THẾ GIỚI 24H: Khoảnh khắc lịch sử trong quan hệ Mỹ-Cuba

06:00 | 21/07/2015

708 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ và Cuba phục hồi quan hệ ngoại giao toàn diện từ ngày 20/7 sau hơn 50 năm thù địch bằng việc mở lại các đại sứ quán tại thủ đô của mỗi nước.

Quốc kỳ Cuba được kéo lên ở phía trước trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington DC, ngày 20/7/2015

Sáng 20/7, một sự kiện lịch sử trong quan hệ Mỹ-Cuba đã đồng thời diễn ra tại Washington D.C. và La Habana. Đại sứ quán của hai nước đồng thời mở cửa trở lại, chính thức đánh dấu việc hai quốc gia cựu thù tái lập quan hệ ngoại giao.

Theo ghi nhận của AFP, vào khoảng 8 giờ, giờ quốc tế, lần đầu tiên từ hàng chục năm nay, quốc kỳ Cuba đã được treo lên phía trước trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại thủ đô Washington, bên cạnh cờ của các nước khác. Quốc kỳ Cuba cũng được thượng lên tại trụ sở phái bộ ngoại giao Cuba, đã được nâng lên hàng Đại sứ quán, lần đầu tiên từ năm 1961 đến nay.

Trên nguyên tắc, bang giao Mỹ-Cuba đã được chính thức tái lập kể từ 0 giờ ngày 20/7, với biểu tượng rõ nét là đại sứ quán hai nước đồng thời mở cửa ở hai thủ đô. Tuy nhiên, nếu tại Washington, sự kiện này được đánh dấu một cách khá rầm rộ, thì tại La Habana, không khí có phần kín đáo hơn.

Hôm qua, các giới chức Cuba, trong đó có Ngoại trưởng Bruno Rodríguez Parrilla, đã tham dự lễ khai trương đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Tây Bán Cầu, Roberta Jacobson, người đóng vai trò chính trong các cuộc thương thuyết giữa hai nước, cũng hiện diện tại sự kiện này. Ngoại trưởng John Kerry chào đón người đồng nhiệm phía Cuba, Rodríguez Parrilla. Sau đó, hai vị tổ chức họp báo chung.

Lễ khai trương tòa đại sứ Mỹ tại Cuba sẽ được trì hoãn cho tới khi Ngoại trưởng Kerry công du tới Havana để giương cờ Mỹ, nhưng từ giờ đến đó, sứ quán sẽ vận hành đầy đủ mọi chức năng. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sứ quán sẽ vận hành dưới sự lãnh đạo của đại biện lâm thời Jeffrey Delaurentis.

Lịch sử bang giao Cuba-Mỹ như vậy đã bước sang trang mới, nhưng giới quan sát vẫn dè dặt, cho rằng từ tái lập bang giao đến bình thường hóa quan hệ, con đường còn rất dài và lắm chông gai.

Mỹ xuất tướng xuống Biển Đông

Tại cuộc họp báo tại Seoul sáng ngày 20/7, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift xác nhận ông đã thị sát tình hình tại Biển Đông. Đây là một chuyến tuần tra bình thường để bảo đảm quyền tự do lưu thông trên biển tại khu vực.

Lãnh đạo Hạm đội Thái Bình Dương cho biết ngày 18/7/2015 ông đã có mặt trên chiếc máy bay tuần tra P-8 Poseidon trong 7 giờ liên tiếp. Không đi sâu vào chi tiết nhưng Đô đốc Swift giải thích đã đích thân thị sát tình hình ở khu vực, để chứng minh là Mỹ bảo đảm các quyền tự do lưu thông trong vùng Biển Đông phải được tôn trọng.

Không trực tiếp nhắm vào Trung Quốc, tướng Scott Swift ghi nhận: “Có những yếu tố gây bất ổn trong khu vực và điều đó dẫn tới tình huống bất trắc”.

Hãng tin Reuters hôm qua tường thuật rằng Trung Quốc đã phản ứng gay gắt, nói rằng những hoạt động như thế này phương hại tới lòng tin lẫn nhau giữa hai nước.

Hồi tháng 5/2015, Bắc Kinh mô tả một chuyến bay của máy bay trinh sát P8 trên đó có một phóng viên của đài CNN là “vô trách nhiệm và nguy hiểm”. Đô Đốc Swift nói chuyến bay của ông, cũng như chuyến bay có ký giả của đài CNN, là một chuyến bay thường lệ, nhưng ông không cho biết liệu phía Trung Quốc có phản ứng gì hay không.

Trung Quốc liên tục xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông với mục đích quân sự, gây lo ngại cho nhiều nước lân cận. Washington kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hành vi nói trên và giải quyết tranh chấp chủ quyền theo công ước quốc tế.

Liên Hợp Quốc thông qua thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 20/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua thỏa thuận có nội dung hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lại việc dỡ bỏ trừng phạt Tehran, song Hội đồng Bảo an sẽ vẫn có thể áp đặt lại các lệnh trừng phạt của LHQ trong vòng 1 thập niên tới nếu Iran vi phạm thỏa thuận lịch sử này.

Cụ thể, Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã nhất trí thông qua nghị quyết được đàm phán như một phần của thỏa thuận trên, vốn đạt được tại Vienna hồi tuần trước giữa Tehran và các cường quốc thế giới.

Gerard van Bohemen, Đại sứ New Zealand - nước giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, thông báo: "Dự thảo nghị quyết đã được nhất trí thông qua". Nghị quyết này sẽ mở đường cho việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế đang hủy hoại nền kinh tế Iran. Theo nội dung nghị quyết, với điều kiện Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, 7 nghị quyết LHQ về trừng phạt Iran được thông qua từ năm 2006 sẽ dần dần bị hủy bỏ.

Việc thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an đã kích hoạt một loạt các biện pháp phối hợp phức tạp được Iran chấp thuận trong gần 2 năm đàm phán với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và EU.

Cũng liên quan tới vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran, ngày hôm qua Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã bắt đầu chuyến công du ba nước Israel, Saudi Arabia và Jordan, nhằm giải tỏa những quan ngại của các đồng minh về thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và các cường quốc hồi tuần trước.

Tổng thống Ukraina ra điều kiện cho miền Đông

Giải giáp lực lượng đòi độc lập, khôi phục quyền kiểm soát của Kiev tại toàn bộ biên giới Ukraina-Nga, tổ chức bầu cử trung thực, tự do và dân chủ là những điều kiện tiên quyết để luật về quyền tự quản cho một số vùng thuộc hai tỉnh Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraina có hiệu lực.

Đó là tuyên bố của Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đăng tải trên trang web chính thức của người đứng đầu đất nước ngày 19/7.

Trong tuyên bố, Tổng thống Poroshenko cũng thừa nhận dù dự luật về quyền tự quản cho miền Đông đã được quốc hội thông qua hai lần, song việc đưa dự luật thành một nội dung của hiến pháp vẫn là vấn đề tranh cãi gay gắt giữa các nhà lập pháp.

Ông Poroshenko cũng khẳng định trong dự luật cũng như trong hiến pháp sẽ không bao giờ có quy định về "quy chế đặc biệt" cho các vùng trên.

Sau nhiều hối thúc từ phía lãnh đạo Đức và Pháp, ngày 16/7, Tổng thống Poroshenko đã trình và được quốc hội thông qua cùng ngày sửa đổi hiến pháp, theo đó, nội dung về quyền tự quản cho một số vùng ở Donetsk và Lugansk được quy định trong một dự luật riêng.

Hiện dự thảo sửa đổi hiến pháp đó đã được Quốc hội Ukraina chuyển cho Tòa án Hiến pháp xem xét.

Hình ảnh ấn tượng

Một kẻ quá khích đã ném một đống tiền giả vào mặt chủ tịch FIFA Sepp Blatter khi ông bước vào cuộc họp báo tại trụ sở FIFA ở Zurich, Thụy Sĩ hôm 20/7

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc