THẾ GIỚI 24H: Cách “trị” các hành vi quá đáng của Trung Quốc

07:01 | 24/08/2015

4,696 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm 21/8, Mỹ công bố Chiến lược An ninh Hàng hải châu Á-Thái Bình Dương, với trọng tâm là đối phó với các hành vi quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
the-gioi-24h-cach-tri-cac-hanh-vi-qua-dang-cua-trung-quoc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bắc Kinh tháng 11/2014

Phát biểu trong phiên họp tại Lầu Năm Góc, phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, David Shear nói: “Trung Quốc từng khẳng định rằng họ đã ngưng bồi đắp các đảo ở Biển Đông nhưng chúng tôi không thấy họ đã làm đúng như lời tuyên bố”.

Dù cũng đề cập đến biển Hoa Đông, nhưng rõ ràng là chiến lược biển mới của Mỹ đặt trọng tâm vào việc đối phó với các hành vi quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo The Peninsula trích dẫn báo cáo nói rằng, Bắc Kinh đang trong tiến trình hoàn tất một sân bay trên một trong 7 đảo nhân tạo.

Một khi đường băng trên đảo Chữ Thập đi vào hoạt động, Trung Quốc sẽ sử dụng nó như một đường băng thay thế của máy bay dùng trên hàng không mẫu hạm, cho phép quân đội Trung Quốc kéo dài những cuộc hành quân với sự hiện diện của các hàng không mẫu hạm trong khu vực.

Hỏi về khả năng Trung Quốc có thể tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, thì ông Shear đáp rằng, Mỹ hẳn sẽ bác bỏ điều đó cũng như đã từng làm như vậy đối với Biển Hoa Đông.

Ông Shear xác định ba trục chính trong chiến lược mới, gồm kiên trì dấn thân và tiếp tục sử dụng ngoại giao và các định chế đa phương để bảo vệ quyền tự do lưu thông và tiếp cận các vùng biển châu Á; tập trung bảo vệ quyền tự do sử dụng các vùng biển, ngăn chặn xung đột và các hành vi cưỡng bức; phát huy việc tuân thủ pháp luật và chuẩn mực quốc tế.

Ông Shear thêm rằng, Washington sẽ duy trì một sự hiện diện quân sự cần thiết, đủ khả năng bảo vệ lợi ích của Mỹ cũng như của đồng minh và đối tác trong khu vực, chống lại các mối đe dọa tiềm tàng. Mỹ đang tăng cường lực lượng quân sự trong vùng để trở thành một lực lượng răn đe, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

Ông David Shear còn nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ không chỉ chuyển qua châu Á các phương tiện tối tân nhất, mà lại còn trải đều các phương tiện đó trên toàn khu vực.

Phần chính là hạm đội tàu chiến tuần duyên LCS, loại chiến hạm nhỏ nhưng linh hoạt, với hỏa lực hùng hậu, được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tại những vùng nước nông ven bờ, đặc thù của Biển Đông.

4 chiếc sẽ được triển khai ngay tại Singapore, phụ trách trực tiếp Biển Đông, 4 chiếc khác sẽ được dùng làm lực lượng dự bị, sẵn sàng tung ra khi cần thiết.

Một hàng không mẫu hạm mới, chiếc USS Ronald Reagan sẽ qua thay thế chiếc George Washington, và trong vòng 5 năm sắp tới, Hải Quân Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ có thêm chiếc tàu đổ bộ tấn công mới, USS America, trong lúc thêm hai tàu khu trục Aegis được gửi đến túc trực tại Nhật Bản.

Không quân cũng sẽ được tăng viện bằng loại chiến đấu cơ F-22 và F-35 tối tân hơn, không kể đến loại oanh tạc cơ chiến lược B-2 và B-52, và 47 máy bay tuần thám đời mới P8-A Poseidon, có gắn thủy lôi. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến túc trực trong vùng cũng sẽ được trang bị trực thăng V-22.

Ngoài ra cũng sẽ có thêm các loại tên lửa tối tân phóng đi từ chiến hạm hoặc máy bay, cùng với các tên lửa tầm xa có độ chính xác cao, trong đó có loại JASSM-ER và một loại tên lửa hành trình chống hạm tầm xa mới.

Hôm 20/8, như để nhắc nhở Trung Quốc, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter một lần nữa khẳng định rằng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự bên trong và chung quanh Biển Đông. Ông Carter nói: “Máy bay và chiến hạm Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như vẫn làm ở mọi nơi khác trên thế giới”.

Chất độc ở Trung Quốc lan sang các nước láng giềng?

Chất độc ở Trung Quốc lan sang các nước láng giềng?

Sau loạt vụ nổ kinh hoàng tại Thiên Tân, Trung Quốc ngày 12/8, các hóa chất độc hại tiếp tục lan tỏa vào khí quyển, nguồn nước và có nguy cơ phát tán sang các nước láng giềng.

THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc trắng trợn lật lọng tại Biển Đông

THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc trắng trợn lật lọng tại Biển Đông

Tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các nước đối tác ngày 5/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước này đã ngừng các hoạt động bồi đắp ở Biển Đông. Tuy nhiên, báo cáo của Lầu Năm Góc hôm 20/8 đã nhấn mạnh hoạt động bồi đắp của Trung Quốc tại Biển Đông đã tăng lên rất cao trong những tháng gần đây.

Thế giới trước ngưỡng cửa đại khủng hoảng

“Thế giới đang tiến gần đến một tai biến kinh tế lớn, nhưng không ai nói đến” là lời báo động của nhà nghiên cứu người Pháp, Jacques Attali.

Một cuộc suy thoái toàn cầu bắt nguồn từ tình hình kinh tế giảm tốc tại Trung Quốc.

Theo kinh tế gia Pháp, việc chứng khoán Trung Quốc mất 30% giá trị, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 200 triệu thành viên tầng lớp trung lưu, đã bỏ vào đó đến một nửa số tiền tiết kiệm của mình, sẽ để lại những hệ quả nguy hiểm. Bên cạnh đó, nếu tăng trưởng chững lại, làn sóng di dân ra thành phố cũng ngưng, nhu cầu nhà ở sẽ giảm sút, đe dọa lĩnh vực địa ốc: hệ quả là “một nửa số tiền tiết kiệm còn lại của tầng lớp trung lưu cũng bị mất nốt”.

Việc Bắc Kinh thay đổi tỷ giá hối đoái cũng không đủ vực dậy xu thế này, ngược lại, có thể đặt Trung Quốc trước tình trạng phụ thuộc vào giới đầu cơ quốc tế, và kích động một cuộc chạy đua thay đổi tỷ giá toàn cầu. Theo Jacques Attali, để hóa giải tình trạng này, trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 và G7 tháng 9 tới tại Istanbul, lãnh đạo các nước phương Tây phải thảo luận về một kế hoạch thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay là rất khó, vì các cường quốc kinh tế không còn có được, như năm 2008, các dự trữ tài chính dồi dào, và không giống như 2010, các ngân hàng trung ương không còn có khả năng hạ lãi suất.

Kinh tế gia Pháp chỉ trích giải pháp in thêm tiền để thúc đẩy tăng trưởng, như đã được làm tại Mỹ, Nhật Bản, Anh và khu vực đồng euro, một giải pháp mà ông cảnh báo sẽ chỉ làm kiệt quệ những người cao tuổi có tiền gửi tiết kiệm, mà không mang việc làm mới và viễn cảnh tăng trưởng cho lớp trẻ. Theo ông, để thoát khỏi kịch bản đen tối này, cần phải “thiết lập các cơ chế phối hợp, tái định hướng và kiểm soát tầm cỡ toàn cầu; xem xét vấn đề kinh tế theo lợi ích của các thế hệ tương lai; chống lại các độc quyền về kinh tế, tài chính, xã hội và chính trị; và khuyến khích cách tân trong mọi lĩnh vực”. Điều này cần đến “sự táo bạo, niềm tin tưởng và sự minh bạch, mà đây là những điều mà các chính trị gia, của bất kể nước nào, cũng hết sức căm ghét”, nhà kinh tế kết luận.

Anh mở sứ quán ở Iran: muộn còn hơn không

Anh hôm qua mở lại đại sứ quán ở thủ đô của Iran sau gần 4 năm đóng cửa tiếp theo sau vụ những người biểu tình tấn công Tòa đại sứ Anh ở Tehran.

Bộ trưởng Ngoại giao Philip Hammond của Anh đến Tehran làm lễ khánh thành đại sứ quán.

Ông Hammond gọi chuyến thăm Tehran của ông hôm qua là một "thời điểm lịch sử" trong quan hệ giữa hai nước, và đó là chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng ngoại giao Anh đến Iran kể từ năm 2003.

Trước lễ khánh thành, Bộ Ngoại giao Anh cho biết đại sứ quán Iran tại London cũng được mở lại cùng lúc, và bước đầu sẽ cử đại biện lâm thời ở mỗi nước, rồi sẽ tiến tới cử đại sứ trong những tháng tới.

Phát biểu về những cải thiện trong quan hệ với Iran, Ngoại trưởng Anh nói sự tan băng lần đầu tiên được ghi nhận cách đây hai năm với việc Iran bầu ông Hassan Rouhani có quan điểm ôn hòa làm tổng thống.

Bộ Ngoại giao Anh cho hay một phái đoàn nhỏ các đại diện thương mại Anh tháp tùng Ngoại trưởng Hammond để tìm kiếm cơ hội giao thương tiếp theo sau hiệp ước hạt nhân dấu mốc ký hồi tháng trước.

Mặc dù vội vã mở lại đại sứ quán tại Iran nhưng Anh vẫn chậm chân hơn so với các đối tác khác. Mỹ, Pháp, Italia, EU đều đã cử đại diện thăm Iran từ khi nước này đạt thỏa thuận với nhóm P5+1 về vấn đề hạt nhân.

Hình ảnh ấn tượng

the-gioi-24h-cach-tri-cac-hanh-vi-qua-dang-cua-trung-quoc-1
Cụ Yasutaro Koide, 112 tuổi, nhận giấy chứng nhận Kỷ lục Guinness Thế giới khi ông được chính thức công nhận là người đàn ông già nhất thế giới tại một nhà dưỡng lão ở thành phố Nagoya, miền trung Nhật Bản. Bí quyết sống lâu của ông là “không nên làm gì quá sức”.

G.K

Năng lượng Mới