THẾ GIỚI 24H: Mặt trận quốc gia Pháp gây chấn động châu Âu

08:53 | 09/12/2015

1,208 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đảng Mặt trận Quốc gia thuộc phe cực hữu đã thắng lớn trong cuộc bỏ phiếu vòng một cuộc bầu cử cấp vùng ở Pháp ngày hôm qua. 
tin nhap 20151209085051
Lãnh đạo Mặt trận quốc gia Pháp Marine Le Pen phát biểu trước truyền thông trước khi bỏ phiếu tại Henin-Beaumont

Với việc giành được gần 1/3 số phiếu và chiếm phần lớn nhất tại 6 vùng trong tổng số 13 vùng, Đảng Mặt trận Quốc giáng một đòn nặng vào đảng Xã hội của Tổng thống Francois Hollande, là người mà mức ủng hộ đã tăng cao sau vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng trước.

Mặt trận Quốc gia do bà Marine Le Pen lãnh đạo đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc trắc nghiệm chính trị đầu tiên của Pháp sau những vụ tấn công khủng bố. Bà Le Pen nói kết quả này cho thấy thế giới chính trị cũ kỹ đang sụp đổ.

"Mặt trận Quốc gia là lực lượng duy nhất bảo vệ tổ quốc và chủ quyền đất nước. Người dân Pháp đã quá chán ngán và đã tới lúc phải thay đổi mọi việc"- ông Ludovic, một người ủng hộ đảng Mặt trận Quốc gia, phát biểu.

Sau vụ khủng bố ở Paris, bà Le Pen tuyên bố nước Pháp không nên nhận thêm người Hồi giáo. Tuy nhiên, theo ông Matthew Goodwin, nhà phân tích của Chatham House, sự sợ hãi của cử tri không phải là lý do duy nhất giúp cho Mặt trận Quốc gia giành được sự ủng hộ của người dân nước Pháp.

"Những cử tri này cũng cảm thấy lo ngại về Liên minh châu Âu và mối đe dọa mà họ nghĩ là sự hơp nhất của châu Âu sẽ mang lại cho lối sống của họ và cho những nguồn lực kinh tế của họ. Ngoài ra, họ cũng hết sức bất mãn đối với giới tinh anh chính trị trong nước"-ông Goodwin nói.

Kết quả chung cuộc sẽ được định đoạt trong cuộc đầu phiếu vòng thứ 2. Phe Cộng hoà của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã loại bỏ khả năng hợp tác với phe Xã hội để ngăn chặn thắng lợi của Mặt trận Quốc gia, một chiến thuật mà họ đả sử dụng trong những cuộc bầu cử trước đây.

Các đảng cực hữu đã giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử ở châu Âu trong thời gian gần đây. Nhà phân tích Goodwin nhận định: "Nếu Liên minh châu Âu không thể ứng phó vụ khủng hoảng người tị nạn một cách có hữu hiệu, nếu họ không thể phục hồi sự tăng trưởng đang bị trì trệ của khối sử dụng đồng euro, thì họ sẽ phải đối mặt với một sự thách đố rất lớn".

Thách đố đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày chủ nhật này trong cuộc đầu phiếu vòng nhì ở Pháp. Các nhà quan sát cho rằng chiến thắng của Mặt trận Quốc gia gây chấn động mạnh trên khắp châu Âu.

Ukraina khôi phục điện cho Crưm

Hôm qua, Ukraina đã khôi phục một phần điện năng cho Crưm, sau khi một loạt những vụ nổ vào tháng trước làm hư hỏng đường dây điện cao áp cung cấp điện cho bán đảo này.

Điện bắt đầu chạy lại trên một trong bốn đường dây bị phá hủy bởi những vụ nổ trong cuộc biểu tình phản đối vụ Nga sáp nhập Crưm. Sau những vụ nổ, những người biểu tình ủng hộ Ukraina, trong đó có người Tatar ở Crưm, đã ngăn cản những kỹ sư tới sửa chữa các đường dây điện.

Công tác sửa chữa đường dây điện được thực hiện "theo thỏa thuận" với những nhóm biểu tình phản đối, công ty điện lực nhà nước của Ukraina cho biết trong một thông cáo. Đường dây được sửa chữa cung cấp chỉ 15% nhu cầu điện năng của Crưm.

Với dân số khoảng 2 triệu người, Crưm phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Ukraina cho nguồn cung ứng điện và nước.

Những nhà lãnh đạo của Crưm tuyên bố rằng phương Tây chịu trách nhiệm về vụ làm đứt đường dây điện - một cáo buộc mà Kiev nhiều lần phủ nhận.

Tổng thống Vladimir Putin đã đến Crưm vào tuần trước và khánh thành một đường cáp ngầm dưới biển chạy từ Nga mà Moskva nói là đến tuần thứ ba của tháng 12 sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu điện năng của bán đảo. Trước khi bị cúp điện, Crưm nhận khoảng 80% điện năng từ Ukraina.

Thế giới Hồi giáo tẩy chay Donald Trump

Người Hồi giáo khắp thế giới lên án một đề xuất của ứng cử viên tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa Donald Trump cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.

Lợi dụng nỗi sợ hãi của nhiều người Mỹ sau vụ tấn công khủng bố chết người hồi tuần trước tại thành phố San Bernardino, bang California, ông Trump kêu gọi "ngăn chặn toàn bộ và hết thảy người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ" trong một phát biểu hôm qua.

Khắp thế giới, người Hồi giáo nói rằng lập trường của ông Trump không đại diện cho nước Mỹ mà họ biết. Một số nhận thấy lập trường này đáng lo ngại.

Ở Bangladesh, một số người bày tỏ lo sợ rằng phát biểu của ông Trump có thể làm cho quan hệ giữa Hồi giáo với phương Tây phức tạp hơn.

Tahir Ashrafi, Chủ tịch Hội đồng Ulema, một nhóm những giáo sĩ người Hồi giáo Pakistan, cho biết phát biểu của ông Trump chỉ kích động hận thù và bạo lực. "Nếu nhà lãnh đạo Hồi giáo nào đó nói rằng có một cuộc chiến giữa người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo thì chúng tôi lên án người đó. Vậy tại sao không lên án Mỹ nếu ông ta nói như vậy?" ông nói với hãng tin Reuters.

Ở Indonesia, nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Armanatha Nasir cho biết ông không bình luận về chuyện vận động tranh cử ở nước khác, nhưng ông khẳng định lập trường của Indonesia về chủ nghĩa khủng bố.

Một số nhà lãnh đạo Hồi giáo tin rằng người Mỹ sẽ không ủng hộ lệnh cấm mà ông Trump đề xuất. "Tôi nghĩ rằng người dân Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho một người như vậy"- Kamal Nasar Osoli, một thành viên của quốc hội Afghanistan, nói. "Ông ta [Trump] là kẻ bệnh hoạn".

Aftab Ahmad Khan Sherpaw, một thượng nghị sĩ và cựu bộ trưởng của nội vụ Pakistan, đồng ý rằng người Mỹ sẽ không đi theo sự lãnh đạo của Trump.

"Thái độ thù địch như vậy nhắm vào Hồi giáo và người Hồi giáo sẽ làm gia tăng căng thẳng trong xã hội Mỹ mà trong đó người Hồi giáo chiếm khoảng tám triệu người, là những công dân Mỹ ôn hòa và trung thành," Dar al-Ifta, một tổ chức nghiên cứu luật Hồi giáo có tiếng của Ai Cập, cho biết trong một thông cáo.

Din Syamsuddin, người đứng đầu Muhammadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn thứ hai Arập Xê út cho biết phát biểu của Trump là một trò đùa. "Thật nực cười là có một người trong thời hiện đại, toàn cầu hóa mà đầu óc lại quá hẹp hòi tới mức đòi cấm một số người vào Mỹ"- ông nói.

Dầu mỏ tiếp tục lao dốc

Giá dầu thô đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 trong giao dịch toàn cầu hôm qua. Đây là lần sụt giá mới nhất trong một chuỗi những lần sụt giá sau khi cuộc họp hôm 4/12 của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ không đạt được sự đồng thuận để cắt giảm sản lượng dầu. Họ lẽ ra có thể tăng giá bằng cách hạn chế nguồn cung ứng.

Các chuyên gia nói rằng nguồn cung dầu hiện cao hơn nhiều so với nhu cầu dầu. Nguồn dầu dư thừa này dự kiến sẽ tăng thêm nữa khi Iran, một trong những nước cung ứng dầu lớn nhất thế giới, thoát khỏi những biện pháp trừng phạt của quốc tế hạn chế dầu xuất khẩu của Iran. Những lo ngại về nhu cầu suy giảm cũng tăng lên vì dự báo thời tiết mùa đông ôn hòa ở Mỹ, có thể làm giảm nhu cầu đối với dầu sưởi ấm.

Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn rớt xuống dưới 40 USD một thùng hôm 8/12, trong khi giá dầu thô West Texas Intermediate được theo dõi sát sao sụt xuống tới mức đó trong phiên giao dịch ngày 7/12.

Lo ngại về diễn biến này, những nhà đầu tư đã bán cổ phiếu trong những công ty dầu mỏ và những công ty cung ứng và hỗ trợ ngành dầu mỏ. Đợt bán tháo này đã đẩy giá cổ phiếu xuống thấp trên những chỉ số chứng khoán chính khắp thế giới.

Giá dầu giảm cũng tác động tới hồ sơ tín dụng của những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, theo cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch. Các chuyên gia của Fitch đang tính toán tác động của việc doanh thu dầu bị sụt giảm đối với ngân sách chính phủ. Họ cũng đang theo dõi xem những nước bị ảnh hưởng ứng phó hữu hiệu ra sao bằng cách cắt giảm chi phí, tìm kiếm những nguồn thu khác, phá giá đồng tiền của họ hoặc thực hiện những biện pháp khác.

Hình ảnh ấn tượng

tin nhap 20151209085051
Một sĩ quan cảnh sát Nga bế một con chó con, được đặt tên là Dobrynya, trước khi tặng nó cho cảnh sát Pháp ở Đại sứ quán Pháp ở Moskva, Nga. Cảnh khuyển Dobrynya sẽ thay thế cảnh khuyển Diesel của Pháp sau khi nó hy sinh trong một cuộc đột kích chống khủng bố tại Paris vào ngày 18/11/2015.

G.K

Theo AFP. AP, Reuters