THẾ GIỚI 24H: Kinh tế Trung Quốc đang “đau đớn”

07:15 | 11/09/2015

2,830 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mô hình tăng trưởng Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc chuyển tiếp đầy “đau đớn” và phức tạp. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu khai mạc diễn đàn kinh tế Thế giới diễn ra tại Đại Liên ngày 10/9.
the gioi 24h kinh te trung quoc dang dau don 1
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế Thế giới diễn ra tại Đại Liên ngày 10/9

Theo ông Lý, Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện các chính sách tái cân đối nhằm chuyển từ một mô hình kinh tế dựa vào các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghiệp nặng và xuất khẩu, sang mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bằng tiêu thụ nội địa, dịch vụ và nâng mức giá trị công nghiệp.

Do đó đây sẽ là một tiến trình khó khăn và nhiều trở ngại. Những trồi sụt trong hiệu quả kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết, trước những bất ổn trong ngắn hạn, chắc chắn chính quyền Bắc Kinh sẽ không can thiệp, nhưng ông cũng trấn an giới doanh nghiệp là “nếu như nền kinh tế bị tuột dốc dưới ngưỡng hợp lý, Bắc Kinh có các biện pháp thích hợp để xử lý tình huống".

Ông Lý trấn an rằng nền kinh tế Trung Quốc “không phải là nguồn rủi ro cho thế giới”, ngược lại, “đấy lại là một nguồn lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ”, khi nhắc lại rằng tăng trưởng đất nước chiếm 30% tỷ trọng toàn cầu. Theo lãnh đạo chính phủ Bắc Kinh, vì nền kinh tế thế giới ảm đạm thì Trung Quốc cũng không thể nào làm khác được.

Các tuyên bố trên của ông Lý Khắc Cường được đưa ra trong bối cảnh, hồi tháng 8 vừa qua, thị trường tài chính thế giới có những biến động dữ dội. Kinh tế Trung Quốc dao động đã làm dấy lên nhiều quan ngại, nghi ngờ tính hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ do Bắc Kinh đề ra.

Đồng thời, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2014 đã tụt xuống ở mức 7,3%, sau khi đã hạ dự báo tăng trưởng trong tuần này, mức thấp nhất trong vòng ¼ thế kỷ qua. Bắc Kinh dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ ở mức 7% cho năm nay, các ngành sản xuất co hẹp, nhu cầu thế giới chựng lại và xuất khẩu sụt giảm.

Thổ Nhĩ Kỳ: bóng ma nội chiến

Cho đến tối 9/9, tại nhiều thành phố, kể cả Istanbul, nhiều vụ đốt phá các trụ sở của đảng PKK đã diễn ra. Bạo động đã kéo dài trong ba đêm liên tiếp. Đáng lo ngại nhất là tình hình tại thành phố biên giới Cizre, nơi bị phong tỏa từ một tuần qua. Các vụ chạm súng đã làm nhiều người thiệt mạng.

Cizre là thành phố duy nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ mà từ một tuần qua, người ta không còn nghe thấy những lời kêu gọi cầu nguyện nữa. Các muezzin – người kêu gọi cầu nguyện – không thể ra balcon trên tháp các đền thờ Hồi giáo để kêu gọi, bởi vì lính bắn tỉa tinh nhuệ đã chiếm lĩnh tất cả.

Lực lượng này cấm mọi người ra đường phố và sẵn sàng bắn hạ từ xa những ai xuất hiện. Đã có 9 người thiệt mạng. Theo các nhân chứng, vốn rất hiếm hoi, trên balcon giờ đây được gắn các loa phóng thanh của cảnh sát, phát những lời hô hào và phỉ báng dân chúng, đe dọa ngày tận thế đã đến với họ, còn thành phố thì không có điện thoại và điện từ một tuần nay.

Trong suốt đêm 9/9, thành phố nhỏ bé này, được gọi là Kobane của Thổ Nhĩ Kỳ, đã vang rền những tiếng nổ lớn. Từ hơn một tuần nay, Cizre dường như chìm trong khói lửa. Trong những giờ qua, xe tăng nã đạn pháo và thành phố, gây nhiều nạn nhân. Dường như có 8 thường dân thiệt mạng, chủ yếu do bị thương nặng nhưng không được đưa đi cứu chữa vì xe cứu thương không thề vào trong thành phố được.

Từ hôm 9/9, các lãnh đạo chủ chốt của đảng HDP(đảng Nền dân chủ của nhân dân), được coi là gần gũi với lực lượng Kurdistan PKK, trong đó có Chủ tịch đảng Selahattin Demirtas, tìm cách vào thành phố này. Nhưng sáng 10/9, khi cách thành phố vài cây số, họ đã bị chặn lại.

Với những gì đang diễn ra, các chuyên gia dự báo Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước cái bóng của một cuộc nội chiến.

Thù vặt

Theo hãng tin Sputnik, trong cuộc gặp với người đồng cấp Slovakia Robert Fico ngày 10/9, Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk thông báo Kiev đã đóng cửa hành lang hàng không đối với các máy bay Nga chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến Syria.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Yatsenyuk nêu rõ: "Sáng 10/9), tôi đã chỉ thị cho Cơ quan Kiểm soát không lưu Ukraina (UkSATSE) tăng cường kiểm soát với Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu về sự di chuyển của bất kỳ máy bay Nga nào đến Syria".

Trước đó, Mỹ và một số quốc gia châu Âu bày tỏ quan ngại về hàng hóa trên các chuyến bay tiếp tế của Nga tới Syria.

Trong những ngày gần đây, Washington đã gây sức ép buộc Hy Lạp và Bulgaria từ chối cho phép Nga sử dụng không phận để tiếp tế cho Syria.

Dấu hiệu tham nhũng trong dự án đập Tam Hiệp

Văn phòng kiểm toán quốc gia Trung Quốc hôm qua nói rằng có nhiều khoản tiền không minh bạch được chi trả khi nước này tiến hành xây dựng đập thủy điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới.

Món tiền này trị giá đến hơn 1 tỉ USD, liên quan đến các gói thầu, cũng như là các khoản chi đến hai lần cho các thiết bị xây dựng.

Đập Tam Hiệp vốn đã gây nhiều tranh cãi từ khi còn là dự án. Những người chỉ trích cho rằng đập này sẽ gây nhiều tổn thất về môi trường trên sông Dương Tử, một trong hai con sông lớn nhất Trung Quốc.

Vào năm 2011, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng nói rằng dù đập thủy điện này có đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng không ít nguy hại, trong đó có hai vấn đề chính là việc di dời đến hơn nửa triệu dân sống ở vùng lòng hồ chứa nước, và sau khi xây xong thì cư dân trong vùng lại phải đối diện với nguy cơ động đất do khối lượng nước khổng lồ gây ra.

Hình ảnh ấn tượng

the gioi 24h kinh te trung quoc dang dau don
Nghi can Meiraili được đưa tới hiện trường vụ đánh bom Bangkok tươi cười cùng cảnh sát

G.K

Năng lượng Mới (Theo AFP, BBC, Bangkok Post)