THẾ GIỚI 24H: Liên minh chống Trung Quốc ngày càng bền chặt

06:00 | 06/07/2015

1,981 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lần đầu tiên Nhật tham gia tập trận chung với Mỹ và Úc ở ven bờ biển nam Thái Bình Dương. Mặc dù Trung Quốc không được nhắc đến, nhưng theo nhiều nhà quan sát, đối thủ chung của liên minh Mỹ-Úc-Nhật chính là Bắc Kinh.

Tàu chiến Nhật và Mỹ

Ngày 5/7, Mỹ và Úc đã bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn được tổ chức 2 năm/lần với sự tham gia gia lần đầu tiên của binh sỹ Lực lượng phòng vệ mặt đất (JGSDF) của Nhật Bản.

Cuộc tập trận mang tên Talisman Sabre sẽ diễn ra trong 2 tuần tại Vùng lãnh thổ phía Bắc và bang Queensland của Úc, với sự tham gia của khoảng 30.000 binh sỹ Mỹ và Úc tập trận giả định trên biển, trên không và đất liền.

Nhật Bản cử 40 binh sỹ thuộc JGSDF tham gia cùng lực lượng Mỹ, trong khi New Zealand cũng cử 500 binh sỹ tham gia.

Trước đó, trong bài phát biểu ngày 4/7 trên tàu chiến USS Blue Ridge, Thủ tướng Úc Tony Abbott khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ-Úc đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều thách thức mới, đặc biệt tại khu vực Trung Đông.

Thủ tướng Úc không dẫn tên Trung Quốc, đối tác thương mại số một của Canberra, mà hai bên vừa ký kết một hiệp định tự do thương mại song phương, nhưng nhiều người không khỏi nghĩ đến Bắc Kinh, một đối thủ tiềm tàng của liên minh quân sự Mỹ-Úc-Nhật. John Lee, giáo sư đại học Sydney, một chuyên gia về an ninh quốc tế, cho rằng “Mỹ và các đồng minh hợp tác mật thiết chủ yếu là để ngăn chặn Trung Quốc”. Ông Lee nhấn mạnh: thực tế này có liên hệ với nhận thức rằng “Trung Quốc đang ngày càng gia tăng yêu sách chủ quyền và dường như Bắc Kinh đang phát triển sức mạnh quân sự để hậu thuẫn (cho tham vọng này), đặc biệt tại Biển Đông”.

Cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tại Hy Lạp

9,8 triệu cử tri Hy Lạp hôm qua đã tới các điểm bỏ phiếu để tham gia cuộc trưng cầu dân ý mang tính sống còn của nước này.

Hiện vẫn chưa rõ là người Hy Lạp sẽ bỏ phiếu hậu thuẫn thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng để nhận được các khoản cứu nguy của châu Âu hay là bác bỏ các yêu cầu của EU và đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi khối các nước sử dụng đồng euro.

Các cuộc thăm dò ý kiến người bỏ phiếu không cho thấy người dân Hy Lạp ngả về phương án nào.

Thủ tướng Alexis Tsipras đã kêu gọi các cử tri bác bỏ các điều kiện đặt ra như tăng thêm thuế và cắt giảm chi tiêu. Ông nói thêm rằng câu trả lời “không” sẽ làm cho Hy Lạp ở trong vị thế tốt hơn để thương thảo với các bộ trưởng tài chính châu Âu. “Không ai có thể phớt lờ ý nguyện sống của người dân, quyết tâm sống còn cũng như nắm lấy số phận của họ”- ông Tsipras nói sau khi bỏ phiếu sáng hôm qua.

Thủ tướng Hy Lạp và nhiều người dân nước này nói rằng đã chịu đựng đủ nỗi thống khổ do các yêu cầu trước đó của EU, khiến họ mất công ăn việc làm và phải hạ thấp rất nhiều tiêu chuẩn sống của mình.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cáo buộc EU đã "khủng bố" người dân Hy Lạp khi đe dọa họ phải bỏ phiếu chọn lựa. Nhưng những người nói “có” lại cho rằng Hy Lạp không có lựa chọn nào khác là một tương lai gắn với châu Âu.

Việc bị loại khỏi khối sử dụng đồng euro đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ phải sử dụng đồng tiền trước đây của nước này mà một số quốc gia có thể từ chối chấp nhận. Hầu hết người dân Hy Lạp phải đối mặt với tình trạng khó khăn trong tuần lễ trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý. Ngân hàng đã hạn chế số tiền rút ra để tránh bị hết tiền, dù các máy rút tiền nhiều lần không còn tiền mặt. Các siêu thị thì nhanh chóng hết sạch các loại thực phẩm cơ bản. Các cửa hàng thì lưỡng lự không muốn bày hàng ra kệ vì không biết chắc chắn là họ sẽ trả cho đầu phối phân phối như thế nào.

Hy Lạp tuần trước không thể trả khoản nợ 1,8 tỷ USD nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi các bộ trưởng tài chính châu Âu từ chối chi thêm để cứu nguy nước này.

Các chủ nợ châu Âu cáo buộc Athens từ chối thực hiện thêm các biện pháp cải cách về kinh tế trong khi người Hy Lạp nói rằng họ đã hy sinh quá đủ và cảm thấy như là nô lệ của các chủ nợ.

Mưa bom xuống tổng hành dinh của IS

Từ khuya ngày 4 đến sáng 5/7, liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo đã mở chiến dịch oanh kich dữ dội chưa từng thấy nhắm vào Raqa, thủ phủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria. Cùng lúc, chiến sự cũng diễn ra dữ dội ở nhiều nơi trên lãnh thổ Syria, đặc biệt là tại Alep, thành phố lớn ở miền Bắc.

Theo ghi nhận của tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria (OSDH), các phi vụ ném bom do không quân của liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo thực hiện tại Raqa, đã khiến cho ít nhất 30 người thiệt mạng, đa số là các chiến binh thánh chiến, nhưng cũng có 6 thường dân bị vạ lây.

Về phần mình, Trung tá Thomas Gilleran, phát ngôn viên của liên minh, xác nhận: “Các cuộc không kích quan trọng (...) đã được thực hiện để cho tổ chức IS không còn khả năng di chuyển vũ khí trong lãnh thổ Syria và chuyển qua Iraq”. Theo người phát ngôn, đó là chiến dịch không kích thuộc diện quy mô nhất mà liên quân chống IS từng tiến hành tại Syria, và đã phá hủy nhiều cơ sở của tổ chức khủng bố này, cũng như nhiều đoạn đường.

Riêng tại Alep, thủ phủ kinh tế ở miền Bắc Syria, giao tranh vẫn tiếp diễn giữa lực lượng chính phủ Damas và hai liên minh nổi dậy đang tìm cách chiếm lấy khu vực phía Tây của thành phố thứ hai của Syria, vẫn nằm trong tay quân chính phủ.

Vụ tấn công của liên minh quốc tế diễn ra một ngày sau khi IS công bố một đoạn video cho thấy 25 người đàn ông bị xử tử tại một sân khấu cổ ngoài trời ở thành phố Palmyra ở Syria do các chiến binh dường như là thiếu niên thực hiện. Đoạn video đăng tải trên truyền thông xã hội cho thấy các chiến binh IS dẫn một nhóm được cho là các binh sĩ chính phủ Syria từ nhà tù Palmyra khét tiếng tới sân khấu ngoài trời.

Tổ chức cực đoan IS đã thực hiện hơn 200 cuộc xử tử ở bên trong cũng như bên ngoài Palmyra kể từ khi tổ chức này chiếm được thành phố hồi tháng 5/2015.

Bà Clinton “lên lưới” đả kích Trung Quốc

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 4/7 đã có lời lẽ nặng nề khác thường nhắm vào Trung Quốc. Trong một buổi vận động tranh cử giành chức ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, bà Clinton đã cáo buộc đích danh Trung Quốc là thủ phạm đánh cắp đủ loại thông tin tại Mỹ từ tin mật cho đến không mật.

Phát biểu nhân một cuộc mít tinh tại bang New Hampshire, bà Clinton tố cáo Trung Quốc là đã đánh cắp các bí mật thương mại cũng như “một khối lượng thông tin khổng lồ của chính phủ (Mỹ). Đây là những hành vi trên quy mô rộng lớn vì theo bà, tin tặc Trung Quốc đã cố gắng thâm nhập vào mọi thực thể không di chuyển được tại Mỹ”. Theo giới quan sát, lời lẽ của bà Clinton về Trung Quốc dữ dội hơn rất nhiều so với ngôn từ thường được chính quyền Dân chủ của Tổng thống Barack Obama sử dụng, kể cả thời bà còn làm Ngoại trưởng.

Theo hãng Reuters, người tranh chức ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ xác định rằng dù ai cũng muốn thấy sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, nhưng mọi người cần phải hết sức cảnh giác vì “quân đội Trung Quốc đang phát triển rất nhanh chóng, họ đang thiết lập căn cứ quân sự có khả năng một lần nữa đe dọa các nước có hiệp ước với Mỹ như Philippines vì Trung Quốc cho xây dựng ở nơi có tranh chấp”.

Bà Clinton nói tiếp: “Tại Mỹ, (Trung Quốc) cũng đang cố gắng để thâm nhập trái phép qua mạng internet vào tất cả mọi thứ không di chuyển ở Mỹ, đánh cắp bí mật thương mại ... từ các nhà thầu quốc phòng, ăn cắp một lượng thông tin khổng lồ của chính phủ, tất cả đều nhằm giành phần hơn cho mình”.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper tháng trước nói rằng Trung Quốc là nghi can hàng đầu trong cuộc điều tra vào vụ tin tặc quy mô lớn, đánh cắp các dữ liệu về công nhân viên chính phủ liên bang Mỹ gần đây. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Hình ảnh ấn tượng

Thầy giáo Dinesh Upadhyaya ở Ấn Độ, được mệnh danh là "người miệng rộng nhất thế giới" nhờ khả năng ngậm nhiều đồ vật trong miệng, lại vừa lập thêm một kỷ lục nữa khi cùng lúc cho tới 1.001 chiếc ống hút vào miệng.

G.K

Năng lượng Mới