Tham vọng “Con đường tơ lụa mới” của Bắc Kinh

06:58 | 10/06/2015

3,605 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Quốc vừa tiến thêm một bước trên con đường ngăn chặn Mỹ bá chủ thế giới. Ngày 6/6, Hungary đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong đề án gọi là “Con đường tơ lụa mới” trên bộ và trên biển.

Năng lượng Mới số 429

Vành đai mới - con đường mới

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thỏa thuận hợp tác trong dự án mang tên chính thức “Một vành đai, một con đường” đã được Ngoại trưởng hai nước ký kết tại Budapest ngày 6/6. Phía Hungary, Tổng thống Janos Ader hy vọng hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và nhất là thúc đẩy việc hình thành tuyến đường sắt Hungary - Serbia cùng nhiều đề án xây dựng lớn khác. Dự án “Một vành đai, một con đường” chỉ là một trong số các bước nhằm thực thi đề án “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc.

Tham vọng “Con đường tơ lụa mới” của Bắc Kinh

Tổng thống Hungary Janos Ader (phải) tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Budapest ngày 6/6/2015

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã nỗ lực chiêu dụ các nước khác tham gia con đường tơ lụa này, đặc biệt là các nước châu Âu. Hungary cho đến nay là một trong những nước rất nhiệt tình hợp tác với Trung Quốc.

“Con đường tơ lụa mới” là một đề án đầy tham vọng của Trung Quốc, muốn tạo ra cả một mạng lưới đường sắt, đường cao tốc, đường ống dẫn dầu khí đốt, các mạng lưới điện, Internet, tuyến hàng hải… trên khắp các vùng Trung, Tây và Nam Á vươn tới tận Hy Lạp, Nga, Oman, tạo thuận lợi cho Bắc Kinh thâm nhập châu Âu và cả châu Phi. Ý tưởng lập “Con đường tơ lụa mới” cả trên bộ lẫn trên biển trong thế kỷ XXI, được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, trong chuyến công du Indonesia, hồi tháng 10/2013.

Vào đầu tháng 11/2014, Trung Quốc tổ chức Hội trợ triển lãm quốc tế “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông và đã được 42 quốc gia hưởng ứng. 25 nước trong số đó trực tiếp liên quan đến dự án đã được ông Tập Cận Bình đề xướng. Cùng lúc, tại Thượng đỉnh của Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC - Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo đầu tư 40 tỉ USD để làm sống lại con đường giao thương nổi tiếng trong lịch sử, nối liền Á - Âu. Bắc Kinh cũng thông báo là đã có 25 quốc gia muốn tham gia trực tiếp vào dự án này.

Trung Quốc không hề che giấu mục tiêu là nâng tổng trao đổi mậu dịch của hai châu lục Á - Âu lên 1.000 tỉ USD vào năm 2020. Để đạt được điều đó, Bắc Kinh đã không để lãng phí thời gian. Trung Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng đường cao tốc 213km, nối liền thành phố Kashgar - Tân Cương với Erkeshtam của Kirghizistan. Tổng chi phí dự án lên tới 630 triệu USD. Con đường cao tốc này sau đó sẽ mở rộng ra tiếp sang Ouzbekistan, Tadjikistan, Turkmenistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Song song với dự án đường cao tốc đó, Trung Quốc còn phát triển hai đề án khác, cũng để mở cửa cho Trung Quốc đến gần với châu Âu. Dự án thứ nhất xuyên ngang Kazakhstan và Nga, trong khi lộ trình thứ nhì dự trù hướng tới Kazakhstan nhưng xuyên qua lòng biển Caspi.

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh nói đến 40 tỉ cho “Con đường tơ lụa mới”, thật ra dự tính nhiều hơn vậy. Trước hết là khoảng 100 tỉ USD cho hơn 50 dự án bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Bên ngoài lãnh thổ thì có ít ra 10 dự án công tư hỗn hợp và liên doanh giữa song phương hay đa phương với 11 quốc gia khác. Các dự án này gồm có bốn hải cảng, ba hệ thống đường sắt, hai hệ thống ống dẫn khí và một xa lộ đều có tính chất chiến lược về kinh tế lẫn an ninh. Để xây dựng các dự án quy mô này, Bắc Kinh đã dự chi ngân sách trị giá hơn 240 tỉ USD của mình trong những năm sắp tới, chưa kể 100 tỉ của Ngân hàng Phát triển BRICS và 100 tỉ của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) đang được thành lập với sự tham gia của 57 quốc gia.

Có bốn mục tiêu chính thức được ông Tập Cận Bình nói ra, rồi khóa họp mới đây của Quốc hội Trung Quốc đã xác nhận. Đó là: 1) tự do chuyển dịch tài hóa và cải thiện việc sử dụng tài nguyên; 2) phối hợp và hội nhập chính sách kinh tế với các nước; 3) tăng cường mạng lưới kết nối Âu - Á - Phi và các mặt biển phụ cận và 4) khai thác tiềm năng của thị trường, khuyến khích đầu tư và tạo ra việc làm.

E ngại mua lụa tự trói tay

Chính thức thì Bắc Kinh muốn chiêu dụ các nước châu Á cùng tham gia thực hiện các dự án này vì quyền lợi và nhu cầu xây dựng của châu lục. Còn mục tiêu thật của họ là mở rộng ảnh hưởng của đồng tiền Trung Quốc trong luồng giao dịch và đầu tư với các nước châu Á. Sâu xa hơn là mục tiêu tăng cường sức mạnh kinh tế với các nước đối tác và dùng quyền lợi kinh tế mua chuộc các nước để hợp thức hóa sự xuất hiện của Trung Quốc như một cường quốc hải dương, trong đó có cả việc hợp thức hóa hành vi chiếm đóng của Trung Quốc ngoài Biển Đông vào lúc các tranh chấp lãnh thổ đang gây căng thẳng tại châu Á. Cuối cùng là mục tiêu đẩy lui ảnh hưởng của Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Đằng sau mục tiêu kinh tế, Bắc Kinh muốn thành lập các liên minh với những nước vốn có quan hệ lịch sử lâu đời với Trung Quốc, giúp ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ trong bối cảnh Washington thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á để tái cân bằng lực lượng trong vùng.

Đã có nhiều nước Đông Nam Á gia nhập con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Một nhà báo Malaysia, làm việc tại Bắc Kinh, nhận định, Malaysia có tới 40% dân số là người Hoa, có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, nhưng tránh đề cập tới chủ đề này, bởi vì Malaysia cần xuất khẩu sang Trung Quốc và mua hàng hóa của nước này. Singapore, với 65% dân cư là người Hoa, vẫn khéo léo ứng xử trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Các nước khác như Thái Lan, Campuchia, Lào cũng ký các hiệp định quan hệ đối tác với Bắc Kinh. Sri Lanka vừa mới ký với Trung Quốc nhiều hợp đồng lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Một chuyên gia của nước này nói, sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước trong vùng châu Á tạo cảm giác đó là một hình thức mới của tiến trình thực dân hóa. Bắc Kinh thường xuyên trấn an dư luận thế giới rằng sự phồn thịnh kinh tế chung cho phép bảo đảm hòa bình, đặc biệt là ở vùng biển phía nam Trung Quốc. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy, các lợi ích kinh tế, cho dù to lớn đến đâu, cũng không ngăn cản chiến tranh xảy ra.

Đánh giá về tính khả thi của dự án “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng xưa nay Bắc Kinh làm các dự án hạ tầng đều lỗ. Lý do bên trong vì các chính quyền địa phương vay tiền làm ẩu. Với bên ngoài thì lý do là các doanh nghiệp Trung Quốc thường làm bậy, có tiêu chuẩn an toàn thấp và rủi ro tín dụng cao, nên 90% là mất tiền. Người ta tính ra là từ 2005 đến 2014 đã có ít ra 130 dự án thất bại, mất cỡ 200 tỉ USD, bằng một phần ba của tổng số đầu tư ra ngoài. Cũng vì vậy, Bắc Kinh cần sự góp sức của các nước khác để chia sẻ rủi ro và nâng cao khả năng quán lý dự án. Thật ra nhiều quốc gia khác cũng e ngại âm mưu bành trướng của Bắc Kinh nên chưa chắc là họ đã mua dải lụa của Trung Quốc để tự trói sau này.

Chuyến thăm 4 quốc gia châu Mỹ Latinh của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi cuối tháng 5/2015 cũng được cho là nhằm thực hiện dự án “Một vành đai, một con đường”, đem lại những hợp đồng kinh tế lớn chưa từng có ở “sân sau” của Mỹ. Theo Matt Ferchen, một học giả thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua về chính sách toàn cầu, có một số tương đồng giữa nhiều việc Trung Quốc sẽ làm tại châu Mỹ Latinh và dự án trên. Tuy nhiên, học giả Rafael Jimeno, một nhà phân tích chính sách thuộc Datum Analytics nói: “Có nhiều quốc gia trong vùng rất mong muốn tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc như là một thách thức đối với ảnh hưởng của Mỹ”.

S.Phương

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps