THẾ GIỚI 24H: Hy Lạp được giải cứu!

06:00 | 14/07/2015

1,716 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã được giải quyết sau 17 giờ đàm phán liên tục xuyên đêm của các nhà lãnh đạo khu vực sử dụng đồng euro ngày 13/7.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras (trái), Thủ tướng Italia Renzi (giữa) và Thủ tướng Đức Merkel ngày 13/7

Mặc dù sẽ vẫn còn phải được Quốc hội Hy Lạp và 19 nước thành viên thông qua, cũng như tiến hành thêm các cuộc đàm phán, nhưng thỏa thuận đạt được hôm 13/7 phần nào giải tỏa được bế tắc lâu nay cũng như giúp loại bỏ kịch bản Hy Lạp rời khỏi Eurozone.

Các nước EU đồng ý tiếp tục giúp Hy Lạp thêm khoảng từ 80 đến 83 tỷ euro nữa tránh để Athens mất khả năng thanh toán và phải bước ra khỏi khối euro. Nhưng để đổi lấy gói hỗ trợ thứ ba đó, các chủ nợ gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc Tế đòi Athens cấp bách cải tổ theo một lịch trình rất xít xao.

Trước hết là hạn chót ngày 15/7, tức là chỉ còn hai ngày nữa, Athens phải thông qua luật điều chỉnh mức thuế VAT, giảm lương hưu của một số thành phần, phải nhìn nhận tính độc lập của Viện thống kê quốc gia. Chính vì không độc lập với nhà nước mà viện này đã công bố những thống kê sai lệch, dẫn tới thảm họa của Hy Lạp ngày hôm nay.

Kế tới vào ngày 20/7/2015, Hy Lạp sẽ phải tiếp tục giảm nhân sự và chi phí điều hành trong các ngành dịch vụ công cộng. Thế rồi đến ngày 22/7/2015 sẽ phải điều chỉnh luật để cải tổ lại hệ thống ngân hàng, hệ thống tư pháp …

Tuy nhiên trước mắt, Athens chưa thông báo về thời điểm cụ thể để tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng về hệ thống lương hưu trên toàn quốc. Cũng chưa có lịch trình cụ thể về các vế liên quan đến chương trình tư hữu hóa công ty điện lực quốc gia hay việc cho phép các cửa hàng buôn bán hoạt động ngày chủ nhật … Nói tóm lại Athens sẽ có rất nhiều việc phải giải quyết trong một thời gian rất ngắn để làm vừa lòng các chủ nợ.

Cuối tháng 6/2013, Athens không thể thanh toán 1,6 tỷ euro cho IMF đúng thời hạn. Đến ngày 20/7/2015 Hy Lạp lại phải trả thêm hơn 7 tỷ euro cho Ngân hàng ECB. Từ hơn 10 ngày qua do thiếu tiền mặt, các ngân hàng Hy Lạp phải đóng cửa, người dân bị hạn chế rút tiền mặt. Hệ thống ngân hàng của quốc gia này còn cầm cự được nhờ ECB vẫn bơm tiền qua trung gian chương trình khẩp cấp ELA.

Sau khi đã đạt được thỏa thuận với Bruxelles và IMF, chiều qua, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trở về Athens và ông sẽ phải thuyết phục Quốc hội chấp thuận toa thuốc mà các nhà tài trợ vừa mới kê cho Athens với hy vọng được nhận thêm gói hỗ trợ thứ ba. Theo các nhà quan sát, Hy Lạp đã bị đẩy vào chân tường không có chọn lựa nào khác.

Đàm phán hạt nhân Iran: Coi chừng công cốc!

Các nhà đàm phán từ Iran và nhóm P5+1, hôm 13/7 nỗ lực khép lại 18 tháng đàm phán và hoàn tất một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran mà các bên tìm kiếm bấy lâu nay. Tuy nhiên, hành pháp Mỹ đã được đối lập Cộng hòa báo trước: trận chiến tại Quốc hội lưỡng viện sẽ rất gay go. Lập pháp Mỹ sẽ không chấp nhận một thỏa thuận cho phép Iran khả năng chế tạo bom hạt nhân.

Khởi động từ tháng 9/2013, tiến trình đàm phán hạt nhân Iran bước vào vòng quyết định ngày 27/6/2015, với mục tiêu được ấn định lúc ban đầu là đạt được thỏa thuận chính trị vào ngày 30/6. Kỳ hạn này đã bị thay đổi đến ba lần và thời điểm cuối là trước 12 giờ đêm 13/7 (giờ Áo, nơi diễn ra hội nghị).

Theo Ngoại trưởng Mỹ, cuộc đàm phán đã đi tới phần “quyết định chính trị” nhưng còn nhiều điểm “chưa thông”. Trong thỏa thuận khung hồi tháng 4, Iran đã đồng ý giảm số máy ly tâm tinh lọc uranium và kho dự trữ uranium có độ phóng xạ cao, hầu như chính quyền Tehran bị trói tay không thể chế tạo bom hạt nhân.

Tuy nhiên, không ai rõ Mỹ và phương Tây phương sẽ chấp nhận nhượng bộ lại Iran những gì và đến mức độ nào trong thỏa hiệp chính trị? Cho đến bây giờ, hai bên vẫn bất đồng trên thời gian hiệu lực của thỏa thuận và nhịp độ thi hành. Iran đòi phải hủy bỏ cấm vận vũ khí ngay tức khắc, cự tuyệt không cho thanh tra quốc tế xem xét các trung tâm hạt nhân quân sự.

Việc đạt được thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 cũng chưa hẳn là xong vì còn một chốt chận ở Washington. Đối với các nhà đối lập Mỹ thì chắc chắn là chính quyền Obama đã nhượng bộ hầu hết những đòi hỏi của Iran.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner khẳng định là “thà không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi”. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell cảnh báo là phe Cộng hòa sẽ “khó tán đồng” một thỏa thuận cho phép Iran tiếp tục chương trình hạt nhân quân sự . Theo nhà dân cử này, nếu Tổng thống Mỹ sử dụng quyền phủ quyết ở Hạ viện thì khi lên đến Thượng viện, hành pháp cũng không hội đủ 34 thượng nghị sĩ để thông qua thỏa hiệp với Iran.

Theo AFP, lưỡng viện quốc hội Mỹ có 60 ngày để xem xét thỏa thuận tính từ ngày hành pháp đệ trình và có khả năng ngăn chặn.

Vì sao Indonesia muốn vào OPEC?

Tự nguyện ra khỏi tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cách nay 6 năm, Indonesia tìm cách trở lại làm thành viên của tổ chức này. Đích thân Bộ trưởng Năng lượng Surdirman đến trụ sở OPEC vận động. Sáng kiến này bị nghi ngờ che giấu ẩn ý của Jakarta, vừa được mua dầu hỏa với giá rẻ, bù đấp khả năng sản xuất giảm sút trong khi nhu cầu nội địa lại gia tăng.

Là cường quốc kinh tế số một tại Đông Nam Á, quốc gia xuất khẩu dầu hỏa thành viên của OPEC trong gần nửa thế kỷ, Indonesia đã rời tổ chức này vào năm 2009 vì biến thành nước nhập khẩu.

Trước năm 2009, mỗi ngày Indonesia sản xuất 1,6 tỷ thùng dầu đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu một khối lượng đáng kể. Nhưng do tệ nạn tham nhũng kinh niên, tình thế đã đổi khác.Trong năm qua, Indonesia phải nhập khẩu đến 689.000 thùng dầu mỗi ngày để thỏa mãn mức tiêu dùng trong nước.

Khi lên cầm quyền vào tháng 10/2014, Tổng thống Joko Widodo thành lập một ủy ban bài trừ xã hội đen trong lĩnh vực dầu khí. Để giảm nhẹ gánh nặng năng lượng, mua dầu với giá rẻ, Tổng thống Indonesia tìm cách nối lại quan hệ với OPEC, một sáng kiến bị xem là “không bình thường” đối với một nước nhập khẩu dầu.

Theo giới phân tích, OPEC, gồm những thành viên Arập và Trung Đông sẽ có thiện cảm với một ứng viên đến từ châu Á với tư cách thành viên liên kết. Tuy nhiên, sáng kiến của Indonesia chỉ đem lại lợi ích nhất thời, nhằm giải quyết nhu cầu năng lượng trước mắt.

Một cựu lãnh đạo ủy ban cải cách ngành dầu khí đặt câu hỏi: làm quan sát viên OPEC để được lợi gì nếu Indonesia tìm cách tránh né nhu cầu khẩn cấp là “cải tiến ngành dầu khí”. Do nạn tham nhũng và chính sách bảo vệ thị trường năng lượng, ngành dầu khí của Indonesia bị hai tệ nạn: xã hội đen khuynh đảo và suy sụp nghiêm trọng do thiếu đầu tư nước ngoài.

Hình ảnh ấn tượng

Các linh mục dùng máy ảnh, máy tính bảng, điện thoại ghi lại hình ảnh Đức giáo hoàng Francis khi ông chủ trì thánh lễ tại một công viên ở thành phố Guayaquil của Ecuador.

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc