THẾ GIỚI 24H: Hy Lạp-châu Âu khẩu chiến trước giờ G

06:00 | 05/07/2015

818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các cuộc khẩu chiến giữa chính phủ Athens và EU diễn ra ác liệt trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về việc Hy Lạp có nên chấp thuận các điều kiện của EU hay không. Nga điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia sau khi Mỹ công bố chiến lược quân sự mới. Đó là những tin tức quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp tố cáo các chủ nợ là “khủng bố”

Gần 10 triệu cử tri Hy Lạp được kêu gọi đi bỏ phiếu tại 19.000 điểm bỏ phiếu rải rác trên khắp cả nước. Các địa điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa lúc 7h sáng ngày 5/7, và tới 21h, tức là 1h sáng 6/7 theo giờ Hà Nội, sẽ có kết quả trưng cầu dân ý.

Một ngày trước cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định đối với cả Hy Lạp lẫn khối euro, Bộ trưởng Tài chính Varoufakis lên án “hành vi khủng bố” của các chủ nợ, reo rắc kinh hoàng trong công luận Hy Lạp. Trả lời báo El Mundo của Tây Ban Nha số ra ngày 4/7, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, Yanis Varoufakis, nhận định bỏ rơi Hy Lạp sẽ gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ euro cho EU. Khoản thiệt hại đó tương đương với tổng sản phẩm nội địa của Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 5 trong khối euro.

Do vậy theo ông Varoufakis, Bruxelles sẽ không thể quay lưng lại với Hy Lạp. Nhưng dù sao đi chăng nữa “thái độ của các chủ nợ quốc tế đối với Hy Lạp là một hành vi khủng bố”. Bởi vì tại sao Athens phải đóng cửa các ngân hàng? Hành động đó theo Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp nhằm “gây lo sợ cho công chúng, và khi mà gieo rắc kinh hoàng như vậy thì người ta gọi đó là khủng bố”.

Tuy nhiên, ông Yanis Varoufakis trấn an dư luận khi cho biết dù kết quả trưng cầu dân ý ngày mai có ra sao, các ngân hàng Hy Lạp cũng sẽ mở cửa lại vào ngày 7/7/2015. Và ông tin rằng trong mọi trường hợp Athens sẽ tìm ra thỏa thuận với các tài trợ. Vẫn theo ông Varoufakis, Bruxelles muốn cử tri Hy Lạp chấp nhận những đòi hỏi cải tổ của các chủ nợ chẳng qua là để để có thể “tiếp tục làm nhục” người dân xứ này.

Về phần mình, Thủ tướng Alexis Tsipras liên tục vận động kêu gọi cử tri bác bỏ kế hoạch cải tổ mà các nhà tài trợ quốc tế áp đặt với Athens.

Tại Berlin, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble khẳng định Hy Lạp chưa bao giờ thực sự quyết tâm cải tổ, và theo ông cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 xoay quanh câu hỏi là người dân Hy Lạp muốn ở lại hay ra khỏi khu vực đồng euro. Nhưng trong mọi trường hợp ông Wolfgang Schäuble, khẳng định nước Đức sẽ không bỏ rơi người dân Hy Lạp.

Tất cả những tuyên bố trên cho thấy căng thẳng giữa Athens với các chủ nợ, và nhất là đối với 18 nước còn lại trong khu vực đồng euro vẫn không giảm cường độ trước ngày Hy Lạp tổ chức trưng cầu dân ý. Dù vậy không một bên nào dám nhận lấy trách nhiệm cắt đứt đối thoại với đối phương.

Các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu cho tới tối 4/6 đều cho là đa số cử tri Hy Lạp sẽ thuận theo đề xuất của các định chế chủ nợ; nếu đúng như vậy sẽ rất bất lợi cho chính phủ hiện tại.

Trung Quốc lo ngại về tương lai Hy Lạp?

Kết quả “có” của người dân Hy Lạp sẽ xua tan mối lo của Trung Quốc? Đang công du châu Âu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố không chỉ có châu Âu mà cả Trung Quốc cũng đang theo dõi sát tình tình Hy Lạp, nhưng không cho biết có ý định giúp đỡ Athens để trụ lại trong khu vực Eurozone hay không. Đối với Trung Quốc, Hy Lạp là một đối tác chiến lược để mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu Âu.

Hy Lạp là một lá chủ bài để Bắc Kinh thực hiện giấc mơ đã ấp ủ từ lâu: đó là tái lập con đường tơ lụa nối liền Trung Quốc với châu Âu. Đây sẽ là trực giao thương để đưa hàng của Trung Quốc sang Hy Lạp, chính xác hơn là từ bến cảng Thượng Hải đến Athens.

Trung Quốc đã đầu từ hơn 4 tỷ euro để khai thác hai khu vực tại hải cảng Pirée (Piraeus). Khi lên cầm quyền chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố đình chỉ chương trình tư hữu hóa cảng Pirée. Báo chí Bắc Kinh mạnh mẽ chống đối quyết định nối trên và thậm chí coi đó là một sự bội ước của Hy Lạp.

Về phần mình Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh: “Hy Lạp là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào châu Âu, là một đối tác chiến lược, do vậy Bắc Kinh mong muốn đóng một vai trò tích cực, tránh để Hy Lạp phải từ bỏ khu vực đồng euro”.

Nhật báo China Daily chạy tựa lớn: “Trung Quốc chống đối kịch bản Grexit do việc Hy Lạp phải từ bỏ đồng euro đe dọa trực tiếp đến các quyền lợi kinh tế của Trung Quốc. Năm 2014 tổng trao đổi mâu dịch hai chiều đạt 4,5 tỷ euro, tăng 24% so với một năm trước đó”.

Nga điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia để đáp trả Mỹ

Một ngày sau khi Mỹ công bố Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015, trong đó đặc biệt nhấn mạnh Nga là mối đe dọa, ngày 3/7, phát biểu tại cuộc họp Hội đồng An ninh Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị tiến hành phân tích những mối nguy cơ đang tồn tại và điều chỉnh chiến lược an ninh liên bang Nga.

Theo hãng tin Nga TASS, ông Putin yêu cầu trong thời gian ngắn phải phân tích đánh giá mọi khía cạnh của những nguy cơ và thách thức tiềm tàng đối với nước Nga cả về chính trị, kinh tế, thông tin lẫn các lĩnh vực khác, trên cơ sở đó điều chỉnh chiến lược an ninh của Nga.

Tổng thống Putin nêu rõ Nga cần áp dụng các biện pháp mang tính hệ thống để phản ứng với tình hình thế giới đã thay đổi trên tất cả các phương diện. Trong trường hợp cần thiết, cần sửa đổi quan điểm chính sách đối ngoại cũng như nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại tổng thể của Nga trong không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh đường hướng chiến lược của Nga vẫn không thay đổi, đó là sẽ và tiếp tục xây dựng quan hệ với các đối tác trên nguyên tắc tôn trọng và tính tới lợi ích của nhau, đồng thời không gây tổn hại cho chủ quyền và an ninh quốc gia.

Nga chủ trương phát triển liên kết kinh tế trong không gian SNG và mở rộng quan hệ hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Nam Phi).

Cũng tại cuộc họp, Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định Nga sẽ tiếp tục thực thi chính sách đối nội và đối ngoại độc lập, bất chấp sức ép từ các nước khác.

Ông cũng cho rằng những mưu toan hòng chia rẽ xã hội hay lợi dụng tình hình khó khăn để làm suy yếu nước Nga đã thất bại, người dân Nga, các lực lượng chính trị chủ chốt cũng như giới doanh nghiệp đều hiểu chuyện gì đang diễn ra và cần phải làm gì.

Theo ông, các biện pháp mà chính quyền Nga áp dụng đã cho phép bình ổn tình hình kinh tế và tài chính cũng như thị trường việc làm, hoạt động của tất cả các ngành kinh tế chiến lược chủ chốt đều ổn định. Đặc biệt, các doanh nghiệp và nhà sản xuất của Nga đã chứng tỏ được họ có thể phát triển trong những điều kiện khắc nghiệt.

Tổng thống Putin cũng đã chỉ thị soạn thảo chiến lược an ninh kinh tế Nga tới năm 2030. Hội đồng An ninh Nga đã thảo luận các biện pháp nhằm đáp trả các nước hoặc nhóm nước đang duy trì các lệnh trừng phạt chống Nga. Liên quan vấn đề này, Hội đồng An ninh Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây chống Nga là có mục đích chính trị, theo đó việc làm suy yếu tiềm năng kinh tế của Nga là để tác động tới các chính sách của Nga và để thay đổi ban lãnh đạo ở Nga.

Hình ảnh ấn tượng

Một người đàn ông khóc lóc bên ngoài một chi nhánh của ngân hàng quốc gia trong khi người nhận tiền hưu trí xếp hàng để nhận được tiền của họ, với giới hạn là 120 euro, ở thành phố Thessaloniki, Hy Lạp

G.K

Năng lượng Mới