Than ngoại “ép” than nội

17:29 | 08/07/2017

450 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ cho ngành than. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long, ngành than đang gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ chủ yếu trong nước, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nên tác động không tốt tới tăng trưởng chung của toàn tỉnh. Vì thế, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ quan tâm, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ cho ngành than.

Ông Long dẫn chứng, dù đã nâng cao năng lực quản trị, nhưng cả Công ty TNHH MTV 397 - Tổng Công ty Đông Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn tồn dư 10,2 triệu tấn than. Điều này không những gây ảnh hưởng tới tình hình tài chính các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới đời sống của khoảng 10 vạn công nhân mỏ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh kiến nghị sớm giải quyết vấn đề về xuất khẩu than, xem xét thuế VAT về than… Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều báo cáo Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngành than, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giá thành của than khai thác trong nước, thuế tài nguyên môi trường, giúp than trong nước bình đẳng hơn trong cạnh tranh.

than ngoai ep than noi

Hiện tồn kho của ngành than ước khoảng trên 10 triệu tấn

Về xuất khẩu than, Bộ Công Thương cũng đã tạo thuận lợi tối đa, nhưng bên cạnh khó khăn do giá thành, lãnh đạo Bộ Công Thương còn cho biết, xuất khẩu gặp khó do vướng phải hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc về lượng phốt pho tồn dư trong than, nên hiện tại ngành than chỉ trông đợi thị trường trong nước. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, nếu cứ để giá than như hiện nay thì ngành than vẫn tiếp tục gặp khó, bởi hiện giá than trong nước đang ở mức cao do chi phí đầu vào trong sản xuất, khai thác than cao. Bên cạnh đó, sản lượng than nhập khẩu đang tăng nhanh gây sức ép lên ngành than nội địa.

Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn: “Trong tổng số hơn 9 triệu tấn than tồn kho hiện nay, có khoảng 7-7,5 triệu tấn là tồn kho chiến lược mang tính dự trữ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi tồn kho vượt định mức nói trên thêm khoảng 1,5-2 triệu tấn sẽ gây khó khăn cho ngành”.

Trước đó, cử tri Quảng Ninh cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính về việc xem xét điều chỉnh thuế tài nguyên (chủ yếu là tài nguyên than) về mức thấp nhất trong khung thuế suất thuế tài nguyên hiện nay, tuy nhiên Bộ Tài chính cho biết: Mức thuế tài nguyên quy định tại Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 mới được ban hành nên cần có thời gian để tổng kết, đánh giá. Về việc này, một chuyên gia trong ngành năng lượng phân tích, thuế tài nguyên đối với than của Việt Nam nhìn chung cao hơn nhiều so với các nước và rất cao trong bối cảnh giá thành than ngày càng tăng cao do điều kiện khai thác khó khăn và thuế phí tăng cao, trong khi giá bán than giảm so với trước.

Đó là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá thành than trong nước cao hơn giá thành than nhập khẩu, dẫn đến làm giảm khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho than nhập khẩu "tràn" vào Việt Nam, gây nhiều hệ lụy xấu đối với các doanh nghiệp khai thác than trong nước và kinh tế - xã hội đối với vùng than, nhất là tại Quảng Ninh. Chính vì vậy, chuyên gia này thẳng thắn nhận xét, việc cử tri Quảng Ninh kiến nghị giảm thuế tài nguyên đối với than là cấp thiết, kịp thời nhằm tháo gỡ khó cho ngành than.

Nguyễn Kiên

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps