THẾ GIỚI 24H: Chứng khoán, dầu mỏ mất giá vì Hy Lạp

06:00 | 07/07/2015

645 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lá phiếu “không” của cử tri Hy Lạp trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7 đã khiến đồng euro và dầu mỏ mất giá, trong khi thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh. Nhật Bản phản đối Trung Quốc thăm dò khí đốt ở Biển Hoa Đông. Gruzia lại chuyển hướng sang Nga sau khi bị phương Tây "hứa lèo". Đó là những tin tức quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Bảng hiển thị chỉ số chứng khoán bên ngoài một ngân hàng ở Hồng Kông ngày 29/6/2015

Chỉ vài giờ sau khi dân chúng Hy Lạp quyết liệt bỏ phiếu chống lại một chương trình cứu nguy quốc tế, thị trường chứng khoán châu Á đã có phản ứng tiêu cực theo đúng như tiên đoán.

Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tại Tokyo sụt gần 600 điểm vào lúc thị trường đóng cửa hôm qua. Tỷ lệ sụt giảm gần 2,9%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc sụt hơn 1,4% trong ngày.

Cũng có những sụt giảm đáng kể trong các thị trường chứng khoán từ Australia cho đến Ấn Độ. Chỉ số BSE Sensex ở Mumbai vào đầu ngày giao dịch tụt xuống hơn 500 điểm trước khi phục hồi đôi chút với mức hạ 0,6% vào lúc đóng cửa.

Sự lo lắng dễ nhận thấy hơn trong các thị trường chứng khoán của Trung Quốc. Chỉ số tổng hợp Thượng Hải được theo dõi sát dao động với tỷ lệ 10% số điểm, là mức dao động trong 1 ngày lớn nhất kể từ năm 1992.

Chỉ số chứng khoán Thẩm Quyến sụt gần 5,8%, trong khi chỉ số Hàng Sinh của Hồng Kông sụt 2,78%.

Theo đánh giá, ngày hôm qua, chỉ số chứng khoán tổng hợp cơ bản của châu Á chứng kiến sự sụt giá lớn nhất từ 5 tháng nay.

Trong khi đó, đồng euro cũng giảm mạnh ở châu Á hôm 6/7, có lúc mất giá đến 1.5%, sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người Hy Lạp từ chối biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy tiền cứu trợ của EU.

Dầu thô cũng giảm giá, dầu Brent xuống còn 59.65 USD/thùng. Giới quan sát cho rằng thị trường thế giới vẫn đang ổn định, nhấn mạnh rằng không có dấu hiệu của sự căng thẳng tài chính và họ kỳ vọng Ngân hàng chung châu Âu ECB đang sẵn sàng đáp ứng với tình thế bằng những biện pháp cụ thể.

Trung Quốc nắn gân Nhật Bản

Ngày 6/7, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo đã bày tỏ sự phản đối việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở thăm dò khí đốt mới ở Biển Hoa Đông từ hồi tháng 6/2013.

Ông Suga nói: "Chúng tôi đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc đơn phương thăm dò khí đốt và hối thúc Trung Quốc ngừng hoạt động này". Phát biểu của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản ám chỉ việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở thăm dò khí đốt gần giới tuyến trên biển mà Nhật Bản đề xuất nằm giữa Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mỗi nước.

Cho đến nay, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn bất đồng về phân định hải giới ở Biển Hoa Đông, nơi EEZ rộng 200 hải lý của hai bên chồng lấn nhau.

Tokyo đã đề xuất xác lập một giới tuyến trung lập ở vùng chồng lấn này, song Bắc Kinh bác bỏ đề xuất trên và một mực tuyên bố nước này sở hữu EEZ rộng hơn.

Gruzia lại chuyển hướng sang Nga

Báo Washington Post nhận định rằng trước sự tiến triển chậm chạp trong quá trình hội nhập với châu Âu, Gruzia đang chuyển hướng quay sang Nga bất chấp những mâu thuẫn trong quá khứ.

Báo trên có đoạn: "Rất ít người nghĩ rằng, ở đất nước thân phương Tây và từng trải qua xung đột quân sự chớp nhoáng với Nga hồi năm 2008 sẽ có thể tìm lại được điểm tựa từ phía Điện Kremlin. Tuy nhiên, trong khi phương Tây hành động nuốt lời với việc tiếp nhận Gruzia vào Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thiện cảm dành cho Nga ở quốc gia này đang tăng lên”.

Báo này cho biết thực tế thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã mở văn phòng đại diện tại nước Cộng hòa Gruzia, phổ biến tư liệu, bình luận bằng tiếng Gruzia. Ngoài ra, Moskva đang "tăng vốn đầu tư vào ngành điện và các ngành quan trọng khác của nền kinh tế Gruzia. Các chính trị gia thuộc Liên Xô cũ đã cảnh báo rằng Nga có thể nắm lợi thế nếu loại trừ Gruzia khỏi câu lạc bộ phương Tây”.

Rượu Champagne là “di sản văn hóa thế giới”

Các vùng sản xuất rượu Champagne và Bourgogne vừa được UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hóa thế giới. Cả hai vùng này được UNESCO xếp vào hạng mục "cảnh quan văn hóa", tức là những nét đặc thù của ngành sản xuất rượu vang của Pháp.

Rượu vang nói chung, rượu Champagne cũng như rượu Bourgogne nói riêng, không chỉ là những thức uống, những sản phẩm tiêu dùng đơn thuần, mà còn là những sản phẩm văn hóa tiêu biểu. Từ năm 2014, Quốc hội Pháp đã từng công nhận các sản phẩm của vùng Champagne, thuộc vào hàng di sản quốc gia. Xét về mặt thương mại thì dĩ nhiên là rượu champagne có thể được đem ra bày bán trên thị trường như bao sản phẩm khác, nhưng đằng sau hình tượng của Champagne và Bourgogne, còn có cả một truyền thống văn hóa lâu đời, một quá trình tìm tòi gần giống như là hình thức nghệ thuật.

Điều mà UNESCO công nhận là nét văn hóa đặc thù, các địa danh tiêu biểu, nhiều hơn là thương hiệu hay sản phẩm.

Nước Pháp hàng năm sản xuất 400 triệu chai rượu champagne, trong đó cứ trên 4 chai là có đến 3 chai dành để xuất khẩu sang nước ngoài. Nổi tiếng là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, giới sản xuất champagne do uy tín của sản phẩm, thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn ở một mức cao, trong khi champagne vẫn tiếp tục được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.

Địa điểm nào được vinh dự này tương lai sẽ nhận được sự bảo vệ đặc biệt. Tuy nhiên, thành cổ Palmyra ở Syria, một địa điểm từng được chọn là di sản văn hóa thế giới, vừa bị tổ chức IS chiếm hồi tháng 5/2015, làm dấy lên nhiều chỉ trích, cho rằng những nơi được công nhận có tầm văn hóa quan trọng đã không được giúp đỡ để bảo vệ.

Hình ảnh ấn tượng

Ngày 7/7/2015 là thời hạn chót để giải quyết những bất đồng trong đàm phán hạt nhân Iran, một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ quốc tế hiện nay. Trong ảnh: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chống nạng tới tham dự hội nghị ngoại trưởng nhóm P5+1 về vấn đề hạt nhân Iran tại thủ đô Vienna của Áo.

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc