Tham chiến ở Syria thiệt hại cho kinh tế Nga?

07:20 | 31/10/2015

4,262 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Đằng sau những thắng lợi về hình ảnh mà Nga gặt hái được qua việc can thiệp quân sự, tiễu trừ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) ở Syria, là những thiệt hại kinh tế mà Moskva đang phải đối mặt.

Giống như bất kỳ cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông, cuộc chiến ở Syria có hậu quả kinh tế của nó, bởi vì cuộc chiến này đang diễn ra ở khu vực tiếp giáp trực tiếp với các mỏ dầu và khí đốt lớn nhất thế giới.

Mặt khác, khu vực này là nơi có nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt đang nằm trong kế hoạch xây dựng của Nga và một số quốc gia khác.

Do đó, việc Nga can thiệp quân sự vào Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad chắc chắn sẽ gây nên những hậu quả ngắn hạn và dài hạn cho Moskva.

tham chien o syria thiet hai cho kinh te nga
Biếm họa về ván cờ Nga - Mỹ ở Syria

Bản thân Syria vốn không phải là một “người chơi chính” trên thị trường dầu khí toàn cầu. Ngay cả vào thời kỳ thịnh vượng nhất, đầu những năm 2000, sản lượng khai thác dầu của Syria cũng chưa đến 520 nghìn thùng dầu/ngày, chiếm chưa tới 0.6% sản lượng toàn cầu.

Kể từ khi nội chiến nổ ra và Damascus phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo của phương Tây, sản lượng khai thác dầu của Syria bắt đầu sụt giảm nhanh chóng. Đến đầu năm nay, sản lượng khai thác dầu của Syria đã xuống dưới 30.000 thùng/ngày.

Sản lượng khí đốt của Syria cũng chỉ khoảng 5,5 tỉ m3 khí/năm. Hồi năm 2010 - khi chưa xảy ra nội chiến cũng chỉ ở mức 9 tỉ m3 khí/năm. Trong bối cảnh chiến tranh diễn ra ở Syria, bất kể ai thắng ai thua, bất kể tình hình công nghiệp dầu khí ở nước này phát triển thế nào cũng không có tác động nghiêm trọng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trong khi đó, kinh tế Nga có thể gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn khi Moskva can thiệp trực tiếp vào cuộc khủng hoảng Syria, tiến hành chiến dịch tiễu trừ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như các phần tử khủng bố cực đoan ở các phe phái khác.

Việc phát sinh các vấn đề kinh tế và chính trị với Nga do mối bất đồng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút - hai quốc gia đang hỗ trợ phe đối lập hệ phái Sunni ở Syria lật đổ chính quyền Assad là những điều có thể dự báo được.

Bề ngoài, mối quan hệ giữa Nga và Arập Xêút đang khá tốt đẹp. Hồi tháng 7-2015, Arập Xêút đã tuyên bố sẽ đầu tư tới 10 tỉ USD vào các dự án nông nghiệp, thuốc men, hậu cần và các ngành bất động sản và bán lẻ của Nga. Cũng trong mùa hè, hai nước đã ký một thỏa thuận hợp tác điện hạt nhân và đi kèm với đó là thông tin về khả năng sẽ ký một hợp đồng mua bán vũ khí.

Tuy nhiên, một cuộc chiến kinh tế giữa Arập Xêút và Nga cũng đang diễn ra. Trước việc nga và Iran quyết tâm duy trì chế độ của ông Assad tại Syria, Arập Xêút đã trả đũa bằng cách bơm dầu tràn ngập thị trường.

Điều này tác động xấu đến cả Moskva và Tehran vì ngân sách của hai nước này được dự toán căn cứ trên mức giá dầu trong khoảng 80-90USD và 72USD/thùng tương ứng với mỗi nước. Hiện giá dầu chỉ còn 45 USD/thùng.

Một nhà ngoại giao Arập Xêút từng nói về chiến lược kinh tế như sau: “Nếu dầu có thể giúp mang lại hòa bình cho Syria thì tôi không thấy có lý do gì để Arập Xêút không sử dụng quân bài này để đạt được một thỏa thuận với người Nga”.

Tuy nhiên, cho dù đang rất khó khăn vì giá dầu giảm, bên cạnh đó là lệnh trừng phạt của quốc tế liên quan đến vấn đề Ukraina, Nga chưa chắc đã thỏa hiệp với Arập Xêút.

Trong quá khứ, Arập Xêút đã nhiều lần sử dụng quân bài dầu lửa. Chẳng hạn như những năm 1970, Arập Xêút đã sử dụng khối tài sản khổng lồ thu được từ dầu để chống trả những chính phủ và những hoạt động chính trị được Nga hậu thuẫn.

Họ đã chi hơn 10 tỉ USD để yểm trợ cho những nước như Ai Cập, Bắc Yemen, Pakistan và Sudan. Tiền tài trợ của Arập Xêút là nguồn lực quan trọng cho hoạt động và liên minh chống Liên Xô (cũ) và chống Libya ở Angola, Somalia.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ với vị trí địa lý chiến lược của mình, đang bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải giữa châu Âu và châu Á. Ở quốc gia “vừa Á, vừa Âu” này trong những năm tới sẽ có vài công trình đường ống được khởi công xây dựng, nhằm dẫn khí từ Iran, Azerbaijan và Turkmenistan sang châu Âu.

 Ngoài ra, còn có thể có các đường ống dẫn tới Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Syria từ Israel và Qatar. Nhưng nếu dự án đường ống của Israel đi qua Thổ Nhĩ Kỳ thì đường ống dẫn từ Qatar chắc chắn phải đi qua Syria.

Rõ ràng là một khi nội chiến ở Syria còn tiếp tục thì công trình đường ống chạy qua lãnh thổ nước này không thể thực hiện được. Về lý thuyết thì tình trạng này có thể có lợi cho Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga.

Tuy nhiên, Moskva lại đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng trong việc tiếp cận thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và gặp các vấn đề lớn trong quan hệ với các đối tác ở Ankara, sau khi Gazprom, chủ dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ gần đây thông báo dự án dẫn khí đốt từ Nga tới trung tâm châu Âu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp mà không cần qua Ukraina này có thể bị trì hoãn, thậm chí là hủy bỏ.

Do đó, sự can thiệp của Nga vào cuộc nội chiến ở Syria về lâu dài có thể khiến Moskva thiệt hại đáng kể về kinh tế, dù rằng những thiệt hại này có thể bù đắp được theo cách này, hay cách khác, bằng vị thế xứng đáng mà Moskva sẽ đạt được trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông trong thời gian tới.

 

Linh Phương

Năng lượng Mới 470

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc