THẾ GIỚI 24H: “Danh sách tướng Nga" tham chiến ở Ukraina?

06:00 | 04/07/2015

2,081 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ukraina đã chuyển cho Mỹ một bản báo cáo dài 30 trang, trong đó liệt kê danh tính 5 tướng Nga tham gia chỉ huy lực lượng ly khai ở Donbass, miền Đông Ukraina. Hy Lạp chính thức vỡ nợ. Người dân Áo muốn ra khỏi EU. 1.300 người chết vì nắng nóng ở Pakistan. Đó là những tin tức quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.  

Quân ly khai ở miền đông Ukraina

Hãng tin Bloomberg của Mỹ đưa tin, ngày 3/7, Cơ quan an ninh Ukraina (SBU) đã chuyển cho Mỹ một bản báo cáo dài 30 trang, trong đó liệt kê danh tính 5 tướng Nga tham gia chỉ huy lực lượng ly khai ở Donbass, miền Đông Ukraina.

Báo cáo trên cho hay tham gia chỉ huy lực lượng ly khai tại Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ​có các thiếu tướng Oleg Tsekov, Sergey Kuzovlev và Roman Shadrin trong khi ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng là các thiếu tướng Valery Solodchuk và Alexei Zavizion.

Ngoài ra, báo cáo còn nêu tên Đại tá Anatoly Barankevich, người được cho là đóng vai trò cố vấn về khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng ly khai LPR.

Báo cáo cũng cho rằng có gần 9.000 người thuộc 15 nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn của Nga tham chiến ở Đông Nam Ukraina.

Các nguồn tin ở Washington khẳng định đã nhận được bản báo cáo trên của Ukraina.

Hiện phía Nga chưa bình luận gì về thông tin này. Tuy nhiên, báo cáo này chỉ có một chiều và phía Nga đã nhiều lần bác bỏ "cáo buộc vô căn cứ" rằng quân nhân nước này đang tham chiến ở miền Đông Ukraina.

Hy Lạp chính thức vỡ nợ

Ngày 3/7, tức 3 ngày sau thời hạn chót Hy Lạp phải thanh toán nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Quỹ bình ổn tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (EFSF) đã chính thức tuyên bố Athens mất khả năng thanh toán.

EFSF đưa ra tuyên bố trên trước thềm cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp (ngày 5/7) về chính sách kinh tế khắc khổ nhưng chưa yêu cầu Athens phải thanh toán ngay các khoản nợ.

Hiện Hy Lạp đang đối mặt với hai luồng công luận trái chiều về chính sách kinh tế khắc khổ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo Hy Lạp sẽ bị yếu thế rất nhiều trong đàm phán với chủ nợ, nếu như người dân nước này nói "không" với chính sách khắc khổ. Ngay kể cả khi câu trả lời là "có", các cuộc đàm phán cũng vẫn rất khó khăn.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn cam kết sẽ tôn trọng quyết định của người dân và tiến hành bước đi cần thiết theo Hiến pháp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Gianis Varoufakis cảnh báo chính phủ sẽ từ chức nếu người dân nói "có" với kế hoạch khắc khổ.

Giám đốc EFSF Klaus Regling cho biết việc đưa ra tuyên bố trên đang gây ra những quan ngại sâu sắc và dẫn tới hệ quả gay go cho nền kinh tế, cũng như chính phủ và người dân Hy Lạp.

Người dân Áo muốn ra khỏi EU

Trong khi người dân và lãnh đạo Hy Lạp mong muốn ở lại châu Âu thì một thành viên khác của liên minh này là đang muốn dứt ra. Tờ The Local ngày 3/7 đưa tin hơn 200.000 người Áo đã ký vào thỉnh nguyện thư, đòi hỏi chính quyền tiến hành trưng cầu về việc đưa Áo ra khỏi Liên minh châu Âu.

Theo The Local, 261.159 cư dân địa phương ủng hộ kiến nghị yêu cầu tổ chức trưng cầu về việc đưa quốc gia này ra khỏi EU, số người như vậy là nhiều gấp đôi so với ngưỡng cần thiết để vấn đề được đưa ra xem xét tại Quốc hội Áo (100.000 chữ ký từ 24/6 đến 1/7).

Tác giả của sáng kiến này là nhà lãnh đạo phong trào chính trị "Quê hương và môi trường", bà Inge Rauscher. Theo quan điểm của nhà hoạt động xã hội 66 tuổi, việc thu thập chữ ký vào thỉnh nguyện thư đã là một thành công lớn của phong trào cộng đồng ở nước Áo. Bà Inge Rauscher cho rằng, triển vọng Áo ra khỏi EU sẽ có ích cho đất nước dưới góc độ kinh tế và sinh thái môi trường.

"EU không phải là nền dân chủ. Đó là sự thoái hóa vũ lực trong sự phát triển của nền dân chủ. Và nhiều người cảm nhận được thực trạng như vậy: ở nước chúng tôi cảnh thất nghiệp tràn lan, gia tăng nợ công. Ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong mọi lĩnh vực. Chúng tôi nhận những chỉ thị vô nghĩa từ Brussels, tốn phí nhiều tiền và người ta đòi chúng tôi thực hiện vô số thủ tục quan liêu vô nghĩa lý. Vì vậy, gia nhập EU chẳng có gì tốt đẹp hơn xưa…Ở đó là sự thống trị hoàn toàn của những tập đoàn quốc tế khổng lồ mà EU làm tất cả những gì có thể để phục vụ họ. Thế nhưng đối với các doanh nghiệp cũng như cơ sở kinh tế vừa và nhỏ, thì chính sách như vậy là sự hủy diệt”- bà Rauscher khẳng định.

Theo ý kiến của bà, vấn đề của nước Áo không phải là trường hợp đặc biệt, vì nhiều quốc gia trong EU cũng chia sẻ tâm trạng muốn ra khỏi Liên minh.

Số người chết kỷ lục vì nắng nóng ở Pakistan

Pakistan đã phải trải qua những ngày nắng nóng lịch sử trong vòng 15 năm qua, với mức nhiệt cao nhất là 45 độ C. Theo thống kê, số người thiệt mạng trong trận nắng nóng lịch sử tại Pakistan đã lên tới 1.300 người. Trong 2 tuần qua, 65.000 người phải vào viện vì bị sốc nhiệt.

Nguyên nhân số người thiệt mạng tăng cao là do trong tháng lễ Hồi giáo Ramadan, người dân không được ăn, uống trước khi mặt trời lặn, tức là trong gần 15 tiếng đồng hồ, người dân không được uống nước. Mất điện, mất nước, không khí quá nóng dẫn tới thiếu oxy.

Bên cạnh đó, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn tại Pakistan không dự báo được sự nghiêm trọng của trận nắng nóng, người dân không được báo trước dẫn đến tình trạng số người thiệt mạng do nắng nóng tại đây tăng cao.

18,7 tỉ USD

Đó là số tiền mà Tập đoàn dầu khí BP đã đồng ý nộp để đền bù những thiệt hại từ vụ tràn dầu nghiêm trọng nhất ở Mỹ vào năm 2010 ở Vịnh Mexico.

Các đối tượng nhận số tiền bồi thường trên gồm Chính phủ Mỹ và 5 bang bị ảnh hưởng do những hậu quả từ sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico cách đây hơn 5 năm.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch, nếu được tòa chuẩn thuận, đây sẽ là khoản dàn xếp lớn nhất của một công ty đơn lẻ trong lịch sử Mỹ. Khoản chi trả này sẽ giúp khắc phục hậu quả thiệt hại mà sự cố gây ra cho kinh tế vùng Vịnh Mexico, đồng thời mang lại lợi ích cho những thế hệ tương lai ở khu vực này.

Với BP, thỏa thuận này sẽ giải quyết được những trách nhiệm tài chính lớn nhất còn lại để cho phép BP tập trung vào việc sản xuất năng lượng phục vụ thế giới.

Vụ nổ giàn khoan dầu của hãng BP vào năm 2010 đã khiến 11 công nhân thiệt mạng và hơn 125 triệu gallon dầu tràn vào vùng vịnh Mexico, gây ra một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ.

Hình ảnh ấn tượng

Một cậu bé nhặt ve chai trên một con sông ô nhiễm ở thành phố Navotas, phía bắc Manila, Philippines

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc