THẾ GIỚI 24H: Cuộc đối đầu Mỹ-Trung trong Thế chiến thứ 3

06:00 | 02/08/2015

3,078 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Hạm đội ma, câu chuyện của Thế chiến lần tới” là tựa của cuốn sách vừa xuất bản tại Mỹ. Sau 4 năm điều tra hành lang ở Lầu Năm Góc, hai tác giả Peter Warren Singer và August Cole, đã vạch ra một cuộc chiến trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc với những diễn tiến khá sát thực tế.
THẾ GIỚI 24H: Cuộc đối đầu Mỹ-Trung trong Thế chiến thứ 3
Bìa cuốn sách “Hạm đội ma, câu chuyện của Thế chiến lần tới”

Theo Peter Warren Singer và August Cole, kịch bản của Thế chiến thứ 3 diễn ra như sau: một phi hành gia Mỹ bị trục xuất khỏi trạm không gian quốc tế bởi những người mà anh ngỡ là các đồng nghiệp – người Nga và Trung Quốc. Một “nhóm lãnh đạo” đế quốc lật đổ chính quyền Bắc Kinh, tuyên bố tổng tấn công tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Hawai bị hải quân Trung Quốc tiến công bất ngờ và chinh phục. Động cơ của các chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ bị virus máy tính vô hiệu hóa từ xa. Các phi cơ tiêm kích Mỹ và Nga chiến đấu trên bầu trời vùng Viễn Đông nước Nga. Phi hành gia Trung Quốc và Mỹ tấn công nhau trong không gian bằng những khẩu súng laser y như trong bộ phim gián điệp Moonraker.

Phim giả tưởng Hollywood chăng? Đối với hai tác giả Peter Warren Singer và August Cole, tất cả đều rất hiện thực và có thể xảy ra trong tương lai gần. Hai người từng là cố vấn của Lầu Năm Góc và cựu phóng viên chuyên trách của Wall Street Journal.

Sau 4 năm tích cực điều tra trong các hành lang Lầu Năm Góc, trên các chiến hạm và căn cứ Không quân, hai tác giả trẻ đã đưa ra những dự báo chiến lược, hết sức sát với thực tế. Singer cho biết bản thảo được chuyền tay ở Lầu Năm Góc. Đô đốc James Stavridis, nguyên Tổng tham mưu trưởng các lực lượng Mỹ tại Đông Âu hoan nghênh tính thực tiễn và chính xác về kỹ thuật của tác phẩm.

Singer và August không bịa ra điều gì cả. Tất cả các phát minh khoa học đều có thực, từ tàu ngầm Trung Quốc sục sạo dưới đáy biển tìm kiếm khí thiên nhiên, các máy bay không người lái – cánh tay nối dài của các phi công Mỹ và Nga, hỏa tiễn sát thương phóng từ vệ tinh, cho đến những sự cố máy tính có thể vô hiệu hóa toàn bộ Hạm đội Thái Bình Dương, hay các cuộc chiến tranh tin học ác liệt giữa các hacker Trung Quốc và các chuyên gia tin học ở thung lũng Silicon, California.

Thời sự gần đây cho thấy hai tác giả có vẻ đúng đắn. Bắc Kinh dấn mạnh nước cờ trên vùng biển nóng, bồi đắp và xây dựng trên các hòn đảo nhỏ xa xôi.

Trong cuốn sách của mình, hai tác giả đẩy cuộc đối đầu hai phe Hồi giáo Sunni và Shia xuống hàng thứ yếu, cho rằng khó thể trở nên toàn cầu hóa như sự đối đầu Mỹ-Trung. Họ nhận định, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tuy tàn bạo nhưng không thể phá hoại trên toàn thế giới như trong một cuộc chiến tranh nóng giữa các siêu cường.

Ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến giả định này? Theo các tác giả, trong các tác phẩm của Tom Clancy, nước Mỹ của siêu gián điệp Jack Ryan luôn là người chiến thắng ở hồi cuối, nhưng trên thế giới thực tại, thì không luôn như vậy.

Vì sao IMF vẫn cho Ukraina vay tiền dù biết có thể mất trắng?

Hôm qua, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quyết định rót cho Ukraina khoản tiền vay mới với khối lượng lớn, cho dù đất nước này đang phải oằn mình với gánh nợ cũ cùng cuộc xung đột miền Đông tiếp tục leo thang.

Hội đồng quản trị của IMF, đại diện cho 188 quốc gia thành viên của Quỹ tiền tệ Quốc tế, đã đồng ý dải ngân ngay lập tức 1,7 tỷ USD cho Ukraina trong khuôn khổ một kế hoạch cứu trợ ký tại Kiev hồi tháng 3 năm nay.

IMF cam kết cho Kiev vay tổng số 17,5 tỷ USD trong vòng 4 năm. Đổi lại Kiev phải thực hiện các biện pháp khăt khe nhằm vực dậy hệ thống tài chính của đất nước đang gần như suy sụp bởi khủng hoảng và nội chiến kéo dài ở miền Đông.

Theo IMF, khoản vay mới lần này, sau lần giải ngân 5 tỷ USD đầu tiến hồi tháng 3, nhằm giúp Ukraina vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiệm vụ không đơn giản chút nào. Kiev cần phải tiến hành các cải cách lớn về cơ cấu để sửa chữa một nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng như hiện nay.

Do cuộc chiến ly khai, Ukraina bị mất toàn bộ vùng đất được cho là lá phổi của công nghiệp. Kinh tế đất nước bị sa sút, đình trệ. Theo chính phủ Ukraina, thu nhập quốc gia GDP năm nay sẽ sụt giảm 9,5%, trong khi nợ công chiếm gần 135% GDP.

Trong hoàn cảnh như vậy, quyết định cho Ukraina vay tiền không khỏi gây lo ngại trong lãnh đạo IMF. Nhưng trước sự thúc ép của Mỹ, một cổ đông lớn của Quỹ, IMF đã buộc Ukraina cam kết đàm phán với các chủ nợ khác để rút bớt 15 tỷ USD nợ. Cho đến giờ, các cuộc thương lượng này vẫn chưa có kết quả.

Hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã lên tiếng khen ngợi quyết định của IMF rót tiền cho Ukraina, đồng thời Washington cũng hối thúc các chủ nợ nhanh chóng đi đến thỏa hiệp giảm nợ cho Ukraina. Các chủ nợ riêng lẻ đã chấp nhận giảm 10% nợ cho Ukraina, nhưng Kiev vẫn muốn giảm 40%, vì thế mà các cuộc thương lượng vẫn đang diễn ra rất khó khăn.

THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc phải minh bạch các cuộc tập trận ở Biển Đông THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc phải minh bạch các cuộc tập trận ở Biển Đông

Trung Quốc – ASEAN lập đường dây nóng về Biển Đông

Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á đồng ý thiết lập đường dây nóng cấp bộ trưởng để giải quyết những vấn đề khẩn cấp trên Biển Đông.

Một viên chức cao cấp trong ASEAN ở Kuala Lumpur, Malaysia, cho hãng tin Reuters biết thông tin về đường dây nóng này sẽ được thông báo trong một thông cáo chung khi hội nghị cấp ngoại trưởng ASEAN kết thúc thứ Ba tuần tới.

Được biết hôm nay các vị ngoại trưởng ASEAN sẽ có cuộc họp làm việc và chuẩn bị cho vòng hội nghị chính thức vào 4/8 tới. Ngoài các vị ngoại trưởng 10 nước ASEAN thì còn có sự tham dự của ngoại trưởng Trung Quốc và ngại trưởng Mỹ, bên cạnh ngoại trưởng hai quốc gia châu Á không nằm trong khối ASEAN là Ấn Độ và Nhật Bản.

Một nhà ngoại giao Philippines giấu tên nói với Reuters rằng đường dây nóng giải quyết khẩn cấp trên biển Đông là một bước tiến khả quan thế nhưng Bản Tuyên Bố Qui Tắc Ứng Xử DOC trên biển Đông mới là điều quan trọng nhất cần phải thực hiện.

Lại có chuyện chẳng hay giữa Nhật và Mỹ

Trang Wikileaks hôm qua công bố một danh sách gồm 35 công ty, các cơ quan cấp bộ của chính phủ và các cá nhân mà Wikileaks xác nhận là mục tiêu của các hoạt động do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ-NSA.

Wikileaks nói thời gian diễn ra các hoạt động theo dõi bắt đầu từ năm 2006, vào nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe.

Một thông cáo báo chí của Wikileaks nói rằng những bản tin bị chặn lại có liên quan tới những đề tài như các quan hệ Mỹ-Nhật, các cuộc đàm phán thương mại và chiến lược chống biến đổi khí hậu.

Những tiết lộ trên được Wikileaks tung ra vào thời điểm Thủ tướng Abe đang thuyết phục Thượng viện nhanh chóng thông qua dự luật quốc phòng, cho phép lực lượng an ninh can thiệp khi một đồng minh bị nạn. Đồng minh cốt lõi của Nhật Bản là Mỹ.

Một hồ sơ gai góc khác là Tokyo đang đàm phán về hiệp định TPP với Mỹ. Đây là một hồ sơ nhạy cảm đang bị công luận phản đối mạnh mẽ. Cho đến ngày 31/7/2015, Chính quyền Tokyo vẫn chưa có phản ứng gì về những tiết lộ của Wikileaks.

Hình ảnh ấn tượng

THẾ GIỚI 24H: Cuộc đối đầu Mỹ-Trung trong Thế chiến thứ 3
Thành phố cảng Bandar Mahshahr ở tây nam Iran ngày 31/7 đã trải qua cái nóng kinh người với nhiệt độ được nói là lên đến 73 độ C, trở thành một trong những nơi nóng nhất thế giới cho đến nay.

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc