Thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ nội địa

14:26 | 24/05/2012

1,090 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để cạnh tranh với các nhà phân phối nước ngoài, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần tiếp tục hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Thị trường nội địa nước ta với quy mô dân số gần 90 triệu người, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, doanh số bán lẻ tăng trung bình trên 10%/năm, dịch vụ phân phối đóng góp khoảng 15% GDP cả nước. Do đó, đây là một thị trường lớn mà các nhà phân phối nước ngoài rất quan tâm.

Thực hiện cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là WTO với việc công nhận quyền kinh doanh và mở cửa dịch vụ phân phối cho các nhà đầu tư nước ngoài đã tác động khá mạnh mẽ đến hoạt động thương mại của thị trường nội địa, làm thay đổi diện mạo bán lẻ của Việt Nam.

Co.op Mart là một trong những nhà bán lẻ Việt Nam hoạt động hiệu quả

Đến nay, Việt Nam có khoảng 117 trung tâm thương mại, 638 siêu thị và hàng trăm cửa hàng tiện lợi, trong đó khu vực FDI có 60 trung tâm thương mại. Doanh số bán lẻ qua các hệ thống này chiếm 25% tổng doanh số bán lẻ, riêng tại TP HCM là 35%.

Tuy nhiên, cùng với việc phát triển và hiện đại hệ thống bán lẻ, mở cửa dịch vụ phân phối cũng tạo ra thách thức cho các nhà phân phối nội địa, nhất là các hộ buôn bán nhỏ. Các doanh nghiệp trong nước phải chuyển hướng kinh doanh theo mô hình phân phối hiện đại. Để làm được việc này, doanh nghiệp phải tăng cường liên kết và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Các hộ kinh doanh nhỏ cần được hỗ trợ thay đổi phương thức và mô hình kinh doanh

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia: Trong thời gian tới, cần tiếp tục tạo lập các kênh lưu thông ổn định, các chuỗi cung ứng, gắn kết chặt chẽ và phân phối lợi ích hợp lý giữa sản xuất, chế biến và phân phối trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đảm bảo phát triển thương mại bền vững, giảm chi phí lưu thông, tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, cần phát triển đa dạng hệ thống phân phối, kết hợp các phương thức kinh doanh hiện đại với các phương thức truyền thống được tổ chức văn minh, coi trọng việc mở rộng thị trường nông thôn. Ngoài việc tạo lập thị trường cạnh tranh, Nhà nước cũng cần có biện pháp bảo vệ các nhà phân phối trong nước, nhất là các hộ kinh doanh nhỏ, hỗ trợ họ đổi mới phương thức và mô hình kinh doanh; khuyến khích các nhà phân phối nước ngoài thiết lập mối liên kết với các nhà sản xuất trong nước, hướng các nhà phân phối nước ngoài ưu tiên tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Mai Phương