THẾ GIỚI 24H: Một sự thách thức nước Mỹ

07:00 | 02/09/2015

2,674 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Tổng thống Sudan đến Trung Quốc dự lễ kỷ niệm 70 năm Nhật Bản đầu hàng đồng minh bất chấp việc nhà lãnh đạo này đang bị truy nã quốc tế chẳng khác nào một lời thách thức Mỹ và Nhật.
the-gioi-24h-mot-loi-thach-thuc-nuoc-my
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Sudan Omar al-Bashir trong buổi lễ ký tưởng niệm tại Đại Lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 1/9/2015

Theo Bộ Ngoại giao Sudan, Tổng thống nước này Omar Hassan al-Bashir ngày 31/8 đã đến Trung Quốc trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày. Ông Bashir đến Trung Quốc để tham dự lễ kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh truy nã ông Bashir trong các năm 2009 và 2010 với cáo buộc phạm tội diệt chủng và các tội ác khác trong chiến dịch của ông này nhằm đàn áp một cuộc nổi dậy ở khu vực Darfur. Các thành viên ICC có nghĩa vụ thực thi các lệnh truy nã, tuy nhiên, Trung Quốc không phải là thành viên của tổ chức này.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi thông điệp bày tỏ quan ngại đến chính quyền Trung Quốc về chuyến công du của Tổng thống Sudan, người bị ICC truy nã vì “tội ác chiến tranh” và “tội diệt chủng”.

Trước báo giới, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại việc nguyên thủ Sudan Omar al-Bechir “bị ICC truy tố vì tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và diệt chủng, và các lệnh truy nã nhắm vào đương sự hiện vẫn có hiệu lực”. Phó phát ngôn viên Mark Toner nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng ông ta phải trả lời về các hành động của mình”, tuy nhiên đại diện Ngoại giao Mỹ không yêu cầu trực tiếp chính quyền Trung Quốc câu lưu Tổng thống Sudan.

Mặc dù Mỹ không phải là quốc gia ký kết Hiệp định thành lập ICC, nhưng Washington “ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của ICC”, như phát biểu của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Chống di dân theo kiểu cực đoan

Sau khi xây 175 km tường dọc biên giới với Serbia, chính quyền Hungary hôm qua đã đóng cửa ga xe lửa chính ở thành phố Budapest, làm hàng trăm di dân, phần lớn đến từ các khu vực có chiến tranh ở Trung Đông và đang tìm cách du hành tới các nước Áo và Đức, bị mắc kẹt.

Theo AFP, hàng trăm nhân viên cảnh sát hôm 1/9 đưa những người di dân ra khỏi Trạm xe lửa miền đông, và chặn không cho họ trở vào, sau khi loa phóng thanh phát đi một loan báo, ra lệnh cho các hành khách phải ra khỏi nhà ga.

Không có báo cáo về các vụ xô xát, không như sớm hơn trong ngày, khi hàng trăm người tìm cách trèo lên một chuyến xe lửa đi Vienna nhưng bị cảnh sát ngăn lại.

Sau khi bị lùa ra ngoài, người di dân tụ tập bên ngoài nhà ga, và dựng lên những lều trại tạm ở đây. Một số người hô to: Tự Do! Tự Do! Hoặc “nước Đức, nước Đức!” là điểm đến chọn lựa của nhiều người.

Chính quyền Áo nói tổng cộng có 3.650 người di dân tới Vienna trong ngày hôm 31/8. Đây là con số cao kỷ lục trong một ngày của năm nay, và là đợt mới nhất trong một làn sóng người tìm cách tỵ nạn ở EU.

Mối lo Ebola trở lại

Các giới chức y tế ở Sierra Leone hôm qua đã xác nhận một ca tử vong mới do virut Ebola, chưa đầy một tuần sau khi bệnh nhân bị nhiễm Ebola mới nhất được cho xuất viện.

Giới chức y tế đứng đầu của quốc gia Tây Phi, Brima Kargbo, nói rằng những mẫu xét nghiệm từ cơ thể của nạn nhân 67 tuổi, người đã qua đời hồi gần đây ở một khu vực nông thôn gần biên giới Guinea, đã cho kết quả dương tính với căn bệnh chết người này. Ông Kargbo nói với hãng thông tấn Reuters rằng những cuộc kiểm tra kỹ hơn đang được tiến hành để xác nhận chẩn đoán.

Trung tâm Ứng phó Ebola Quốc gia của Sierra Leone nói rằng họ đang tìm kiếm những người có tiếp xúc với người phụ nữ nói trên.

Bênh nhân bị nhiễm Ebola mới nhất của Sierra Leone đã được xuất viện hôm 24/8, bắt đầu khoảng thời gian 42 ngày đếm ngược bắt buộc để một nước có thể tuyên bố sạch bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng hơn 11.300 người ở Sierra Leone, Guinea, và Liberia đã tử vong do Ebola, chiếm hơn một phần ba tổng số người Tây Phi được báo bị nhiễm bệnh. Cuộc khủng hoảng bệnh dịch hiện tại, tồi tệ nhất trong lịch sử, đã bắt đầu hồi đầu năm 2014.

Biên giới Venezuela-Colombia căng thẳng

Ngày 31/8, Venezuela đã tăng cường sự hiện diện của quân đội và tiến hành thống kê dân số ở các thị trấn dọc biên giới với Colombia. Theo chỉ thị của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, nhóm 180 binh sỹ đầu tiên trong số 3.000 binh sỹ đã được triển khai tới bang Tachira bằng máy bay của Không quân.

Công tác điều tra dân số sẽ được tiến hành ở 6/10 thị trấn của Tachira hiện đã được ban bố báo động khẩn cấp từ ngày 21/8. Quân đội sẽ thống kê dân số, nhà cửa, các tài sản thương mại-công nghiệp, các dịch vụ công cộng, hoạt động kinh tế và trang trại.

Tình hình khu vực biên giới giữa Venezuela và Colombia trở nên căng thẳng sau khi Caracas đóng cửa biên giới chung do các tay súng không rõ danh tính tấn công một đơn vị tuần tra của Venezuela, làm 3 binh sỹ và một dân thường bị thương. Các lực lượng vũ trang Venezuela đã chặn tổng cộng 177 tuyến đường qua lại bất hợp pháp giữa hai nước trong chiến dịch trên.

Cùng ngày, Tổng thống Maduro đã cáo buộc chính phủ Colombia bật đèn xanh cho việc thực hiện một kế hoạch ám sát ông. Hiện giới chức Colombia chưa có phản ứng gì về thông tin trên.

Tuyên bố của Tổng thống Venezuela đưa ra trong bối cảnh các quan chức ngoại giao của 34 quốc gia Tây bán cầu tập trung tại Washington để tham dự một hội nghị khẩn cấp của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ để thảo luận về cuộc khủng hoảng vốn đã khiến Venezuela đóng cửa 6 cửa khẩu biên giới với Colombia.

Hình ảnh ấn tượng

the-gioi-24h-mot-loi-thach-thuc-nuoc-my-1
Một người lính Israel đã bị gia đình người Palestine "cắn xé" khi đang cố gắng bắt giữ cậu bé ném đá về phía Bờ Tây.

G.K

Năng lượng Mới (Theo AP, Reuters, ABC News)