Thanh tra xây dựng, giữ hay bỏ?

10:17 | 26/12/2017

2,160 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng xây dựng lộn xộn, không phép, sai phép diễn ra ở khắp mọi nơi. Lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) có nhiệm vụ kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này.

Vậy thì rất cần có TTXD! Nhưng trớ trêu là, những sai phạm trong xây dựng, những lộn xộn chiếm dụng hè phố vẫn tồn tại. Do đó, vấn đề mới được đặt ra là có nên duy trì lực lượng TTXD nữa hay không?

Cách đây hơn 4 năm (từ ngày 15-5-2013), lực lượng TTXD do Sở Xây dựng quản lý theo ngành dọc. Riêng Hà Nội và TP HCM, các đội TTXD được đặt tại các quận, huyện mà không có lực lượng này ở phường, xã.

Trước đó, theo Quyết định 89 của Chính phủ thì TTXD cấp phường, xã, thị trấn là "cánh tay nối dài" cho cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trong việc kiểm soát trật tự xây dựng tại địa phương. Lực lượng này được giao nhiều nhiệm vụ như: kiểm tra việc tuân thủ quy định về quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt; phát hiện, xử lý các hành vi xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian chung... Bên cạnh đó, TTXD cấp phường cũng được lập biên bản vi phạm, yêu cầu ngừng thi công và trình chủ tịch UBND phường ra quyết định đình chỉ thi công, phá dỡ công trình vi phạm.

Tuy nhiên, các chuyên gia ở Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất "xóa tên" TTXD và nên để lực lượng này trở về với tên gọi ban đầu là Đội Trật tự đô thị. Lý do là TTXD nhưng lại chủ yếu đi xử phạt giao thông và đô thị, gây phản cảm cho người dân. Cụ thể, có những phường xảy ra 11.000 vụ vi phạm do lực lượng này lập biên bản, song chỉ có 30 vụ thuộc lĩnh vực xây dựng, còn lại là trật tự an toàn giao thông.

thanh tra xay dung giu hay bo
Thanh tra xây dựng đang dẹp vỉa hè đô thị

Thế là từ năm 2013, TTXD chỉ còn hai cấp là Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng. Riêng Hà Nội và TP HCM được tổ chức các đội TTXD đặt tại địa bàn quận, huyện do Sở Xây dựng quản lý.

Tuy nhiên, gần đây lại có một số ý kiến nêu ra tại một cuộc hội thảo đề nghị bỏ luôn lực lượng TTXD vì Nhà nước phải nuôi một đội quân khá đông đảo, tốn kém mà hoạt động thì kém hiệu quả. Đáng chú ý là đề xuất tinh giản, tiến tới xóa bỏ lực lượng TTXD của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm đang gây nhiều tranh cãi.

Các ý kiến nêu thực tế ở nhiều nước trên thế giới chỉ có đội dịch vụ kiểm tra xây dựng với hình thức xã hội hóa. Khi cấp giấy phép xây dựng, chính quyền sẽ thu luôn một khoản phí để dùng thuê dịch vụ kiểm tra doanh nghiệp và người dân có thực hiện đúng giấy phép được cấp không. Lực lượng này không thuộc biên chế Nhà nước. Khi thuê dịch vụ như vậy, có thể kiểm soát được chất lượng, đơn vị nào làm tốt sẽ tiếp tục được thuê và ngược lại. Ở nước ta, có thể nghiên cứu áp dụng thí điểm, nếu thấy hiệu quả tốt hơn, có thể xem xét giảm hoặc bỏ hẳn lực lượng TTXD như hiện nay. Đồng thời, cơ quan Nhà nước cần xem xét quy định đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng, bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Gần đây, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội, vấn đề vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục làm nóng hội trường, lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hà Nội trả lời vòng vo khi bị chất vấn. Như vậy, minh chứng rằng lực lượng TTXD hoạt động chưa hiệu quả.

Hiện nay, từ cấp phường, quận đến thành phố có nhiều lực lượng quản lý về xây dựng như lực lượng địa chính ở phường, xã, đô thị, quận, huyện và TTXD ở Sở xây dựng. Đáng nói là dù lực lượng đông như vậy nhưng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, nhất là ở các công trình lớn, hiện nay vẫn diễn ra tràn lan. Hiệu quả về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng chưa cao, có nhiều tiêu cực phát sinh. Nhưng khi phát hiện vi phạm, các nơi đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Sở dĩ xảy ra những tình trạng trên là do có sự bao che, tiêu cực của các lực lượng, trong đó có TTXD, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Một số công ty bất động sản cho rằng, đây là đề xuất hợp lý. Bởi đa số TTXD hiện nay không có bằng cấp chuyên môn về ngành xây dựng lại đi kiểm tra các kỹ sư, kiến trúc sư xây dựng có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Trong số 2.700 thanh tra xây dựng cấp phường, quận ở TP HCM chỉ có duy nhất 1 người là thanh tra viên được thành phố cấp thẻ theo luật thanh tra, còn lại đều là nhân viên.

Có một ý kiến cần được cân nhắc của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam. Ông cho rằng, cần tổ chức lại lực lượng TTXD, đưa về một mối thuộc sở, quận hoạt động cho hiệu quả. Nếu dùng dịch vụ TTXD, vẫn cần có vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể phó thác toàn bộ cho dịch vụ.

Như vậy, TTXD tồn tại hay chuyển sang đổi hình thức dịch vụ xã hội hóa cần được triển khai sớm để giảm bớt một gánh nặng cho xã hội.

Linh Trang