Thăm "lò" đào tạo Hoa hậu ở Venezuela (Kỳ 2)

07:00 | 06/08/2016

1,421 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Học nghiêm túc đã đành, nhưng có một điều mà các học viên phải tự gò mình vào " khuôn khổ", đó là chuyện ăn uống phải " bóp mồm bóp miệng". Với những người đẹp đang có ước mong trở thành "sao", thì chuyện tăng hay giảm trọng lượng dù chỉ 100 gam cũng là cả một vấn đề.
Thăm "lò" đào tạo Hoa hậu ở Venezuela (Kỳ 1)

Phần II - Nỗi niềm Hoa hậu

Vậy thì ai là người tuyển chọn các cô gái để đưa đi đào tạo từ nhỏ? Xin thưa đó là các hãng thời trang, các hãng mỹ phẩm và các hãng sản xuất chế tạo ô tô. Họ cho người đi tìm ở khắp nơi trên đất nước để tìm những người hoặc đã có nhan sắc, hoặc nhan sắc sẽ rực rỡ sau vài năm nữa... và cho đi đào tạo các khoá ngắn ngày ở tại địa phương. Nếu người đẹp còn đang tuổi thiếu nhi thì sẽ phải học đủ mọi thứ.

Ngoài việc học văn hóa ra, những đứa trẻ phải học ăn, học nói, học đi đứng, học ứng xử, thậm chí học cười, học khóc, nghĩa là những gì thuộc về ứng xử của con người thì đều được học một cách bài bản do những thày cô giáo có kinh nghiệm giảng dạy. Rồi không chỉ học văn hóa cách ứng xử mà học viên còn phải học về lịch sử thế giới, địa lý thế giới và lịch sử dân tộc mình. Tất nhiên, là các cô cũng được đào tạo một cách bài bản về ngoại ngữ. Ông Jose Rafael cho biết nhiều cô đang học ở lớp này có thể nói được 6 thứ tiếng ngoài tiếng Tây Ban Nha thì còn phải nói được tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Ytalia và có khi cả tiếng Trung Quốc nữa.

tham lo dao tao hoa hau o venezuela ky 2

Tại trung tâm hằng năm chỉ mở 1 khóa học từ 2 đến 3 tháng, và cách để các cô tuyển vào đây có hai cách: hoặc là các cô tự tin trước sắc đẹp của mình, trước trình độ kiến thức của mình và nộp đơn đến trung tâm, hoặc là do các hãng mỹ phẩm, các hãng thời trang, hãng ôtô tìm được người đẹp và gửi vào đây để đào tạo. Trong 3 tháng hoặc 2 tháng học ở đây, các cô cũng phải học như những đứa trẻ đó là học đi, học cười, học nói, học cách ứng xử. Việc học cũng không phải là những gì khắc nghiệt lắm bởi vì những người ở đây đều biết rằng chỉ sơ sểnh một chút là họ có thể bị loại ra khỏi cuộc thi cho nên họ học tập rất tự giác.

Học nghiêm túc đã đành, nhưng có một điều mà các học viên phải tự gò mình vào " khuôn khổ", đó là chuyện ăn uống phải " bóp mồm bóp miệng". Với những người đẹp đang có ước mong trở thành " sao", thì chuyện tăng hay giảm trọng lượng dù chỉ 100 gam cũng là cả một vấn đề. Ở ngay hành lang có một chiếc cân, hằng ngày các cô gái phải đứng lên cân và sẽ có một bác sĩ căn cứ vào số cân của họ để điều chỉnh chế độ ăn uống cho đúng . Bác sĩ dinh dưỡng ở Trung tâm chỉ tư vấn cho họ về cách ăn như thế nào, chọn loại thực phẩm gì nhằm vẫn giữ được thể hình hoàn mỹ mà lại có đủ sức khỏe để tham gia các cuộc thi.

Bà Maria Kallay là giám đốc điều hành của trung tâm. Một người phụ nữ đã luống tuổi có khuôn mặt tròn lạ lùng rất hiền hậu. Bà luôn nở nụ tươi rói khi kể với chúng tôi: "Tôi đã đọc không ít bài báo viết về trung tâm của chúng tôi. Có bài lại cho rằng đây như một trường đào tạo mà ở đó có những biện pháp cực kỳ khắc nghiệt nhằm để biến những cô gái xinh như mộng thế kia trở thành những người nói năng đi đứng như robot. Thật ra ở trung tâm chúng tôi, việc đào tạo các cô gái để đưa vào các cuộc thi hoa hậu chủ yếu là chỉ bổ xung cho các cô những gì còn khiếm khuyết, đặc biệt là trong cách ứng xử. Thường những cô gái đã được đưa vào đây là họ đã đạt được những thành tích ở các cuộc thi hoa hậu, cuộc thi người đẹp ở cấp địa phương nên hầu như họ đều có bản lĩnh và tự biết mình phải làm như thế nào. Và họ cũng tự biết mình phải sống ra sao để khi mình trở thành người của công chúng. Bà Maria Kallay cho hay, khi đến đây học không phải trả học phí, không phải đóng tiền ăn và trung tâm lo cho các cô tất cả mọi thứ từ giày, dép, guốc, rồi váy, các loại trang phục khác nhau. Trong suốt thời gian học các cô không phải trả đồng nào cho việc học của mình. Tôi hỏi bà Caray rằng vậy thì kinh phí ỏ đâu cho hoạt động của trung tâm? Bà Caray trả lời: "Kinh phí thì chúng tôi không thiếu, chúng tôi có 3 nguồn: thứ nhất là tổ chức hoa hậu Venezuela tài trợ, thứ 2 là do các hãng mỹ phẩm, thời trang tài trợ và thứ 3 là các tỷ phú hào phóng bỏ tiền vào để nuôi người đẹp. Tuy nhiên chúng tôi cũng không lấy việc đào tạo hoa hậu để kiếm tiền và coi đây như việc kinh doanh bởi chúng tôi nghĩ rằng trung tâm của chúng tôi là một trung tâm văn hoá, mà đã là văn hoá thì không thể biến văn hoá thành vật chất thô thiển."

Buổi trao đổi kinh nghiệm ứng xử của cô Maleay Lisa với các học viên đã kết thúc và được sự đồng ý của Giám đốc trung tâm, cô đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn khá với thời gian không hạn chế.

tham lo dao tao hoa hau o venezuela ky 2

Merei Lisa năm nay đã 21 tuổi cô sống ở ngay thủ đô Caracas. Cô đang là sinh viên của trường đại học Caracas và là sinh viên kiến trúc nhưng đang học đến năm thứ 3 thì cô bỏ dở. Và nguyên nhân để cô bỏ học là vì các bạn cô nói rằng cô là người có sắc đẹp trời cho và đẹp như thế tại sao lại không đi thi hoa hậu? Thế là năm 2007 Merei Lisa xin nghỉ học và tập trung cho việc thi hoa hậu của mình. Tháng 8/2009, trong cuộc thi hoa hậu Venezuela, cô đã dành được vương miện cao nhất và bây giờ cô cũng đang chuẩn bị tập trung cho cuộc thi hoa hậu thế giới vào ngày 23/8 tới đây tại Las Vegas.

Buổi nói chuyện với Merei Lisa thật là thú vị bởi cô có cách nói chuyện hết sức cởi mở, chân tình và không hề có một chút gì biểu hiện tự cao tự đại của người đẹp nổi tiếng. Hình như cô cảm thấy rằng sắc đẹp của cô chỉ là một phần còn cái vẻ đẹp bên trong mới là điều quan trọng cho nên cô luôn dành cho chúng tôi những nụ cười thân thiện, những câu nói nghe mát lòng mát dạ.

Câu đầu tiên, tôi hỏi cô , tiêu chuẩn để trở thành một hoa hậu là gì? Merei Lisa hóm hỉnh : " Tiêu chuẩn đầu tiên phải là một... cô gái, và cao từ một mét bảy mươi trở lên". Nghe câu trả lời của cô, tất cả chúng tôi đều cười ồ lên. Ông Xuân Ba, người vốn nổi tiếng trong việc tìm ra những chi tiết đắt cho các phóng sự của mình thì tấm tắc : " Riêng một câu trả lời có duyên như thế này, cũng xứng đáng là Hoa hậu".

Khi chúng tôi hỏi cô rằng cô có biết gì về Việt Nam không thì Merei Lisa nói cô chỉ biết về Việt Nam là một nước trước đây đánh Mỹ rất giỏi và gần đây nhất năm 2008, cô Dayana Mendoja đã dành được vương miện hoa hậu tại cuộc thi hoa hậu thế giới tại Nha Trang. Merei Lisa cũng đã có người yêu, đó là một anh chàng mà theo cô nói thì khi ở bên cạnh anh, cô cảm thấy mình chẳng là gì cả...? Anh cũng là sinh viên kiến trúc và là người giúp đỡ cô rất nhiều trong việc tự hoàn thiện mình để đi thi hoa hậu.

Tôi có hỏi Merei Lisa việc học hành ở trung tâm thế này cô có thấy vất vả không. Merei Lisa nói để dành được vương miện hoa hậu thì hoàn toàn không đơn giản ,và không nên nghĩ rằng có được sắc đẹp trời cho mà thành hoa hậu, phải học tập rất nhiều, phải đọc sách rất nhiều, đặc biệt là phải nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa các dân tộc trên thế giới. Tôi hỏi Merei Lisa khi đi thi chị sợ nhất điều gì, Merei Lisa nói : Bước vào cuộc thi hoa hậu thì ai cũng bị tâm trạng hồi hộp lo lắng. Đấy là "kẻ thù" lớn nhất của các người đẹp. Sao mà không hồi hộp, lo lắng cho được kia chứ? Khi mà từng khóe mắt nụ cười, từng bước đi, từng câu nói... đều bị hàng tỷ người theo dõi qua màn hình, và nhất là của các thành viên Hội đồng giám khảo. Muốn vượt lên chính mình, thì người thi phải biết chế ngự nỗi lo sợ và sự hồi hộp . Nhưng muốn chế ngự được thì phải tự tin vào kiến thức của mình và tự tin vào cách ứng xử của mình, mà cái đó thì đúng là phải... học. Theo cô thì trong các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp chỉ chiếm 30% của thành công mà cái điều làm cho Hội đồng giám khảo có thiện cảm nhất đó chính là phong cách ứng xử.

Nhưng tất cả những nỗi lo sợ trong khi thi chẳng là cái gì so với những chuyện sẽ đến sau khi giành được ngôi vị Hoa hậu. Ngôi vị càng cao thì càng... lắm chuyện. Điều này cũng giống như người đã bỏ công bỏ sức để leo lên đỉnh núi. Leo được lên đến đỉnh rồi, thì ngay dưới chân là vực thẳm đấy, chỉ sơ sảy một chút là... rơi tự do ngay. Mà khi đã rơi xuống vực thì chắc chắn không còn cơ hội ngoi lên.

tham lo dao tao hoa hau o venezuela ky 2

Cô cũng nói với chúng tôi rằng, sau khi trở thành hoa hậu, cô đã trở thành con người mất tự do bởi lẽ hầu như không có ngày nào lại không có nhiều người gọi điện, gửi thư, nhắn tin bày tỏ lòng hâm mộ yêu quý đối với người đẹp, và tất cả chương trình hoạt động của cô đều đã được lên lịch trước đó hàng tháng và kín mít. Cô phải tham gia các hoạt động xã hội do nhiều cấp tổ chức, rồi cô còn phải tham gia các cuộc trình diễn thời trang, trình diễn mẫu mà các hãng đã bỏ tiền ra để giúp đỡ cô. Nhưng lo sợ khủng khiếp nhất của Hoa hậu chính là tránh được sự xoi mói, bới móc của báo chí. Đi đâu, làm gì, cô cũng nơm nớp lo rằng ở một góc nào đó, có khi cách cô cả hàng trăm mét, đang có vài ống kính máy ảnh rình chộp hành động của cô. Chỉ một cử chỉ, hành động hớ hênh nào đó bị các tay phóng viên săn ảnh chộp được, là y như rằng, ngày hôm sau đã được giăng lên to vật trên mặt báo. Tất nhiên, việc đăng những tấm ảnh, hoặc viết những bài nặng về bới móc đời tư thường chỉ có ở những tờ báo lá cải. Nhưng khổ nỗi, cũng có không ít những tờ lá cải lại có số lượng độc giả nhiều hơn báo tử tế.

Cô không thể quên được lời dạy của thầy giáo Jose Rafael về cách ứng xử với báo chí.

Hiện nay, báo chí đang có một cuộc cạnh tranh thông tin cực kỳ khốc liệt, mà người đẹp, luôn là một đề tài được báo chí giành giật.

Ngay trong lớp học vài ba tháng ở Trung tâm, thời gian giành cho việc học cách ứng xử cũng là nhiều nhất. Mà với người dự thi, có phải điều gì cũng am hiểu, cũng biết hết đâu? Nhiều câu hỏi vượt quá sự hiểu biết của mình. Trả lời thì chẳng biết đúng hay sai, mà không trả lời lại ... càng chết. Cho nên phải có " nghệ thuật" che đậy cái kém của mình. Nghe Merei Lisa nói, tôi bỗng nhớ tới lời dạy của Khổng Tử trong Luận ngữ : "Biết thì nói là biết. Không biết thì nói không biết. Ấy là người biết"

Trong lúc chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau thì bà Maria Kallay đứng ở trên tầng 2 nhìn xuống và bà ra hiệu cho Merei Lisa là không nên trả lời chúng tôi nhiều như vậy. Mặc dù biết bà giám đốc giục giã những Merei Lisa cũng dành cho chúng tôi thêm thời gian để chúng tôi có thể hỏi chuyện thêm. Tôi hỏi Merei, vậy ước mơ của cô sau cuộc thi hoa hậu thế giới vào tháng 8 năm nay là gì. Merei Lisa nói: Sau khi thi hoa hậu thế giới năm nay, dù đạt được hay không đạt được danh hiệu gì thì cô cũng trở lại trường kiến trúc. Ước mơ của cô là được trở thành một kiến trúc sư và cô mong muốn là sẽ dùng kiến thức của mình đã học được ở trong trường để giúp đỡ người nghèo, đó là cải tạo, xây dựng lại những khu nhà ổ chuột đang nằm rải rác trên những quả núi cao xung quanh thủ đô Caracas.

Rời khỏi MISS VENEZUELA, nghĩ đến các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tại Việt Nam không ít cuộc tai tiếng để lại đôi khi đậm đà hơn danh tiếng, tôi thấy thật là cám cảnh. Còn những người đẹp của chúng ta, mỗi khi "đem chuông đi đánh xứ người", vẫn chưa thấy bản lĩnh, sự tự tin, mà xem ra cứ "ngường ngượng, lúng túng" thế nào ấy.

Cũng phải thôi, khi mà các người đẹp không được dạy dỗ, không được bổ sung những kiến thức cần thiết, những bài học về cách ứng xử cho đạt ở tầm văn hóa cao thì có đi thi cũng... phí tiền?

N.N.P

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps