THẾ GIỚI 24H: Israel cấp bằng chứng bênh Nga trước Thổ Nhĩ Kỳ

07:00 | 30/11/2015

5,609 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm qua, Israel nói rằng nước này từng bị một máy bay quân sự Nga từ Syria xâm phạm không phận trước khi bay trở ra. Theo Bộ Quốc phòng Israel, đó chỉ là lỗi của phi công chứ không có gì đáng phải làm lớn chuyện như Thổ Nhĩ Kỳ.
the gioi 24h israel cap bang chung benh nga truoc tho nhi ky

Phát biểu trên đài phát thanh Israel sáng 29/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon tiết lộ là gần đây một chiếc máy bay của Nga đã từ Syria xâm nhập không phận Israel nhưng mọi việc đã được giải quyết tức khắc và máy bay Nga đã quay về Syria.

Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel thì sự kiện máy bay Nga xâm phạm không phạn Israel chỉ là “chuyện nhỏ thôi có lẽ do lỗi của phi công”.

Giải thích lý do tại sao Israel không làm to chuyện, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon cho biết là “Nga và Israel có một kênh thông tin và hợp tác để tránh mọi hiểu lầm giữa hai quân đội vì không quân Nga không có ý định tấn công Israel. Cho nên Israel không cần phải xử lý một cách tự động và bắn máy bay Nga chỉ vì sai lầm của phi công”.

Thủ tướng Israel và Tổng thống Nga , trong cuộc gặp gỡ hồi tháng 9/2015, đã đồng ý thiết lập một cơ chế để tránh đụng độ nhau vì chiến tranh tại Syria.

Thông tin của Israel được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva và Ankara sau vụ oanh tạc cơ Su-24 của Nga bị Thổ bắn rơi, như một cách Israel thể hiện thái độ đứng về phía Nga trong vụ việc trên.

Thổ Nhĩ Kỳ liên tục làm lành với Nga

Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đưa trả thi thể của phi công thiệt mạng khi nhảy dù ra khỏi chiếc chiến đấu cơ và bị các lực lượng người Kurd bắn chết hồi tuần trước.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng thi thể của phi công này được đưa về Thổ Nhĩ Kỳ chiều tối 27/11, và được làm những nghi thức theo truyền thống của Chính thống giáo.

Các lực lượng của Nga và Syria cứu được phi công thứ hai của chiếc máy bay bị bắn rơi, trong khi đó một binh sĩ Nga thiệt mạng trong nỗ lực giải cứu này.

Chiếc chiến đấu cơ rơi xuống khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở miền bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không đồng ý với nhau về đường bay của chiếc chiến đấu cơ. Ankara nói chiếc máy bay đã xâm phạm không phận của họ, còn Nga quả quyết chiếc máy bay chưa bao giờ vượt ra khỏi không phận Syria.

Hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh chế tài kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Lệnh này cấm một số sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ bán vào thị trường Nga, không cho phép gia hạn hợp đồng cho người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc ở Nga và gây ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ làm ăn ở Nga.

Sắc lệnh cũng ngưng các chuyến bay thuê bao từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu các công ty du lịch Nga ngưng bán các tour du lịch có chặng dừng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó trong ngày thứ Bảy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng bày tỏ hối tiếc về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga. Ông nói nước ông “thực sự đau buồn” vì sự kiện này và ước gì chuyện này đã không xảy ra.

Nói chuyện với những người ủng hộ tại tỉnh Balikesir, ông Erdogan bày tỏ hy vọng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vụ này này không leo thang thêm và dẫn đến những hậu quả tai hại. Và ông cũng hy vọng những chuyện như thế này sẽ không xảy ra nữa.

Ông Erdogan cũng lập lại đề nghị gặp mặt trực tiếp với ông Putin vào hôm nay bên lề hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại Paris. Ông Putin chưa đồng ý gặp mặt nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng trong ngày hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo dân chúng hoãn những chuyến đi không cấp bách tới Nga. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói lệnh cảnh báo du hành được đưa ra vì “những khó khăn” mà họ không nói rõ là gì, mà du khách và cư dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga đang gặp phải.

Trả lời chất vấn các phóng viên về lệnh trừng phạt của Nga, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi sự bình tĩnh. Ông tuyên bố: “Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Nga được dựa trên nền tảng hai bên cùng có lợi và những lợi ích chung. Tôi kêu gọi chính phủ Nga có những xem xét cẩn trọng và hành động theo hướng làm dịu tình hình”.

Mỹ chấm dứt chương trình theo dõi điện thoại quy mô lớn

Ngày 27/11, Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của nước này sẽ chấm dứt chương trình theo dõi hàng triệu cuộc điện thoại mỗi ngày của người dân Mỹ và thay thế hoạt động này bằng những biện pháp tập trung mạnh hơn vào do thám.

Nhà Trắng cho hay, theo Đạo Luật nước Mỹ Tự do được Quốc hội Mỹ thông qua 6 tháng trước, NSA sẽ chấm dứt chương trình do thám quy mô lớn nói trên vào 11h59 ngày 28/11 (theo giờ Mỹ) để thay thế bằng một hệ thống mới.

Chính phủ Mỹ sẽ không thể có được thông tin cuộc gọi trên diện rộng như trước mà thay vào đó chỉ nhận được thông tin theo từng trường hợp cụ thể khi có lệnh của tòa án.

Đây là một thắng lợi được chờ đợi từ lâu của những người ủng hộ bảo vệ bí mật đời tư và các công ty công nghệ lo ngại chương trình do thám của Chính phủ Mỹ.

Động thái này được đưa ra tiếp sau những  tranh cãi phát sinh bởi việc Edward Snowden, một cựu nhân viên hợp đồng của chính phủ, tiết lộ chương trình bí mật này.

50 năm thế giới tự lừa dối mình

Hôm nay sẽ diễn ra hội nghị quốc tế về khí hậu toàn cầu với mục tiêu đưa ra một thỏa thuận dài hạn để giới hạn lượng khí thải carbon, ngăn chặn tốc độ Trái đất bị hâm nóng.

Hôm qua báo Le Monde có bài “Khí hậu: 50 năm bị phủ nhận”. Theo tờ báo, năm 1988, khi nước Mỹ phải đối mặt với đợt nắng hạn chưa từng có. Đại diện của NASA chuyên về khí hậu thừa nhận: khả năng 99% Trái đất đang bắt đầu bị hâm nóng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phát ra từ các hoạt động của con người. 1988 cũng là năm đầu tiên khối G7, các cường quốc công nghiệp đứng đầu thế giới, yêu cầu Liên Hiệp Quốc lập ra GIEC, Nhóm liên chính phủ về biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề Trái đất bị nóng lên do các hoạt động của con người được cảnh báo. Thực tế này đã được nhiều nhà khoa học báo động với giới chính trị ngay từ những năm 1950-1960, với nhiều bằng chứng. Người được coi là đã thông báo hiểm họa này đầu tiên trước Quốc hội Mỹ là nhà đại dương học Roger Revelle, vào năm 1956. Theo nhà xã hội học Stefan Aykut, đồng tác giả cuốn sách quan trọng “Liệu có thể quản trị được khí hậu?”, một loạt cảnh báo trong những năm 1960-1970, với các bằng chứng khoa học được tập hợp ngày càng nhiều hơn.

Việc thành lập nhóm GIEC năm 1988 cho thấy các cường quốc muốn quốc tế hóa vấn đề này, tuy nhiên, cùng lúc đó là nỗ lực kiểm duyệt các kết luận khoa học ngay trong chính GIEC. Bản báo cáo đầu tiên của GIEC ra đời hai năm sau đó khẳng định một quan điểm nước đôi : “Việc Trái đất bị hâm nóng là điều có thể dự kiến được, nhưng chưa được xác định một cách chắc chắn”.

Bài “Khí hậu: 50 năm bị phủ nhận” cho thấy nỗ lực đạt dến nhận thức chung về hiện tượng Trái đất bị hâm nóng đã liên tục bị ngăn chặn như thế nào. Phải đến năm 1995, cộng đồng quốc tế mới tổ chức được một thượng đỉnh đầu tiên (COP). Và phải đến ba năm sau nữa, thế giới mới đạt được một hiệp ước đầu tiên về khí hậu mang tính cưỡng chế tại Kyoto, năm 1997. Hiệp ước Kyoto được đánh giá là đầu voi, đuôi chuột, bởi chưa bao giờ thể thức cưỡng chế này được cụ thể hóa. Mỹ - nước phát thải lớn nhất lúc đó – đã không phê chuẩn Kyoto, và một loạt các quốc gia công nghiệp khác cũng từ bỏ.

Trong thời gian đó, lượng khí thải do các nước đang trỗi dậy phát ra tăng lên với tốc độ chóng mặt: năm 2012 tăng gấp ba so với năm 1990, vượt xa khối các nước công nghiệp phát triển (20 tỷ tấn CO2 - trong đó riêng Trung Quốc chiếm khoảng gần ½ - so với 13 tỷ của khối các nước công nghiệp).

Bài “Khí hậu: 50 năm bị phủ nhận” cũng điểm lại những nỗ lực kể từ thất bại của Thượng đỉnh COP 15 tại Đan Mạch, để cộng đồng quốc tế một lần nữa tụ hội trước một cơ hội lịch sử tại Paris, 60 năm sau lời báo động khẩn thiết của Roger Revelle trước Quốc hội Mỹ.

Hình ảnh ấn tượng

the gioi 24h israel cap bang chung benh nga truoc tho nhi ky
Ảnh phi công Nga Oleg Peshkov (trái) và thủy thủ Alexander Pozynich tại Moscow, ngày 26/11/2015. Hai người đã bị thiệt mạng trong vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga ngày 24/11 tại Syria

G.K

Theo AFP. AP, Reuters, RIA Novosti

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc