“Thanh cát” là vải chứ không phải áo

09:58 | 04/09/2016

|
Bạn đọc: Blog của DzungLam ngày 29-11-2011 có đăng bài “Song Viết - Tiếng ngọc lụa reo trong những cốt cách thanh cao” của Hà Hữu Nga, một bài đại luận dài trên 11.200 chữ, trong đó tác giả đã bàn về hai chữ (tạm đọc là) “song viết” mà, theo tôi được biết, ông An Chi rất quan tâm nên cũng có vài lần bàn đến. Xin ông cho biết nhận xét về bài này? Xin cảm ơn ông. Trí Việt (Đống Đa, Hà Nội)  

Học giả An Chi: Bài đại luận của Hà Hữu Nga dài hơn 11.200 chữ nhưng ý kiến chính của ông liên quan đến hai chữ

thanh cat la vai chu khong phai ao

[双曰] thì chỉ tập trung vào 1.840 chữ của phần III (Song Viết - một mạng kết nối các liên tưởng). Để biện luận, ông đã dựa vào sự ghi chép của Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” (LTHCLC):

“Nhưng đến cụ Phan Huy Chú thì mọi sự đã trở nên sáng tỏ: “[…] Cho quan văn từ khoa đạo, quan võ từ quận công, mặc thanh cát, đều dùng lá phủ đằng sau, người khác không được dùng lạm… Dụ - tông, năm Vĩnh - thịnh thứ 10 [1714] định hạn chế về mũ áo bằng vải thanh cát. Tục cũ nước ta dùng áo vải nhuộm màu xanh chàm rồi phủ màu nâu, lại cho thêm ít keo, lấy chày đập, đem phơi khô, gọi là áo thanh cát. Không cứ quan hay dân, sang hay hèn, đều thông dụng cả, chỉ lấy dài ngắn làm mức. Về sau phần nhiều quá mức, đến đây mới hạn định phải theo đúng thước tấc dài ngắn rộng hẹp, để phân biệt thứ bậc. Năm thứ 16, định phẩm phục các quan văn võ lớn nhỏ cùng nha lại binh lính đều mặc áo thanh cát, đội mũ chữ đinh, không có phân biệt sang hèn trên dưới. Đến đây chúa Trịnh [Cương] bàn với tham tụng là Nguyễn Công Kháng đổi định lại, để cho rõ ràng phẩm phục: áo của hoàng thân, thân vương, mùa xuân, mùa hạ dùng sa Trung Quốc, mùa thu mùa đông dùng đoạn Trung Quốc… Các quan văn võ và nội giám khi chấp sự hành lễ và trông coi việc công thì đều dùng áo thanh cát, mũ ô sa, quan văn võ khi hầu ở Nội các cũng thế” (Phan Huy Chú 1992: 12,13)”.

Hà Hữu Nga còn dẫn cả lời mô tả chiếc áo thanh cát của Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” để củng cố cho lập luận của mình. Rồi trên cơ sở này, ông đã vận dụng những thao tác xử lý quan hệ ngữ âm của Nguyễn Tài Cẩn để kết nối “thanh cát” với “song viết” mà biến chiếc “áo Thanh Cát” thành quốc phục và còn khẳng định rằng nó chính là nguyên mẫu cho bộ triều phục của hoàng gia Malaysia nữa.

Nhưng cũng vì quá say sưa với những ý tưởng có cánh của mình nên ông không hề ngờ rằng “áo thanh cát” chẳng qua chỉ là một thứ áo may bằng một thứ vải gọi là “vải thanh cát” mà thôi. Chứ danh ngữ “áo thanh cát” không hề là tên của một kiểu áo, từ đó ông Hà Hữu Nga đã thiết kế ra cái “biến tấu” độc đáo là “chiếc quốc phục Xống Kép - Thanh Cát”. Nó không phải là tên của một kiểu áo, như các danh ngữ “áo bà ba”, “áo bà bầu”, “áo bành-tô”, “áo gió”, “áo ba-đờ-xuy”, “áo sơ-mi”, “áo xường xám”, v.v... “Thanh cát” chỉ đơn giản là tên một loại vải, y hệt như: “dạ”, “đa-cơ-rông” (dacron), “ga-bác-đin” (gabardine), “gấm”, “kaki”, “kate”, “li-nông” (linon), “nhung”, “pô-pơ-lin”, “voan”, “siu” (silk), v.v... Ngay ở đoạn văn trong LTHCLC mà chính ông Nga đã dẫn thì Phan Huy Chú cũng đã nói đến loại vải đó rồi: “Dụ-tông, năm Vĩnh-thịnh thứ 10 [1714] định hạn chế về mũ áo bằng vải thanh cát”. Công trình này còn nhiều chỗ nữa cũng nói đến mũ, áo bằng vải thanh cát:

- “Hầu phủ chúa thì dung mũ áo thanh cát với áo ngắn lót.

Cai đội, phó cai đội, chánh đội trưởng, phó đội trưởng đã dự trông coi binh lính mà chưa có chức tước, đứng hầu thì dùng mũ áo thanh cát, không có áo ngắn lót, có cầm gươm” (LTHCLC, Tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.15).

- “Ở Trung thư sảnh thì các chức hoa văn học sinh, án lại, xá nhân, tướng thần lại, lệnh sử, thư tả, nội thư tả, ở các văn nha môn thì các chức đô lại, đề lại, điển lại, thông lại, khi chầu hầu làm việc thì dùng áo mũ thanh cát không lót” (Sđd, tr. 18).

- “Con vua con chúa từ chức tả hữu đô đốc có tước quận công trở lên, khi vào hầu dùng mũ thanh cát, áo thanh cát có lá phủ sau và không lót, còn mặc thường thì dùng các thứ gấm vóc có hoa màu. Con vua con chúa từ chức đô đốc đồng tri có tước quận công trở xuống, khi vào hầu dùng mũ thanh cát, áo thanh cát có lá phủ sau và có lót. Con cháu các quan văn võ, được phong ấm trở lên, vào hầu làm việc thì con cháu quan văn dùng mũ ô sa đơn, con cháu quan võ dùng mũ thanh cát, đều dùng áo thanh cát với áo ngắn lót” (Sđd, tr. 18).

Cứ như trên thì trong lịch sử của việc cắt may ở nước ta, đã từng có một thứ vải gọi là “vải thanh cát”, mà trong LTHCLC, bản gốc (chữ Hán), Phan Huy Chú đã gọi là “thanh cát bố” [青吉布]. Với ngữ đoạn đã dẫn trên đây, ta phải thấy, ngoài việc dùng để may áo, vải thanh cát cũng còn dùng để may cả mũ nữa. Nói tóm lại, hai tiếng “thanh cát” ở đây chỉ là tên của một loại vải, nghĩa là hai tiếng dùng để chỉ chất liệu, y hệt như “ô sa” trong “mũ ô sa”, “thao” trong “dây thao”, “là” (một thứ lụa) trong “bít tất bằng là”, mà ta cũng còn thấy trong LTHCLC. Nói thêm cho dễ hiểu, “áo thanh cát” là áo may bằng vải thanh cát, cũng như “áo pô-pơ-lin” là áo may bằng vải pô-pơ-lin, “quần kaki” là quần may bằng vải kaki, “khăn len” là khăn đan/dệt bằng sợi len, “mũ rơm” là mũ làm bằng rơm, v.v... Thế nhưng Hà Hữu Nga lại còn vận dụng những thao tác xử lý quan hệ ngữ âm của Nguyễn Tài Cẩn đê kết nối “thanh cát” với “song viết” rồi “xống kép” và cả “áo kép” nữa. Về chuyện này thì chúng tôi xin miễn bàn.

Với những gì đã nêu ở trên, ta dễ dàng thấy rằng, vị chuyên viên khảo cổ học thời đại đồ đá đã sai lầm nặng nề khi nhận tên của một loại vải thành tên của một kiểu áo, trên cơ sở đó đã tạo ra một biến tấu là “chiếc quốc phục Xống Kép - Thanh Cát” rồi còn hoàn toàn đi quá đà mà khẳng định rằng nó là nguyên mẫu cho chiếc lễ phục Songket/Sungkit của người Mã Lai và người Indonesia. Ông viết:

“[…] tại các xã hội truyền thống bộ Songket vẫn là bộ lễ phục, quốc phục, và vẫn được hoàng gia Malay dùng làm bộ Triều phục của họ (Summerfield A., John Summerfield, editors 1999; Uchino M. 2005; Rodgers S., Anne Summerfield, John Summerfield, 2007)”.

Ba nguồn mà ông đã nêu trong ngoặc đơn (1999, 2005, 2007), nghe ra thì có phần hoành tráng nhưng chúng tôi thì chỉ ước muốn ông Hà Hữu Nga dẫn ra một vài câu nói về “bộ Triều phục” mà ông đã đọc được trong ba nguồn đó. Còn chúng tôi thì chỉ biết rằng “songket” là một thứ vải dệt bằng chỉ đan xen với những sợi vàng hoặc sợi bạc, tạo thành một loại vải kim tuyến có thiết kế và mẫu mã tinh tế. Thứ vải này, tức songket, thường được dùng để may lễ phục hoặc y phục truyền thống của người Mã Lai và người Indonesia. Thế thôi. Ta không thể biết được ông Hà Hữu Nga lấy ở đâu ra “bộ triều phục Songket của hoàng gia Malaysia”. Tóm lại, kiến giải độc đáo của Hà Hữu Nga về hai chữ thường đọc là “song viết” đã hỏng ngay từ đầu với “chiếc quốc phục Thanh Cát” của ông.

A.C

Năng lượng Mới số 553+554