THẾ GIỚI 24H: Mỹ “cấm” Iraq mời Nga đánh IS

07:00 | 22/10/2015

3,332 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước khả năng Iraq mời Nga đánh giùm IS vì thấy chiến dịch không kích của Mỹ không hiệu quả, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford hôm qua đã có chuyến công du bất ngờ tới Badgdad để yêu cầu Thủ tướng Iraq cam kết sẽ không yêu cầu Nga không kích trong thời gian trước mắt.
tin nhap 20151021231927
Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford làm việc với chính phủ Iraq ngày 20/10

Thủ tướng Iraq thời gian gần đây bị đứng trước áp lực của liên minh cầm quyền và lực lượng dân quân Shia, muốn ông yêu cầu Nga tham gia không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở trong nước.

Bản thân Thủ tướng Abadi cũng đã có lúc bắn tiếng mời Nga đánh IS giùm và hiện tại đang chia sẻ thông tin tình báo về IS cho Nga.

Các chiến dịch không kích của Nga tại Syria quá ấn tượng khiến không chỉ lãnh đạo Iraq, quốc gia cũng đang bị IS hoành hành, mà cả người dân Iraq bỗng tin tưởng Tổng thống Putin hơn Obama.

Trước khả năng Iraq có thể mời Nga tham chiến Mỹ đã cảm thấy bất an. Đó là lý do ông Joseph Dunford bất ngờ thăm Iraq hôm qua.

Một giới chức Iraq theo hệ phái Shia, thân cận với Thủ tướng, cho biết: “Ông Abadi đã tuyên bố trong cuộc họp là việc yêu cầu Nga tham chiến sẽ là không phù hợp, vì điều này chỉ làm phức tạp thêm tình hình với Mỹ. Và điều này có thể mang lại những hậu quả không mong muốn, kể cả quan hệ dài hạn với Washington”.

Trong khi đó, theo hai nghị sĩ Iraq, Thủ tướng Haidar al Abadi hiện có thể chưa đưa ra câu trả lời chính thức về các yêu cầu của Liên minh Quốc gia, tức liên đảng cầm quyền. Theo quan điểm của liên minh cầm quyền Iraq, các cuộc không kích của Mỹ chống IS tại Iraq là không đủ mức. Mục tiêu chiếm lại các vùng đất bị IS xâm chiếm, nhất là thành phố Mossoul phía bắc Iraq, vẫn còn xa vời.

Đối đầu Nhật-Trung trên thực địa rất cam go

Theo kênh Japan News Networks, kể từ ngày 1/4 đến 30/9/2015, các chiến đấu cơ của Nhật đã cất cánh tổng cộng 231 lần. Trong đó có 222 lần cất cánh liên quan đến vùng nhận dạng phòng không phía tây nam Nhật Bản. Để đối phó với thách thức gia tăng từ Trung Quốc, đặc biệt là diễn biến bất ngờ tại khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, không quân Nhật dự kiến triển khai thêm 20 chiến đấu cơ F-15J tại căn cứ Naha ở Okinawa, nâng tổng số chiến đấu cơ F-15J ở đây lên 40 chiếc.

Vẫn theo Japan News Networks, cho dù máy bay Trung Quốc không xâm nhập không phận Nhật Bản, việc các oanh tạc cơ chiến lược cũng như máy bay vận tải của Trung Quốc nhiều lần bay qua eo biển Miyako (ở phía tây nam đảo Okinawa) hồi tháng 7 cũng khiến Nhật lo ngại.

Quan hệ Nhật-Trung trong thời gian gần đây có dấu hiệu được cải thiện, tuy nhiên, những cuộc đối đầu trên thực địa không tỉ lệ thuận với quan hệ ngoại giao.

Baltic loay hoay tìm lối thoát khỏi Nga

Khủng hoảng Ukraina đã khiến Ba Lan và các nước vùng Baltic lo ngại Nga đang tìm mọi cách gây sức ép đối với các quốc gia từng nằm trong vòng ảnh hưởng của Matxcơva. Nga giữ một thứ vũ khí nguy hiểm có thể gây mất ổn định các nước vùng Baltic cũng như Ba Lan đó là khí đốt.

Ý thức rõ được điều đó, Ba Lan và các nước vùng Baltic từ nhiều năm qua đã cố gắng tìm cách thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào nguồn khí đốt nhập từ Nga. Tuần qua, Ba Lan đã chính thức khai trương cảng nhập khí hóa lỏng lớn đầu tiên tại Swinouijscie, thành phố miền tây bắc nước này, để trực tiếp nhận khí đốt nhập từ vùng Vịnh. Sự kiện được đón nhận như là một bước đi trong nỗ lực tìm kiếm sự độc lập năng lượng của Vacxava. Phát biểu trong lễ khánh thành cảng khí đốt, Thủ tướng Ba Lan, bà Ewa Kopacz vui mừng tuyên bố: “Ba Lan đã đạt mục đích chiến lược, chúng ta độc lập trong lĩnh vực khí đốt”.

Chuyên gia năng lượng Ba Lan, ông Wojciech Jakobok nhận định “việc đưa vào khai thác cảng khí đốt Swinouijscie sẽ giảm được đáng kể nguy cơ bị sức ép của Nga” và từ giờ Ba Lan hoàn toàn độc lập lựa chọn nhà cung cấp, đàm phán giá cả mua khí đốt mà không phải chịu sức ép nào.

Cảng tiếp nhận khí đốt Swinoujscie, có vốn đầu tư xây dựng 720 triệu euro, có khả năng ban đầu tiếp nhận 5 tỷ m3 khí mỗi năm, tương đương với 1/3 lượng khí tiêu thụ tại Ba Lan. Nhưng năm tiếp theo, công suất có thể nâng lên 7,3 tỷ m3 một năm. Hiện tại 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ ở Ba Lan lấy từ nguồn khai thác trong nước, 40% nhập từ Nga và 20% nhập từ Trung Á.

Giống như Ba Lan, Litva cũng đã có bước đi đầu tiên để thoát khỏi lệ thuộc năng lượng. Nước cộng hòa vùng Baltic này, năm ngoái còn lệ thuộc 100% vào nguồn cung cấp khí đốt Nga, tháng 1/2015 đã khánh thành một cảng nhận khí đốt nổi, nhờ vào hợp đồng với tập đoàn dầu khí Na Uy Statoil. Cảng khí đốt mới đã giúp đất nước 3 triệu dân này mỗi năm nhập trực tiếp 540 triệu m3 khí đốt từ Na Uy, trên tổng số nhu cầu khoảng 2,3 tỷ m3.

Các nước vùng Baltic đã có bước tiến mới mang tính quyết định giúp giải thoát khỏi sự cô lập về năng lượng và nhất là sự lệ thuộc vào Nga. Trong tuần qua tại Bruxelles một thỏa thuận tài chính quan trọng đã được ký giúp xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Ba Lan sang Litva, trong đó EU hỗ trợ một phần tiền. Công trình sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.

Bên cạnh đó ba nước vùng Baltic, Litva, Latvia và Estonia đang thúc đẩy nhiều dự án nhằm tăng cường xây dựng mạng lưới đường ống dẫn khí nối với các nước Ba Lan và Đan Mạch hay Phần Lan. Tất cả vì một mục tiêu chiến lược là sớm thoát khỏi sự lệ thuộc năng lượng của Nga càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ bị chi phối chính trị.

Hình ảnh ấn tượng

tin nhap 20151021231927
Một cảnh sát cưỡi ngựa dẫn một nhóm di dân gần Dobova, Slovenia. Quốc hội Slovenia dự kiến ​​sẽ phê chuẩn những thay đổi trong luật của nước này để cho phép quân đội giúp cảnh sát bảo vệ biên giới, trong khi hàng nghìn di dân tràn vào Slovenia từ Croatia sau khi Hungary chặn hết biên giới nước họ.

G.K

(Theo AFP. AP, Reuters)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc