Đổi mới giáo dục

Thành bại do giáo viên

07:32 | 26/10/2017

697 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đính chính quy định cấm dạy kiến thức ngoài sách giáo khoa (SGK), nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục đã tỏ ra bất ngờ và ngạc nhiên. Tuy nhiên, đối với chương trình mới, SGK không phải là tất cả, bởi thành bại của giáo dục còn nằm ở chính năng lực giáo viên.   

Vừa “đóng” đã phải “mở”

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Theo đó, văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học, “không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK”.

Tuy nhiên, sau đó Bộ GD&ĐT đã có văn bản đính chính và nhấn mạnh “bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu”. Điều này có nghĩa Bộ GD&ĐT không hạn chế giáo viên chỉ dạy những nội dung trong SGK.

thanh bai do giao vien
Cô và trò Trường Tiểu học Sài Đồng (Long Biên) trong một tiết dạy

Dù Bộ GD&ĐT đã có văn bản đính chính, song những tranh cãi về SGK và việc coi SGK là “tối thượng” hay không vẫn đang tiếp diễn. Về vấn đề này, TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết cho rằng: “Chương trình và SGK là những yếu tố quan trọng trong quá trình dạy học, trong đó chương trình mang tính định hướng về kiến thức và kỹ năng, còn SGK là sự cụ thể hóa những định hướng ấy, là tài liệu hướng dẫn cho giáo viên và học sinh trong hoạt động dạy và học. Là một trong những yếu tố quan trọng nhất, nhưng SGK không phải yếu tố duy nhất cung cấp kiến thức và kỹ năng cho học sinh. Chương trình và SGK luôn mang tính ổn định tương đối, vì vậy người thầy luôn phải có ý thức điều chỉnh, bổ sung, cập nhật một cách có chọn lọc những tri thức và kỹ năng từ cuộc sống vốn vận động không ngưng nghỉ”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, chỉ nên quy định dạy học không vượt quá mức độ yêu cầu của chương trình đối với từng cấp học, lớp học. Còn giáo viên, học sinh sử dụng tài liệu nào để phục vụ việc học tập theo chương trình thì không nên khống chế.

Năng lực giáo viên quyết định

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến đưa vào nhà trường từ năm 2018-2019 được đánh giá là có mục tiêu hoàn hảo, cách tiếp cận hiện đại, với nhiều kỳ vọng sẽ thay đổi những bất cập của giáo dục hiện hành. Một trong những lo lắng phổ biến khi áp dụng chương trình là sự sẵn sàng, đồng thuận và khả năng thích ứng của đội ngũ giáo viên đến mức độ nào?

Về môn Toán, GS Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình môn Toán - cho biết, môn Toán sắp tới sẽ tinh giảm, sẽ dạy những nội dung cốt lõi, thiết thực. Còn đối với môn Văn, số lượng tiết học của môn này chiếm tới 18,75% thời lượng của cả 3 cấp học, cao nhất so với các môn. Nội dung lý luận văn học và lịch sử văn học sẽ không còn được dạy theo kiểu hàn lâm. Môn văn sẽ xây dựng theo hướng mở, chỉ quy định một số tác phẩm lớn; còn lại gợi ý danh sách các tác phẩm khác... giáo viên chủ động chọn lựa.

Để đạt được những mục tiêu mới này, PGS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên môn Văn cho rằng, quan trọng nhất là cách dạy của giáo viên. Người thầy sẽ giúp học sinh tiếp cận và kết nối, liên hệ từ bài học trong sách tới cuộc sống hiện tại; cần chuẩn bị cho việc tiếp cận nhiều tài liệu, phương tiện dạy học khác nhau. Đồng thời, trong tương lai, vị trí của SGK sẽ thay đổi hẳn, yếu đi rất nhiều vì không còn là văn bản pháp lý bắt buộc và duy nhất đối với nhà trường phổ thông.

Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ giáo viên vẫn đang có sức ì khá lớn, ngại học tập và ngại tiếp cận những cái mới. Vừa qua, trong Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức vào ngày 22-9, thông tin 70% giáo viên đứng lớp không có năng khiếu sư phạm đã và đang khiến dư luận giật mình.

Nói như chuyên gia giáo dục Nguyễn Thị Tâm Đan, chương trình tốt chỉ là một điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ để thành công là tổ chức thực hiện. Quan trọng nhất phải bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực thì mới đạt được yêu cầu. Nếu chúng ta muốn xây dựng nền giáo dục theo hướng mở, theo chuẩn hóa thì cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học phải được chuẩn hóa và hiện đại. Do đó, khi làm chương trình thì chuẩn hóa đội ngũ giáo viên phải làm song song, thậm chí phải làm trước.

Công cụ mới đánh giá năng lực giáo viên

Mới đây, tại TP HCM và Hà Nội, chương trình bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là chương trình ETEP) đã tổ chức hội thảo, tập huấn về bộ công cụ khảo sát đánh giá năng lực, nhu cầu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Bộ công cụ sẽ thu thập thông tin ở 3 lĩnh vực chính là năng lực thực tại của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục; chương trình giáo dục phổ thông và thực trạng điều kiện học tập, bồi dưỡng của cá nhân, nhà trường.

Tâm An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.