THẾ GIỚI 24H: Mỹ và Malaysia mật đàm về Biển Đông

07:00 | 05/09/2015

1,707 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Washington và Kuala Lumpur đang đàm phán bí mật về việc các máy bay Mỹ sau khi tuần tra ở Biển Đông có thể hạ cánh xuống các căn cứ của Malaysia thay vì phải bay về tận Philippines.
the gioi 24h my va malaysia mat dam ve bien dong
Hình ảnh chụp từ máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ

Theo hãng tin Bloomberg ngày 4/9, sau một loạt các vụ tàu Trung Quốc thâm nhập vào các vùng biển của Malaysia trong những tháng gần đây, đại diện chính phủ Mỹ và văn phòng Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán.

Chính phủ Malaysia rất quan ngại trước việc rò rỉ thông tin về hợp tác quân sự với Mỹ.

Phía Mỹ gây sức ép để Chính phủ Malaysia cho phép các máy bay do thám P-8 Poseidon và P-3 Orion của Hải quân Mỹ được xuất phát từ nước này đi tuần tra vùng Biển Đông, ở nơi mà Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp, xây dựng nhiều đảo nhân tạo.

Theo các nguồn tin ngoại giao, các cuộc đàm phán bí mật hiện nay giữa hai nước nhắm tới đảo Lubuan, ở ngoài khơi bang Sabah. Đảo này gần các vị trí quân sự do Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Hiện nay, các máy bay do thám của Mỹ đều phải xuất phát từ những vị trí xa hơn, ví dụ như từ căn cứ không quân Clark của Philippines.

Bloomberg dẫn nguồn tin riêng nói rằng cho đến nay, hai bên vẫn chưa đạt được các thỏa thuận, nhưng việc Kuala Lumpur chấp nhập đàm phán với Washington về việc này đánh dấu sự thay đổi lập trường của Malaysia vì từ trước tới nay, chính quyền Kuala Lumpur vẫn chủ trương quan hệ cân bằng, không làm mất lòng Mỹ và Trung Quốc.

Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận định, Malaysia hiếm khi nào công khai chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng lại lặng lẽ gia tăng hợp tác với các nước Đông Nam Á hiên đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về thông tin đàm phán bí mật giữa hai nước, còn sứ quán Malaysia tại Washington không trả lời câu hỏi của Bloomberg.

Liên minh quốc tế chống khủng bố phiên bản của Nga

Ngày 4/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi thành lập liên minh quốc tế chống khủng bố và cực đoan, đồng thời xác nhận rằng ông đã thảo luận với Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Jordan, cùng các quốc gia khác về sáng kiến này.

Phát biểu bên lề diễn đàn kinh tế Vladivostok đang diễn ra tại Nga, Tổng thống Putin tuyên bố: “Chúng tôi thật sự muốn thành lập một kiểu liên minh quốc tế để chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Chúng tôi đã tham khảo chủ đề này với các đối tác Mỹ. Đích thân tôi đã đề cập vấn đề này với Tổng thống Barack Obama”.

Theo ông Putin, bước đi tiên quyết vì mục đích phát triển của các nước trên phải là giải quyết vấn đề khủng bố, tiếp theo là khôi phục kinh tế và xã hội, trong đó cần tôn trọng lịch sử, truyền thống, tôn giáo của nhân dân các nước đó.

Tổng thống Putin tin tưởng rằng chỉ có hợp tác mới có thể đạt kết quả tích cực, còn hành động riêng lẻ và tranh cãi về nguyên tắc dân chủ giả hiệu hay đặt ra "những tiến trình cho riêng một khu vực nào đó" sẽ chỉ càng dẫn đến "bế tắc". Trong khi chưa thành lập được một liên minh như vậy, người đứng đầu Điện Kremli kêu gọi các lực lượng chống khủng bố hãy phối hợp hành động.

Theo Tổng thống Nga, hiện còn quá sớm để nói đến khả năng Moskva tham gia vào các chiến dịch quân sự chống "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Nga đang xem xét nhiều phương án, nhưng hiện kế hoạch trên vẫn chưa được đề cập trong chương trình nghị sự của Nga.

Giá dầu giảm mạnh, các nước sản xuất lao đao

Tình trạng giá dầu sụt giảm xuống còn từ 40-45 USD/thùng đang ảnh hưởng đến ngân sách các nước sản xuất, đang trỗi dậy cũng như công nghiệp phát triển và xu hướng giảm này sẽ còn kéo dài với việc Iran sắp trở lại thị trường thế giới.

IMF hôm 2/9 dự đoán rằng tình trạng giá dầu giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu dầu. Trong khi một số nước như Arập Xê Út vẫn còn có thể sử dụng mức thặng dư ngân sách dồi dào, thì những nước khác đang giật gấu vá vai do ngân sách eo hẹp hơn rất nhiều.

Do ngân sách thiếu hụt, cho nên Venezuela đã phải giảm giá bán dầu cho các nước đang nợ nần chồng chất như Jamaica hay Cộng hòa Dominicana, để có những khoản tiền cần thiết cho nền kinh tế của nước này, vì Venezuela phải nhập đến 60% nhu cầu về lương thực và thuốc men.

Tại Mexico, chính phủ đối phó với tình trạng giá dầu giảm bằng cách cắt giảm hơn 8 tỉ USD ngân sách 2015 và năm sau sẽ còn cắt giảm nhiều hơn.

Ngay cả những nước công nghiệp phát triển cũng bị tác động nặng nề, chẳng hạn như Canada nay đã bước vào suy thoái do đầu tư của các công ty dầu khí sụt giảm mạnh, còn tại tỉnh dầu khí Alberta ở miền Tây thì có đến hơn 20 nghìn người bị sa thải. Ngân sách của nhà nước liên bang tài khóa 2015/2016, ban đầu tưởng là sẽ thặng dư, nhưng cuối cùng được dự báo là sẽ bị thâm thủng 1 tỉ USD.

Giá dầu sụt giảm cũng tác động đến tỉ giá các đồng tiền, chẳng hạn như tại Nga, cũng là một quốc gia sản xuất dầu mỏ, đồng rúp đã mất 20% trị giá so với đồng USD.

Vấn đề là sắp tới đây, chiếu theo thỏa thuận với các cường quốc vào tháng 7 vừa qua, các biện pháp trừng phạt đối với Teheran sẽ được bãi bỏ, đổi lại việc Iran cam kết không chế tạo vũ khí hạt nhân.

Như vậy là dầu mỏ của Iran, quốc gia có trữ lượng dầu đứng thứ nhì thế giới, trong những ngày tới sẽ tràn ngập thị trường thế giới, kéo giá dầu xuống thấp hơn nữa. Giá dầu giảm thêm sẽ là một tai họa đối với Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi và dầu hỏa chiếm đến 90% kim ngạch xuất khẩu và 80% thu nhập của chính phủ liên bang.

Thêm một bằng chứng phủ nhận cáo buộc của đảng đối lập ở Campuchia

Chính phủ Campuchia hôm 3/9 tiếp tục tổ chức một cuộc họp báo để tiếp nhận và tiến hành so sánh, đối chiếu các bản đồ mà Chính phủ đang sử dụng trong phân giới cắm mốc trên đất liền với Việt Nam với các bản đồ Bonne mượn từ Pháp.

Cuộc họp do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong chủ trì, với sự tham dự và chứng kiến của đại diện 3 đảng lớn của Campuchia là đảng Nhân dân cầm quyền (CPP), đảng Cứu quốc đối lập (CNRP) và đảng Bảo hoàng FUNCINPEC cùng đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.

Ông Hor Namhong và Đại sứ Pháp tại Campuchia đã ký kết biên bản giao nhận 26 tấm bản đồ Bonne, tỷ lệ 1/100.000, do Sở địa dư Đông Dương sản xuất trước năm 1953, khi Campuchia còn là thuộc địa của Pháp. Đây là những tấm bản đồ mà Chính phủ Pháp cho Chính phủ Campuchia mượn theo yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Bằng phương pháp sử dụng máy chiếu, ông Var Kimhong, Bộ trưởng cấp cao phụ trách vấn đề biên giới đã tiến hành so sánh, đối chiếu 26 tấm bản đồ Bonne mượn từ Pháp và bản đồ mà Chính phủ Campuchia đang sử dụng để phân giới cắm mốc với Việt Nam. Kết quả đã xác thực những tấm bản đồ này là hoàn toàn giống nhau.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, ông Hor Namhong khẳng định: “Tôi nghĩ rằng, vấn đề bản đồ biên giới chúng ta nên kết thúc tại đây. Các đảng phái chính trị không nên lấy vấn đề biên giới làm chiến dịch kích động người dân. Chúng ta không nên làm như vậy, hãy làm những điều tốt để dân bầu cử cho thì hay hơn”.

Trước đó, ngày 20/8, Chính phủ Campuchia đã tổ chức một cuộc họp để so sánh bản đồ đang sử dụng với bản đồ mượn từ LHQ và kết quả thu được là tương tự. Việc so sánh cũng đã được tiến hành giữa bản đồ của Chính phủ và bản đồ do đảng đối lập sưu tầm.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh đảng đối lập thường xuyên chỉ trích Chính phủ Campuchia sử dụng bản đồ không đúng, bản đồ giả trong phân giới cắm mốc với Việt Nam.

Hình ảnh ấn tượng

the gioi 24h my va malaysia mat dam ve bien dong 1

Hơn 40kg lông được xén khỏi một con cừu bị lớp lông đè nặng lên người ở ngoại ô thành phố Canberra, Úc.

G.K

Năng lượng Mới (Theo AP, Reuters, ABC News)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc