THẾ GIỚI 24H: Mỹ đưa chiến hạm áp sát nước Nga

08:02 | 30/06/2015

843 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ cử một chiến hạm tới tập trận với Gruzia để trấn an nước này về kịch bản một Ukraina thứ hai. Trung Quốc khai trương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB). Merkel sẽ bị lịch sử phê phán nếu châu Âu bỏ rơi Hy Lạp. Đó là những tin tức quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tàu khu trục USS Laboon của Mỹ

Một khu trục hạm trang bị tên lửa của Mỹ đã đến cảng Batumi của Gruzia ở Hắc hải hôm 28/6 trong nhiệm vụ huấn luyện, nhằm chứng tỏ sự hậu thuẫn cho quốc gia này giữa lúc có tình trạng căng thẳng ở Đông Ukraina.

Khu trục hạm USS Laboon thuộc Hạm đội thứ 6 sẽ “có các cuộc thao dượt thường lệ với tuần duyên Gruzia”- theo lời đại sứ Mỹ ở Tbilisi.

Việc chiến hạm USS Laboon tới cảng Batumi “tái khẳng định quyết tâm của Mỹ nhằm tăng cường mối quan hệ với các đồng minh NATO cũng như các quốc gia thân hữu như Gruzia, trong khi tạo sự ổn định và an ninh trong vùng biển Hắc hải”- Đại sứ Mỹ nói.

Việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea đã làm Gruzia lo ngại, vốn từng bị thua trong cuộc chiến ngắn với Nga năm 2008. Một tháng sau cuộc chiến này, một tàu chiến Mỹ chở hàng viện trợ nhân đạo ghé Gruzia. Vào thời điểm đó, Moskva tố cáo Mỹ sử dụng chiến hạm chở vũ khí để ngầm tái vũ trang cho Gruzia.

Cuộc khủng hoảng Ukraina đang tạo ra sự đối đầu gay gắt nhất giữa Nga và phương Tây phương từ thời Chiến tranh Lạnh tới nay. Mỹ tuần qua nói rằng sẽ đưa vũ khí hạng nặng tới vùng Trung và Đông Âu, một hành động làm Nga giận dữ.

Sự kiện Gruzia đang tìm cách gia nhập NATO và EU cũng làm Nga không hài lòng. Moskva chống lại việc NATO thu nhận thành viên từ các quốc gia từng ở trong Liên bang Xôviết, nói rằng điều này đe dọa an ninh của Nga.

AIIB chính thức ra mắt

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được Trung Quốc hỗ trợ khai trương hôm qua tại Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp trưởng đoàn 57 nước tham dự lễ ký điều lệ hoạt động của AIIB. Trong số các dấu hiệu rõ ràng nhất cho đến giờ này về cách thức vận hành của ngân hàng là việc xác nhận Trung Quốc sẽ chiếm quyền biểu quyết lớn nhất với 26%.

Các thành viên của BRICS – là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – cũng sẽ nắm một khối cổ phần đáng kể với quyền biểu quyết gần 50%. Sự kiện này đã làm tăng thêm các mối lo ngại cho rằng AIIB không những có thể thách thức các cơ sở đã có từ lâu như Ngân hàng Thế giới, mà còn cả Ngân hàng BRICS vừa thành lập.

Một vấn đề gây nhiều tranh luận khác về các thỏa thuận của ngân hàng rọi một tia sáng vào việc liệu Trung Quốc sẽ có quyền phủ quyết hay không trong những quyết định của AIIB.

Thỏa thuận công bố hôm qua không dùng từ “phủ quyết” nhưng nói rằng đối với phần lớn các quyết định quan trọng, ngân hàng sẽ coi một “siêu đa số” là cấp thiết. Với 26% cổ phần, Trung Quốc sẽ có tiếng nói quyết định trong mọi quyết định. Trung Quốc từng cho biết họ không mưu tìm quyền phủ quyết tại ngân hàng.

AIIB sẽ là một định chế tài chính đa phương, đặt trụ sở chính tại Bắc Kinh và có mức vốn điều lệ 100 tỷ USD. AIIB hiện có 57 thành viên sáng lập, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Mục tiêu hoạt động của AIIB là thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực, tập trung vào các dự án trong lĩnh vực: giao thông, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp, môi trường, phát triển đô thị...

Khủng hoảng Hy Lạp: Tội nợ đâu bà Merkel chịu!

Báo chí Pháp ra ngày hôm qua cho rằng nếu Hy Lạp bị phá sản và bắt buộc phải rời vùng đồng tiền chung euro thì chính Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ lãnh phần lớn trách nhiệm. Uy tín của lãnh đạo cường quốc kinh tế số một của châu Âu tùy thuộc vào giải pháp cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất hiện nay trong bối cảnh EU đang đứng trước nhiều de dọa.

Từ nhiều tháng nay, Thủ tướng Đức, một nhân vật có tiếng thận trọng, luôn đắn đo cân nhắc những hệ quả về tài chính, kinh tế và địa chiến lược trong trường hợp Hy Lạp rời vùng đồng tiền chung.

Theo các cố vấn thân cận của Thủ tướng Merkel, trái với quan điểm xem nhẹ hậu quả của Bộ trưởng Tài chính đầy thế lực Wolfgang Shauble, bà dứt khoát không để cho thành viên Hy Lạp bị vỡ nợ, phải ra đi.

Ngày 26/6, vài giờ trước khi Thủ tướng Alexis Tsipras loan báo với quốc dân Hy Lạp trưng cầu dân ý có nên chấp nhận hay không các đề nghị của các nhà tài trợ, Thủ tướng Đức còn tháp tùng Tổng thống Pháp bàn thảo riêng với đồng sự Hy Lạp bên lề thượng đỉnh châu Âu. Bà khuyên Thủ tướng Hy Lạp nên chấp nhận “biện pháp rộng lượng” của Ủy ban châu Âu, Ngân hàng châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Trong cuộc điện đàm với tổng thống Barack Obama sau đó, Thủ tướng Đức còn hội ý với lãnh đạo Mỹ, cần phải tạo điều kiện cho Hy Lạp ở lại và cải cách trong khối đồng tiền chung euro.

Theo giới phân tích, nếu cuối cùng Hy Lạp rời vùng kinh tế và đồng tiền chung euro thì chắc chắn Thủ tướng Tsipras và phe cực tả Hy Lạp sẽ bị phê phán là thiếu xây dựng trong các cuộc thương lượng triền miên.

Tuy nhiên, chính Thủ tướng Đức phải “quản trị” tình hình “hậu Hy Lạp” và sẽ là người chịu trách nhiệm giải thích vì sao không tránh được giải pháp xấu nhất này.

Trước hết, Hy Lạp ra đi là một thảm nạn cho người dân quốc gia Nam Âu này. Họ phải sử dụng đồng drakma mới, bị mất giá nghiêm trọng, đối đầu với lạm phát phi mã, thiếu hụt nhu yếu phẩm nhập khẩu nhất là dầu khí và thuốc men. Các nước EU sử dụng đồng euro cũng không tránh được tác động dây chuyền, mất hàng trăm tỷ cho vay, lại phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Nói rõ hơn, để Hy Lạp ra đi không phải là giải pháp triệt để mà bà Angela Merkel tính đến.

Trong các cuộc đàm đạo riêng, Thủ tướng Đức cho biết mối lo ngại nhất của bà là nước Đức bị lịch sử kết tội làm châu Âu “tan vỡ ba lần trong một thế kỷ”. Bà đã hơn một lần thương thảo với Thủ tướng Hy Lạp suốt năm giờ đồng hồ và cam kết Berlin “chiến đấu” bên cạnh Athens.

EU, tuy hùng mạnh kinh tế, đang đứng trước nhiều hiểm nguy: nước Anh với dự án trưng cầu dân ý đi hay ở, khó khăn thống nhất lập trường đối phó với làn sóng nhập cư bất hợp pháp, khủng hoảng với Nga tại Ukraina, đe dọa của thánh chiến Hồi giáo, giờ đây nếu cộng thêm tình hình rối loạn tại Hy Lạp thì số phận các dự án cải cách châu Âu sẽ ra sao? Những lực lượng chính trị cực tả và cực hữu chống châu Âu thống nhất có thêm thời cơ để đòi “độc lập”.

Từ khi khủng hoảng tài chính của Hy Lạp nổ ra cách nay 5 năm , chiến lược của Berlin là thương thuyết từng giai đoạn: đánh đổi tài trợ với các biện pháp cải cách đớn đau thắt lưng buộc bụng. Tai hại hơn nữa, chiến lược khắc khổ này bị nhiều chuyên gia kinh tế và Thủ tướng Tsipras than phiền là cản trở kinh tế Hy Lạp vực dậy.

Không rõ tại sao, trong những tuần lễ gần đây, chủ trương trung dung của Thủ tướng Đức bị quan điểm triệt để của Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Shauble, lấn át.

Hình ảnh ấn tượng

David Sweat, một trong hai tù nhân vượt ngục ở tiểu bang New York, bị cảnh sát bắt được gần biên giới Canada hôm 28/6 sau 23 ngày lẩn trốn.

G.K

Năng lượng Mới