THẾ GIỚI 24H: Dân Philippines đòi chính quyền bàn về Biển Đông với Trung Quốc

07:00 | 13/11/2015

1,349 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi chính phủ Philippines thông báo sẽ đón tiếp “tử tế” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tham dự APEC tại Manila và dự kiến sẽ không bàn vấn đề Biển Động tại hội nghị này, người dân Philippines đã biểu tình phản đối, yêu cầu phải đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ vào nghị trình hội nghị.
tin nhap 20151113000957
Biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông tại Manila ngày 12/11, trước khi diễn ra hội nghị APEC.

Ngày 12/11, tổ chức MARCHA, tên tắt tiếng Anh của Phong trào và Liên minh Đối kháng Trung Quốc Xâm lược, đã nhận định rằng các hành động gần đây của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông đe dọa sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lãnh đạo MARCHA, cựu nghị sĩ Roilo Golez, nói: “Không thể có một thế giới tốt hơn nếu không chặn đứng các hành vi gây hấn của Trung Quốc nhắm vào các láng giềng”.

MARCHA cũng kêu gọi các nguyên thủ quốc gia lên án đường chín đoạn của Trung Quốc, được Bắc Kinh dùng làm cơ sở đòi chủ quyền trên Biển Đông, kêu gọi chính quyềnTrung Quốc đình chỉ dự án cải tạo đất trên các bãi ngầm và các rạn san hô trong vùng đang tranh chấp.

Tổ chức này đồng thời kêu gọi các lãnh đạo APEC duy trì luật pháp quốc tế bằng cách thúc giục Trung Quốc tham gia vào tiến trình trọng tài quốc tế do Philippines khởi xướng trước một tòa án của LHQ.

Trung Quốc rất kỵ bị vạch mặt chỉ tên tại các diễn đàn quốc tế cho nên luôn luôn gây sức ép sao cho tại các hội nghị mà nước này tham dự, vấn đề Biển Đông không được đề cập đến. Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tuần tới, có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự, Bắc Kinh đã thành công trong việc yêu cầu Manila không đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự chính thức, viện lẽ APEC là một diễn đàn thuần kinh tế.

Ngày 10/11, Tổng thống Benigno Aquino và Ngoại trưởng Albert Del Rosario đã cam kết dẹp qua một bên “vấn đề gây tranh cãi” về Biển Đông tại hội nghị APEC.

Tuy nhiên, một số nước, trong đó có Mỹ, đã chính thức cho biết là họ sẽ đề cập đến Biển Đông bên lề Hội nghị APEC chính thức và trong các cuộc tiếp xúc song phương. Cụ thể là Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bàn về vấn đề này trong cuộc hội đàm được dự trù với Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

Ngày hôm qua, một nhóm người dân Philippines đã kéo đến trước địa điểm sẽ tổ chức Hội nghị APEC để biểu tình và yêu cầu chính phủ phải bàn luận vấn đề Biển Đông với Trung Quốc tại hội nghị này.

Hiện chính quyền Manila chưa có phản ứng gì trước các phản ứng của người dân Philippines.

EU-Israel căng thẳng vì khu định cư Do Thái ở Palestine

Hôm qua, Israel đã triệu phái viên của Liên minh châu Âu (EU) tới để phản đối các quy định vừa được EU thông qua liên quan tới việc dán nhãn những sản phẩm xuất xứ từ các khu định cư của Israel.

Trước đó cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố những quy định về việc dán nhãn hàng hóa Israel có nguồn gốc xuất xứ từ Bờ Tây, Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan.

EU cũng đã ban hành quy định không cho hàng hóa từ các khu định cư của Israel hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu như các sản phẩm sản xuất trong phạm vi biên giới hợp pháp của Israel.

EU nhấn mạnh quyết định gắn mác sản phẩm sản xuất tại các khu định cư của Israel là vì lý do pháp lý liên quan đến nguồn gốc sản phẩm theo chính sách tiêu dùng của EU, không xuất phát từ động cơ chính trị.

Giới chức Israel lên án quyết định của EU là “phân biệt đối xử”, “bài Do Thái” và "mang động cơ chính trị".

Thủ tướng Israel nói: “Trong khi trên thế giới có hàng trăm cuộc tranh chấp lãnh thổ xảy ra khắp nơi trên thế giới, eu đã quyết định chỉ đánh vào một mình Israel, vào lúc quốc gia này đang phải gồng mình chống lại làn sóng khủng bố”.

Bộ trưởng Tư pháp Israel, bà Ayelet Shaked cho biết là Israel cũng sẽ xem xét và đưa ra các biện pháp thích hợp. Bà cũng mập mờ tố cáo EU là mang tư tưởng bài Do Thái. Bà nói: “Quyết định ghi rõ nơi sản xuất là một quyết định chống lại Israel và chống người Do Thái. Thái độ đạo đức giả từ Châu Âu và sự thù hằn chống lại Israel đã vượt quá mọi giới hạn”.

Thủ tướng Netanyahu đã so sánh quyết định trên giống như là những chính sách của chế độ Đức quốc xã chống lại các loại sản phẩm của người Do Thái.

Về phía Palestine, Tổ chức Giải phóng Palestine đã đánh giá việc dán nhãn là một biện pháp tích cực, nhưng vẫn “chưa đủ”, bởi vì “các sản phẩm xuất xứ từ một tội ác chiến tranh phải bị cấm, chứ không chỉ là dán nhãn thôi”.

Tổng thống Putin ra lệnh điều tra vụ doping

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã yêu cầu điều tra cáo buộc các vận động viên Nga nằm trong một chương trình sử dụng doping có hệ thống.

Ngày 9/11, Cơ quan Chống Doping thế giới (Wada) công bố bản phúc trình độc lập gây rúng động giới thể thao. Wada tố cáo là hệ thống kiểm tra chống sử dụng chất kích thích ở Nga tham nhũng từ cấp cơ sở cho đến thượng tầng, rằng Nhà nước Nga sử dụng doping có tổ chức, còn phòng xét nghiệm chống doping thì nhận tiền để làm giả mạo các kết quả xét nghiệm những vận động viên Nga.

Ông Putin nói: “Cuộc chiến phải được công khai” và “Một cuộc tranh tài thể thao chỉ thực sự hấp dẫn khi thi đấu trung thực”.

Phát biểu của ông Putin được đưa ra vì sợ rằng sự cố này ảnh hưởng đến nước Nga, và cho rằng ai đó phải chịu trách nhiệm tìm ra vấn đề này. “Tôi yêu cầu Bộ trưởng Thể thao và tất cả đồng nghiệp có liên quan ít hay nhiều tới thể thao hãy chú ‎ đến sự cố này ở mức độ cao nhất có thể. Chúng ta cần phải tiến hành điều tra nội bộ và tôi muốn nhấn mạnh, hãy cung cấp sự hợp tác chuyên môn cởi mở với các cơ quan và tổ chức chống doping quốc tế”.

Đêm 10/11, giám đốc phòng xét nghiệm chống doping của Nga đã từ chức.

Ông Dick Pound, tác giả của bản phúc trình của Wada, đề nghị cấm các vận động viên Nga tham gia Thế vận hội Rio de Janeiro năm 2016.

Nhưng hôm 11/11, chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach cho biết tổ chức của ông “không có quyền” hành động như vậy, và vấn đề này Wada phải giải quyết riêng.

Ông Bach cho biết IOC vẫn muốn tiếp tục áp dụng chính sách không khoan nhượng với doping, và các huy chương Olympic có thể bị thu hồi đối với bất cứ vận động viên Nga nào có tên trong bản báo cáo của Wada mà bị phát hiện có sử dụng chất kích thích.

Mỹ thay đổi thái độ với Trung Quốc về châu Phi

Hôm qua, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương, bà Susan Thornton, nói Mỹ - Trung hợp tác chứ không tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi. Phát biểu này đánh dấu một sự thay đổi trong cách nói của Mỹ, là nước từng chỉ trích là Trung Quốc chỉ muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên của châu Phi.

Trong nhiều năm qua, Mỹ và Trung Quốc đã ra sức tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi. Và dựa trên các số liệu kinh tế, Trung Quốc đã giành được phần thắng, một phần là nhờ vào những dự án đầu tư trên khắp khu vực và kim ngạch thương mại lên tới 220 tỉ USD hồi năm ngoái, cao hơn ba lần lượng mậu dịch giữa Mỹ với châu Phi.

Tuy nhiên, trong lúc hai đại cường thế giới này tiếp tục tăng cường các hoạt động đầu tư và những nỗ lực ngoại giao, bà Susan Thornton, nói rằng đôi bên muốn sống chung hoà bình ở châu Phi.

Bà Thornton nói Mỹ cũng hoan nghênh những sự đóng góp của Trung Quốc trong lĩnh vực nhân đạo, như những nỗ lực nhằm góp phần chận đứng đà lây lan của dịch Ebola ở Tây Phi, và những dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc thực hiện mà bà nói là góp phần xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh.

Những phát biểu của bà Thornton không giống như những tuyên bố của Tổng thống Barack Obama, là người rõ ràng là muốn chỉ trích Trung Quốc khi ông nói với các nhà lãnh đạo châu Phi trong một chuyến công du hồi tháng 7/2015 rằng “quan hệ kinh tế không thể chỉ đơn giản là xây dựng cơ sở hạ tàng của các nước bằng lao động nước ngoài hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của châu Phi”.

Quan điểm cạnh tranh của ông Obama có lẽ cũng ảnh hưởng tới cái nhìn của các nước châu Phi đối với hai đối tác thương mại lớn nhất của châu lục. Nam Phi, một cách đặc biệt, dường như muốn phá vỡ sự cân bằng đó qua việc bày tỏ xu hướng ngả về phương đông. Xu hướng này có thể thấy được qua việc Nam Phi gia nhập khối kinh tế BRICS, gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Các nhà quan sát cho rằng những hình ảnh tươi sáng về sự hợp tác Mỹ-Trung ở châu Phi rõ ràng là không phù hợp với những lời lẽ mà các vị tổng thống đã đưa ra.

Hình ảnh ấn tượng

tin nhap 20151113000957
Những học sinh của một trường học ông già Noel hát bài hát mừng Giáng sinh trong buổi lễ tốt nghiệp của họ ở Rio de Janeiro, Brazil

G.K

Theo AFP. AP, Reuters, RIA Novosti

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc