Ngày làm việc thứ 12 Kỳ họp thứ 3, QH Khóa XIV:

Thảo luận về dự thảo Luật Cảnh vệ

21:46 | 06/06/2017

438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiếp tục Phiên họp chiều 6/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh vệ.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày cho biết, ngay sau khi các ĐBQH cho ý kiến về dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 2, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

thao luan ve du thao luat canh ve
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại hội trường

Theo đó, về lực lượng cảnh vệ (Điều 16), một số ĐBQH đề nghị bổ sung tổ chức cảnh vệ ở công an cấp tỉnh, cấp quân khu để phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ. Cũng có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về tổ chức, biên chế, chức danh, trang bị của lực lượng Cảnh vệ. UBTVQH nhận thấy, việc tổ chức lực lượng cảnh vệ trong Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và trong Cục Bảo vệ An ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Do đó, nếu tổ chức lực lượng này ở các địa phương, đơn vị sẽ làm tăng biên chế, ngân sách. Trong khi đó, khi có đối tượng cảnh vệ hoạt động tại địa phương, công an, quân sự và các lực lượng khác có nhiệm vụ phối hợp, tham gia bảo vệ. Do đó, lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, gồm cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an; cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ An ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng.

Về quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ (Điều 21), một số ĐBQH đề nghị sửa lại tên điều chỉ quy định về nổ súng; một số ý kiến lại cho rằng, việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người nên phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ các trường hợp nổ súng, nhất là nổ súng vô hiệu hóa đối tượng…

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, UBTVQH đã sửa lại tên điều là: “Quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ”; đồng thời, việc nổ súng trước hết phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Việc quy định 3 trường hợp nổ súng của lực lượng Cảnh vệ là cần thiết, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cảnh vệ. Đối với việc sử dụng vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, do đã được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nên không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật này.

thao luan ve du thao luat canh ve
ĐBQH Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) phát biểu

Cơ bản nhất trí với nội dung tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH, song các ĐBQH Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), Bùi Quốc Phòng (Thái Bình)… đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn về hành vi tấn công trực tiếp đối với đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ (Khoản 3, Điều 21) để có sơ cở vô hiệu hóa đối tượng vi phạm. Quy định này cũng nhằm tránh sự lạm dụng trong việc nổ súng, hoặc người làm nhiệm vụ cảnh vệ khi xử lý tình huống có thể ảnh hưởng đến sự an toàn cho đối tượng cảnh vệ.

thao luan ve du thao luat canh ve
ĐBQH Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) phát biểu

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, cần bổ sung và làm rõ hơn nguyên tắc nổ súng. Theo dự thảo Luật, nổ súng khi thi hành nhiệm vụ trong trường hợp cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ (Khoản 1 Điều 21) là chưa đầy đủ. Bởi, hành vi của đối tượng mới chỉ đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, chứ chưa thực hiện bất cứ hành vi nào tấn công đối tượng cảnh vệ. Do đó, hành vi đột nhập không phải là đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng cán bộ, chiến sỹ, hoặc đối tượng cảnh vệ nên chỉ có thể sử dụng biện pháp cảnh vệ khác. Hay quy định nổ súng tại Khoản 2, Điều 21: Gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả cũng chưa phù hợp, bởi đối tượng chưa thực hiện hành vi tấn công. Trong khi đó, cán bộ, chiến sỹ khi bảo vệ mục tiêu cảnh vệ cần rất tập trung thực hiện nhiệm vụ, nếu nổ súng nhưng chỉ được phép gây thương tích trong khoảng thời gian quá ngắn là rất khó, nếu gây chết người thì lại vi phạm pháp luật. Do đó, Ban soạn thảo cần làm rõ nội dung này.

daibieunhandan.vn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc