McFaul viết: “Chỉ có kẻ nào ngu ngốc mới tấn công Nga. May mắn là trong ban lãnh đạo của các nước NATO không có những người như thế”.

Ngày 28/6, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng ủng hộ việc khôi phục các mối quan hệ thân thiện giữa EU và Nga, đồng thời lên tiếng phản đối việc cô lập Moskva trên trường quốc tế.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Steinmeier nói: “Chúng ta không nên phá hủy tất cả, những gì đã được xây dựng một cách khó khăn trong nhiều thập kỷ hòa bình ở châu Âu. Và chúng ta không thể phủ nhận thực tế rằng Nga đã tham gia vào việc hình thành trật tự châu Âu thời hậu chiến. Do đó đương nhiên Đức không nên để Nga bị cô lập. Nga vẫn là một người hàng xóm lớn của EU và láng giềng chính của chúng tôi, cùng với chúng tôi quyết định tương lai của châu Âu”.

Bộ trưởng Steinmeier coi việc khôi phục quan hệ thân thiện với Nga là một sự kiện "được kỳ vọng". Ông Steinmeier cũng nhấn mạnh tới vai trò của Nga trên trường quốc tế, khẳng định rằng nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó có tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân Iran, không thể được giải quyết nếu không có Moskva.

Hy Lạp “dưới họng súng”

Các Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) hôm qua đã từ chối gia hạn thêm một tháng chương trình cứu trợ tài chính dành cho Hy Lạp, theo kế hoạch sẽ chấm dứt vào ngày 30/6 tới, sau khi Athens thông báo tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 5/7 để quyết định sẽ nói “Có” hay “Không” đối với những đề xuất cải cách của các chủ nợ quốc tế nhằm đổi lấy gói cứu trợ.

Quyết định trên được Eurogroup đưa ra trong cuộc họp kéo dài ba giờ tại Brussels và đẩy vị thế của Hy Lạp trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

“Phao cứu sinh” tài chính dành cho Hy Lạp sẽ kết thúc trong tuần tới và nếu Athens vẫn không thể tiếp cận vốn từ các chủ nợ, trong khi thời hạn chót không được kéo dài, thì nhiều khả năng nước này sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ và phải ra khỏi Eurozone.

Sau khi thông tin về cuộc trưng cầu dân ý được loan báo, trên khắp thủ đô Athens, ngày càng nhiều người dân Hy Lạp đổ xô đến các cây ATM rút tiền do lo ngại về tương lai đất nước.

Trong khi đó, Bộ trường Tài chính Áo Hans Joerg Schelling ngày 28/6 tuyên bố việc Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) "đến nay gần như là điều không thể tránh khỏi”.

Tuy nhiên, trước hết Athens sẽ phải nộp đơn xin rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) và được các nước khác chấp thuận.

Ông Schelling nói thêm rằng "Hy Lạp sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng hơn so với các quốc gia EU khác. Rõ ràng là trong bất cứ trường hợp nào, không một quốc gia nào có thể đe dọa Ủy ban châu Âu và các nước Eurozone”.

Đằng sau vụ khủng bố tại Pháp

Theo số liệu được Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tiết lộ vào đầu tháng 6/2015, có khoảng 1.750 người bị nhận diện là có “dính líu cách này hay cách khác đến các mạng lưới thánh chiến”. Vụ khủng bố vào hôm 26/6 tại vùng Isère, hay vào tháng 1/2015 tại Paris và vùng phụ cận như vậy là phần nhìn thấy được của một hiện tượng rộng lớn và đáng sợ. Nhất là khi cách thức hành động của quân khủng bố đã chuyển biến với thời gian.

Trên bề nổi, có những vụ khủng bố quả thực là đã gây chấn động tại Pháp, từ vụ Mohammed Merah sát hại ba học sinh, một giáo viên, và ba quân nhân vào tháng 3/2012 tại Montauban và Toulouse, cho đến các cuộc tấn công vào tháng 1/2015 tại Paris nhắm vào tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo, Siêu thị Hyper Cacher dành cho người Do Thái, và ở Montrouge, làm cho tất cả 17 người thiệt mang. Hay là vụ khủng bố hôm 26/6 ở Saint-Quentin-Fallavier, tỉnh Isère.

Giữa hai thời điểm 2012 và 2015, tình hình nói chung là yên tĩnh, ngoại trừ một vài vụ tấn công lẻ tẻ bằng dao do một vài thanh niên Hồi giáo cực đoan tiến hành nhắm vào lính hay cảnh sát.

Vấn đề tuy nhiên là có nhiều âm mưu khủng bố mà chính quyền cho là đã phá vỡ kịp. Mới đây, vào tháng 4/2015, một sinh viên gốc Algérie Sid Ahmed Ghlam đã bị bắt. Theo cảnh sát, thì nghi can này đang chuẩn bị một cuộc tấn công khủng bố vào một nhà thờ ở thị xã Villejuif, ngoại ô Paris.

Còn có nhiều vụ khác bị ngăn chặn kịp thời mà chính quyền không tiết lộ, và dĩ nhiên người thường không thể biết được số lượng chính xác. Bộ trưởng Bernard Cazeneuve, tuy vậy đã hé lộ phần nào quy mô của vấn đề này khi cho biết là hiện có khoảng 130 thủ tục pháp lý liên quan đến các hoạt động khủng bố được xúc tiến, nhắm vào khoảng 650 người.

Một yếu tố khác gây quan ngại là phương thức hành động của kẻ khủng bố. Trong các cuộc tấn công nhắm vào báo Charlie Hebdo hoặc siêu thị Hyper Cacher, đối tượng mà các hung thủ muốn tấn công tương đối rõ ràng, và sau khi thảm kịch xẩy ra, chính quyền đã tăng cường phòng vệ các cơ sở nhạy cảm như tòa soạn báo chí, đài phát thanh hay truyền hình, các nơi sinh hoạt của người Do Thái…

Thế nhưng, vụ khủng bố hôm 26/6 lại nhắm vào một cơ sở công nghiệp, với nạn nhân hoạt động trong một lãnh vực hoàn toàn không có liên can gì đến cuộc xung đột đẫm máu ở vùng Trung Đông, hay đến đạo Hồi.

Chính quyền Pháp đã từng cảnh báo là ngày nay, các thành phần khủng bố có thể tấn công vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào. Có thể nói là cơn ác mộng được cảnh báo đó giờ đây đã trở thành sự thật, và đặt ra những thách thức to lớn cho lực lượng an ninh, mà quan trọng nhất là rất khó xác định rằng đâu sẽ là cơ sở nhạy cảm để bảo vệ!

Vấn đề thứ hai mà chính quyền đã nêu bật là nhân dạng của những kẻ khủng bố, “không còn là các nhóm khủng bố đến từ nước ngoài, hành sự tại Pháp, rồi sau đó bỏ đi” mà chính là những người tại chỗ, bị các thành phần Hồi giáo cực đoan tuyên truyền.

Sau vụ khủng bố có thể gọi là mù quáng hôm 26/6, vấn đề là làm sao có được một đối sách thích hợp. Phải tăng cường kiểm soát, để trấn an dân chúng, nhất là khi đợt nghỉ hè tháng Bảy sắp đến, các nhà ga, sân bay, xe lửa sẽ chật ních người.

Chính phủ Pháp đã tăng cường kế hoạch bảo đảm trị an Vigipirate lên đến mức tối đa – gọi là mức báo động khủng bố - tại vùng Rhône-Alpes. Thế nhưng, tình trạng báo động này chỉ có thể được duy trì hai ba ngày trong trường hợp không có sự cố gì mới.

Hình ảnh ấn tượng

THẾ GIỚI 24H: NATO sẽ không bao giờ tấn công Nga?

Một nghệ sĩ Ấn Độ cảm thấy bất lực về một ổ gà khủng bên đường đã nghĩ ra cách khiến mọi người chú ý tới vấn đề này theo cách thức khá đặc biệt: đó là đặt vào ổ gà này một con cá sấu giả to như thật.

G.K

Năng lượng Mới