THẾ GIỚI 24H: Mỹ tập trận tại Ukraina, Nga nổi đóa

06:00 | 22/07/2015

1,942 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nga cảnh báo rằng cuộc diễn tập quân sự có sự tham gia của lực lượng Mỹ ở miền tây Ukraina có thể sẽ khiến tiến trình hòa bình bị chệch hướng và dễ gây bùng nổ xung đột.

Binh lính Mỹ và Ukraina trong buổi lễ khai mạc cuộc diễn tập Rapid Trident ngày 20/7/2015.

Ngày 20/7, khoảng 1.800 binh sĩ từ 18 nước, hầu hết đều là thành viên khối NATO hay đối tác của NATO, đã khởi sự cuộc diễn tập quân sự mang tên Rapid Trident 2015, được tổ chức tại khu vực Lviv gần biên giới Ukraina với Ba Lan.

Trang web của Lục quân Mỹ ở châu Âu mô tả Rapid Trident là "một cuộc diễn tập mô phỏng chỉ huy và huấn luyện ngoài thực địa tập trung vào việc gìn giữ hòa bình và duy trì ổn định".

Trang web này cũng cho biết cuộc diễn tập được tiến hành "thể theo yêu cầu rõ ràng của chính phủ và quân đội Ukraina".

Bộ Quốc phòng Ukraina cho biết mục đích của cuộc diễn tập năm nay là "đào tạo những tổng hành dinh và những đơn vị lữ đoàn đa quốc gia để thực hiện những hành động bình ổn trong khuôn khổ những hoạt động phòng thủ sử dụng kinh nghiệm từ hoạt động chống khủng bố ở miền đông Ukraina".

Cuộc diễn tập Rapid Trident sẽ kéo dài hai tuần.

Cuộc diễn tập diễn ra giữa lúc bạo lực bùng phát ở miền đông Ukraina. Người phát ngôn của chính quyền Tổng thống Ukraina Andriy Lysenko nói rằng 5 quân nhân Ukraina bị thương trong khu vực Donetsk 24 giờ qua. Hôm 20/7, phe ly khai và quân đội Ukraina cáo buộc nhau nã pháo vào những khu dân cư trong và xung quanh thành phố Donetsk do phe nổi dậy chiếm giữ, sau khi cảnh sát báo cáo ít nhất bốn thường dân bị thiệt mạng trong 24 giờ trước.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 20/7 tuyên bố rằng các cuộc tập trận quân sự do Mỹ cầm đầu ở miền Tây Ukraina có thể để lại những hậu quả “dễ gây bùng nổ xung đột” và đe dọa làm chệch hướng tiến trình hòa bình ở khu vực miền Đông do phe ly khai kiểm soát.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Các cuộc tập trận quân sự có sự tham dự của các thành viên NATO và quân đội Ukraina đã bắt đầu tại vùng Lviv dưới sự chỉ huy của Mỹ là một bằng chứng rõ ràng cho thấy chính sách khiêu khích của NATO nhằm ủng hộ một cách công khai đối với những chính sách của chính quyền Kiev hiện nay ở miền Đông Ukraina”.

Sách Trắng quốc phòng Nhật chỉ trích Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông

Ngày 21/7, Chính phủ Nhật Bản đã công bố Sách Trắng quốc phòng 2015. Bản báo cáo dày 500 trang mang tựa đề “Quốc phòng Nhật Bản 2015” không ngần ngại lên án các hành động “đơn phương và không khoan nhượng” của Trung Quốc, đã làm dấy lên những mối lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, bản báo cáo năm nay đã có những lời lẽ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc khi nêu bật các hành vị quyết đoán trên biển của nước này: “Trung Quốc, đặc biệt trong các vấn đề hàng hải, tiếp tục hành động một cách quyết đoán, trong đó có việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm thay đổi hiện trạng, để thỏa mãn yêu sách đơn phương của mình một cách không thỏa hiệp”.

Bản báo cáo của Nhật Bản lần đầu tiên có kèm theo hình ảnh vệ tinh về các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng Biển Đông, và đặc biệt nói rõ: “Trung Quốc đã rốt ráo tiến hành việc cải tạo bảy rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, và trên một số đảo, đã cho xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm phi đạo và bến cảng”. Theo Tokyo, điều này đã trở thành một mối quan ngại lớn đối với cộng đồng quốc tế, và trước tiên hết là đối với Mỹ.

Theo Reuters, Nhật Bản không có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, nhưng sợ rằng các căn cứ quân sự của Trung Quốc sẽ tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trong một vùng có khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa qua lại mỗi năm, mà đa số có Nhật Bản là nơi đến và đi.

Trong Sách Trắng quốc phòng 2015, Nhật Bản kịch liệt phản đối việc Trung Quốc xây dựng thêm nhiều giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí trên biển Hoa Đông.

Nhật Bản cho rằng, đây là hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước và yêu cầu Trung Quốc lập tức ngưng các hành động mang tính đơn phương, có mục đích thay đổi nguyên trạng trên biển.

Trong Sách Trắng, Nhật Bản cho biết, ngân sách quốc phòng tài khóa 2015 ở mức 450 tỷ USD, bằng 1% GDP của Nhật Bản. Ngân sách quốc phòng năm 2015 đã tăng 0,8% so với tài khóa trước, trong đó có sự gia tăng của chi phí nhân sự và mua sắm các trang thiết bị quân sự phục vụ tuần tra và chiến đấu trên biển.

Trong một diễn biến khác có liên quan, trả lời hãng tin Pháp AFP hôm qua, Bộ trưởng Ngân sách Philippines Florencio Abad cho rằng bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông, Philippines quyết định gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng. Theo quan này, ngân sách quốc phòng năm 2016 của Philipppines sẽ tăng 25% so với hiện nay, đạt mức kỷ lục là 25 tỷ pesos (hơn 550 triệu USD). Ưu tiên được dành cho việc mua thêm chiến hạm và máy bay do thám.

Nga đề xuất cách xử lý vụ MH17

Ngày 20/7, Nga đề xuất một dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc, trong đó yêu cầu những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ trên bầu trời Ukraina năm ngoái phải bị đem ra xét xử, song loại bỏ sáng kiến thành lập một tòa án trọng tài để phân xử vấn đề này.

Cùng ngày, năm nước - gồm Malaysia, Ukraina, Hà Lan, Australia và Bỉ, đã tái nhấn mạnh một tuyên bố chung rằng một năm sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đề nghị các bên có trách nhiệm trong vụ thảm kịch trên phải giải trình, đã đến lúc phải thành lập một tòa án quốc tế.

Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết của Nga lại bày tỏ quan ngại cuộc điều tra không đảm bảo được “sự minh bạch cần thiết trong phương pháp làm việc và tổ chức, và điều này có thể có ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả điều tra".

Theo dự thảo nghị quyết, “việc tìm ra nguyên nhân chính xác về vụ tai nạn hàng không này là đặc biệt quan trọng để có thể đưa những bên chịu trách nhiệm ra trước công lý".

Nga cũng gợi ý Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế “có thể đóng một vai trò tích cực và đáng kể hơn trong cuộc điều tra này”.

Hình ảnh ấn tượng

Chủ tịch Fidel Castro thăm Mỹ lần đầu tiên vào ngày 15/4/1959, chỉ ít tháng sau khi cách mạng Cuba thành công ngày 1/1/1959

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc