Than Nam Mẫu: Vươn lên từ “đi tắt đón đầu”

08:00 | 04/09/2014

488 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Qua 15 năm xây dựng và trưởng thành từ một mỏ nhỏ thành một đơn vị vững mạnh như ngày hôm nay. Ngày 20-8 vừa qua, cán bộ, công nhân Công ty Than Nam Mẫu đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do Ðảng và Nhà nước trao tặng. Ðây là phần thưởng xứng đáng của tập thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Công ty Than Nam Mẫu.

Năng lượng Mới số 351

Ði tắt, đón đầu trong ứng dụng sản xuất

Công ty Than Nam Mẫu - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được sáp nhập từ hai mỏ Than Thùng và Yên Tử vào  năm 1999 trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, lao động thủ công, năng suất thấp, tài chính chủ yếu là nguồn vốn vay ngân hàng, khấu hao và lãi vay chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản phẩm. Diện sản xuất lộ thiên không còn, phải sản xuất 100% than hầm lò và điều kiện địa chất phức tạp. Trong khi đó, đội ngũ CBCNV đa số chưa quen nếp quản lý sản xuất than hầm lò, mặc dù công ty đã có nhiều cố gắng trong việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nâng cao mức thu nhập để thu hút lao động, tuy nhiên với đặc thù của khai thác hầm lò là nguy hiểm và độc hại nên công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển chọn và đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất.

Với chiến lược tập trung đổi mới công tác quản lý và từng bước thực hiện cơ giới hóa sản xuất, công ty đã từng bước vượt qua khó khăn và không ngừng phát triển. Những người thợ mỏ Nam Mẫu đã mạnh dạn áp dụng nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại vào sản xuất than hầm lò nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và đạt được những thành công lớn. Ðáng chú ý là công nghệ chống giữ lò chợ bằng cột thủy lực đơn kết hợp với xà khớp kim loại vào sử dụng tại lò chợ vào năm 2000. Tiếp đó tháng 4-2001, công ty hợp tác với Viện Khoa học Công nghệ mỏ đưa công nghệ chống giữ lò chợ bằng giá thủy lực di động vào lò chợ vỉa 7 khu vực Than Thùng. Ðầu tư đưa khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào đến đâu, hiệu quả kinh tế thấy ngay đến đấy. Năm đó năng suất lò chợ từ 135.000 tấn/năm tăng lên đến 200.000 tấn/năm; năng suất lao động người thợ từ 1,5 tấn/ngày công lên 3,5 tấn/ngày công, đồng thời góp phần cải thiện điều kiện lao động, nâng cao hệ số an toàn lao động cho người thợ.

Năm 2005, công ty tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, mua máy đào lò Combain AM-50Z và đưa công nghệ cơ giới này vào thực nghiệm đào lò dọc tại vỉa 7 khu Than Thùng. Kết quả đầu tư cao hơn mong muốn, tốc độ đào lò nhanh hơn, cao điểm đạt 210m/tháng cho một gương lò. Máy đào lò còn có ưu điểm là đảm bảo an toàn cho người lao động trong lộ trình đào mỏ, khâu đưa vì chống lên giữ nóc lò. Năm 2008, Công ty Than Nam Mẫu đầu tư dàn khoan tự hành, thiết bị đào lò tiên tiến nhất hiện nay vào đào lò xây dựng cơ bản. Dàn khoan tự hành 2 choòng ưu việt có hệ số an toàn cao, hạn chế tiếng ồn; có hệ thống phun nước dập bụi tại chỗ. Vị trí người thợ vận hành dàn khoan cách gương lò 3m, khẩu độ dễ quan sát những biến cố bất trắc địa tầng, kịp thời ứng phó. Trước đây công nhân khoan tay, gương lò khói bụi và tiếng ồn lớn. Nay cơ giới, người thợ chỉ việc bấm nút điều khiển. Cải thiện điều kiện làm việc dưới độ sâu cho người lao động.

Than Nam Mẫu: Vươn lên từ “đi tắt đón đầu”

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng phần thưởng cao quý cho tập thể CBCNV Công ty Than Nam Mẫu

Từ khoảng 10 năm trở lại đây, Công ty Than Nam Mẫu tăng cường đầu tư các thiết bị, công nghệ tiên tiến của các nước phát triển như Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Thụy Sỹ, Trung Quốc… trở thành đơn vị được đánh giá là “đi tắt, đón đầu” trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Năm 2010, Công ty Than Nam Mẫu tiếp tục tiến hành cơ giới hóa đồng bộ dây chuyền khai thác, bằng sử dụng dàn chống tự hành kết hợp với máy khấu than, khắc phục được những hạn chế trong khai thác than bằng phương pháp khoan nổ mìn thủ công, đảm bảo an toàn cho người lao động, tăng năng suất lao động lên 7-8 tấn/ngày công. Ngay những vị trí khai thác khó khăn nhất, công nghệ cơ giới hóa đã phát huy được hiệu quả có những tháng đạt trên 35 ngàn tấn than nguyên khai, sản lượng cao gấp đôi trước đây. Ðến nay tổng số CBCNV có hơn 5.000 người; trong đó có 2.200 thợ lò. Với trữ lượng trên 86 triệu tấn, dự kiến từ năm 2016 sản lượng mỏ sẽ đạt 2,5 triệu tấn/năm và ổn định sản lượng này trong khoảng 35 năm.

Tạo động lực cho người lao động

Sản xuất phát triển, công ty luôn quan tâm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao đời sống người lao động, đầu tư xây dựng nơi ăn, chốn ở, nơi sinh hoạt văn hóa thể thao cho công nhân như xây dựng khu tập thể công nhân tại TP Uông Bí, tổng diện tích sử dụng 32.904m2 với 224 phòng kép kín hiện đại, bố trí ở được cho gần 1.000 công nhân; xây dựng nhà tắm, giặt, sấy quần áo bảo hộ, gara xe ôtô, xe máy, nhà để quần áo sạch, nhà ăn với mô hình tự chọn, nhà thư viện; khu thi đấu thể thao, bố trí xe đưa đón cán bộ, công nhân viên đi làm 3 ca. Trong hoạt động xã hội, vì sự phát triển cộng đồng, công ty đã chi tổng số tiền cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện 15 năm qua là trên 7 tỉ đồng… Ðến nay, công ty đã áp dụng 51 dự án, công trình đổi mới công nghệ lớn, trong đó có những công nghệ trở thành mô hình được các đơn vị trong ngành than nhân rộng.

Hiện Công ty Than Nam Mẫu đạt sản lượng khai thác than nguyên khai trên 2 triệu tấn, tăng 10,6 lần; đào lò mới gần 28.000m, tăng 10 lần; thu nhập đạt gần 9,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 16,5 lần. Trước đó, công ty cũng đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; liên tục 10 năm được tặng Cờ thi đua của Bộ Công Thương, của Tổng Liên đoàn Lao động và của Tập đoàn. Nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ và cấp toàn quốc, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Ðặc biệt, danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới lần này là nguồn động viên lớn để CBCNV công ty tiếp tục đưa Nam Mẫu vươn lên tầm cao mới.

Hà Trang

 

  • el-2024