Thảo dược - không phải là “thần dược”

07:06 | 28/05/2017

737 lượt xem
|
Được chẩn đoán là sỏi thận, ông L.V.Đ, 63 tuổi ở Lạng Sơn quyết định mua thuốc Nam từ một vị “lang vườn” ở gần nhà. Nhưng mới uống được 1 tháng, ông Đ bị nôn nhiều, đau bụng và bí tiểu. Đến ngày thứ tư, thấy ông Đ quá nặng, gia đình đưa vào viện tỉnh. Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm, ông Đ được xác định là suy thận cấp. Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân bị như vậy. Dù đã cảnh báo nhiều nhưng câu chuyện này dường như vẫn xảy ra như chưa hề có…  

Nguy kịch vì lang vườn

Ông Đ cho biết, 2 tháng trước đi khám được xác định là bị sỏi thận nhưng chưa đến mức phải can thiệp. Tuy nhiên, vì quá lo lắng, sợ sỏi phát triển ảnh hưởng đến sức khỏe về sau nên ông đã lựa chọn cách dùng thuốc Nam để điều trị. Ông quan niệm thuốc Nam nguồn gốc thiên nhiên, không độc hại, uống vào không những không phương hại đến sức khỏe mà còn làm tiêu tan sỏi thận. Vì vậy ông đã đến ông “lang vườn nức tiếng” gần nhà mua thuốc uống.

Uống được 1 tháng, tưởng sỏi nhỏ đi phần nào theo “tiếp thị”, nào ngờ những biểu hiện đầu tiên ông cảm thấy là bụng đau quằn quại, bí tiểu và lúc nào cũng nôn ói. Bị như vậy 3 ngày, thấy tình trạng khó lường, gia đình đã đưa ông Đ đi cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bác sĩ Nghiêm Trung Dũng, Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho ông Đ cho biết: bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận cấp với các biểu hiện: vô niệu, phù toàn thân, dịch cổ chướng, nôn do hội chứng urê máu cao...

thao duoc khong phai la than duoc
Bệnh nhân L.V.Đ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Dù đã được điều trị tích cực như lọc máu, thải độc… thế nhưng sau 2 ngày, tình trạng của ông Đ vẫn chưa hồi phục: bụng vẫn chướng to, chân tay phù nề, vô niệu, thừa dịch, các chất độc do hậu quả của suy thận cấp vẫn tăng khi bệnh nhân dừng lọc máu. Hiện ông Đ vẫn đang được điều trị tích cực để thải độc.

Không chỉ ông Đ mà nhiều bệnh nhân khác cũng đã từng phải cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai vì ngộ độc thuốc được coi là vô hại như thuốc Nam. Điển hình như bệnh nhân H ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng thiếu máu, liệt tứ chi, tổn thương thần kinh và không thể tự nghiêng mình. Theo người nhà bệnh nhân, sau khoảng 3 tháng uống thuốc Nam mua của một bà lang gần nhà với mục đích chữa bệnh đau khớp, từ hơn 40kg bệnh nhân chỉ còn 32kg, hơn nữa không thể tự đi lại được. Hoảng quá, gia đình đã phải đưa bệnh nhân cấp cứu tại viện Bệnh viện Bạch Mai và kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc chì nặng. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy hàm lượng chì trong máu bệnh nhân lên đến 188,79mcg/100 ml (từ 40 đến dưới 69mg/dl là nhiễm độc nhẹ, từ 70 đến 100 trung bình, trên 100 là nặng), viên thuốc bà lang cho bệnh nhân uống có gần 3% là chì. Với tình trạng bệnh như vậy, bệnh nhân cũng phải lọc máu, thải độc chì… Sau 3 tuần điều trị, bệnh nhân đã có những tiến triển khả quan, có thể đứng lên và tự đi lại được. Tuy nhiên, tổn thương dây thần kinh của bệnh nhân khó có thể hồi phục lại 100% như lúc ban đầu.

Tương tự cách đây không lâu, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng cấp cứu cho hai bệnh nhân là bà Hà Thị Kh, 75 tuổi và Phạm Thị Th, 58 tuổi ở Thái Bình cùng bị ngộ độc thuốc Nam. Khi cấp cứu, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hai bệnh nhân cùng nhập viện trong tình trạng bị tổn thương gan, chức năng gan suy giảm, men gan tăng cao… Bệnh nhân Phạm Thị Th kể: “Qua một người quen giới thiệu, bà và chị dâu Hà Thị Kh đã tìm đến một thầy lang để chữa thoát vị đĩa đệm, đau khớp gối và đau dạ dày. Sau khi bắt mạch, thầy lang này đã bán cho tôi các gói bên trong có “thuốc” dạng bột và một túi thuốc viên để uống. Theo hướng dẫn của thầy, mỗi ngày tôi uống 2 gói thuốc bột và 2 viên thuốc”.

Sau khi uống khoảng nửa tháng thì bà Th cảm thấy sốt, bị vàng da và mắt, thậm chí nước tiểu cũng vàng sậm. Như em chồng, bà Kh sau khi uống thuốc Nam của thầy lang cũng có triệu chứng tương tự nên cả hai cùng đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Tại đây hai chị em bà Th và Kh được chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Mẫu thuốc mà hai bệnh nhân uống được xét nghiệm xác định chất gây ngộ độc.

Thảo dược cũng có độc

Bác sĩ Nghiêm Trung Dũng cho hay, chỉ tính riêng Khoa Thận tiết niệu, trung bình mỗi tháng tiếp nhận 3-4 bệnh nhân bị suy thận cấp do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Thường những bệnh nhân này tiên lượng rất khó khăn do không biết chính xác độc chất trong các thảo dược không rõ nguồn gốc hoặc các hóa chất xao tẩm và bảo quản thuốc. Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào tình trạng suy thận của người bệnh. Những bệnh nhân bị nhiễm độc nhẹ, được thải độc hoàn toàn, hết suy thận và không ảnh hưởng đến sức khỏe về sau. Nhưng có những bệnh nhân nhiễm độc nặng bị suy đa tạng, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém. Nếu cứu được cũng bị di chứng rất nặng nề như suy thận mạn tính… Trường hợp bệnh nhân đã có bệnh lý thận từ trước đó thì chắc chắn sẽ suy thận mạn tính.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, tình trạng sử dụng thuốc Nam tùy tiện đang diễn ra rất phổ biến vì quan điểm những loại này “lành tính” nếu không chữa được bệnh thì cũng không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy người dân, nhất là ở những vùng thôn quê thường tự ý sử dụng thuốc. Và không chỉ riêng Khoa Thận tiết niệu, mà Trung tâm Chống độc, Khoa Thận nhân tạo, Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên phải tiếp nhận, điều trị cho những ca bệnh do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc...

Bác sĩ Nguyên nói: “Thảo dược suy đến cùng vẫn là những hóa chất nhưng ở dạng tự nhiên. Mà tự nhiên, tương tự tân dược bên cạnh những chất có công hiệu, lợi ích cho sức khỏe cũng có độc tố hoặc hóa chất gây hại cho cơ thể. Ví như củ ấu Tàu (hay còn gọi là phụ tử) thường có trong những bài thuốc Đông y, rất quen thuộc với nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc Nam. Thảo dược này có chất anicotin rất độc khi làm rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến tử vong người bệnh”. Vì vậy, theo bác sĩ Nguyên dù là thảo dược cũng cần qua xử lý, sơ chế để loại bỏ các chất độc hại và chỉ giữ lại những chất hữu hiệu trong trị bệnh trước khi sử dụng.

Cho nên khuyến cáo của bác sĩ dành cho người muốn sử dụng thuốc Nam hay các loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên là: Hãy là người bệnh thông thái, khi có bệnh nhất định phải có sự tư vấn của thầy thuốc trong việc lựa chọn những phương pháp điều trị. Còn trường hợp muốn điều trị bằng Đông y thì nên đến các cơ sở khám chữa bệnh có uy tín, được cấp phép, sử dụng thuốc có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt không được dùng thuốc theo hình thức “truyền khẩu” để biết mình đang uống loại thuốc gì, có thành phần ra sao, hạn sử dụng như thế nào…

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên: “Lợi dụng tâm lý người bệnh muốn khỏi bệnh và dùng thuốc Đông y có nguồn gốc tự nhiên không độc hại, nhiều người thiếu lương tâm đã trộn thêm tân dược như: corticoid, dexametazon, thuốc giảm đau để tăng tác dụng. Hầu hết các tân dược này có tác dụng giảm viêm nhanh nhưng là thuốc kê đơn, phải sử dụng hết sức nghiêm ngặt. Bởi nếu không kiểm soát liều lượng, thời gian sử dụng sẽ gây các tác dụng phụ nguy hiểm cho thận, huyết áp; tăng nguy cơ loãng xương, đái tháo đường. Ngoài ra, do không được kiểm soát chất lượng, thuốc Nam có thể bị nhiễm kim loại như chì, lưu huỳnh gây độc cho thần kinh, gan...”.

Nguyễn Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

(PetroTimes) - Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản (JWA) cho biết hoa anh đào ở thủ đô Tokyo sẽ nở từ ngày 21/3 và đạt đỉnh điểm một tuần sau đó.