Thách thức nhiệt điện than

07:00 | 17/12/2015

1,184 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 60 năm của ngành điện, nhiệt điện than luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong bài toán đảm bảo nguồn cung điện phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia, việc phát triển nhiệt điện than luôn phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề nguồn cung nguyên liệu và bài toán môi trường. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu... cần sớm có lời giải đáp.

Nhận diện nút thắt

Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ tính riêng nhiệt điện than, hiện cả nước có 19 nhà máy đang vận hành với công suất 14.300MW; 12 nhà máy đang xây dựng với công suất 11.700MW và 12 nhà máy đã, đang phê duyệt dự án đầu tư với công suất 12.900MW). Và tính đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 43 nhà máy với tổng công suất đặt khoảng 39.000MW, chiếm trên 48% cơ cấu nguồn điện. Đáng chú ý, trong 43 nhà máy này sẽ có 15 nhà máy sử dụng than nhập khẩu và 28 nhà máy sử dụng than trong nước, mỗi năm tiêu thụ khoảng 110 triệu tấn than.

Trong khi đó, theo Quy hoạch ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, sản lượng than thương phẩm của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chỉ là 60-65 triệu tấn. Như vậy, chỉ tính riêng lượng than phải nhập khẩu cho phát điện đã lên tới 45-50 triệu tấn/năm.

thach thuc nhiet dien than
Một góc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1

Mặc dù nhu cầu than nhập khẩu cho nhiệt điện than lớn như vậy nhưng theo GS Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Điện lực, trong khi nhiều nước có nguồn nhiệt điện than đều có cam kết, hợp đồng dài hạn với các quốc gia có nguồn than lớn thì Việt Nam lại chưa có, nghĩa là các nhà máy vẫn phải tự lo nguồn nhiên liệu cho mình. Còn đối với nguồn than trong nước thì cũng bị hạn chế bởi vì trữ lượng không tập trung, chi phí khai thác ngày càng cao. Ngoài ra, các trung tâm nhiệt điện lớn đều nằm ở miền Trung và miền Nam khiến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kho bãi, vận chuyển gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giá thành sản xuất điện cao và có thể là “gánh nặng” trong tương lai.

Không chỉ đối diện với thách thức về nguồn cung nguyên liệu, việc phát triển nhiệt điện than còn phải đối diện với vấn đề môi trường. Và theo một báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay tổng lượng tro, xỉ do các nhà máy nhiệt điện thải ra khoảng 15 triệu tấn/năm và đến năm 2020 con số này là 30 triệu tấn/năm. Số chất thải này chủ yếu được chôn lấp tại bãi thải xỉ của các nhà máy với diện tích đất quy hoạch cho các bãi thải xỉ đã lên tới gần 2.000ha nhưng nhiều nhất cũng chỉ được 3-5 năm. Một số rất ít tro xỉ được sử dụng để sản xuất vật liệu không nung như gạch, vữa, phụ gia cho xi măng, bê tông đầm lăn ở các thủy điện... nhưng cũng chỉ đạt khoảng 5% tổng lượng tro xỉ thải ra.

Về vấn đề này, GS Long đưa quan điểm: Trong số các nguồn phát thì nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường nặng nhất. Vấn đề này không chỉ riêng ở Việt Nam mà ở cả các nước phát triển trên thế giới. Ngoài lượng tro xỉ kèm các chất độc hại có trong nó, các nhà máy còn thải ra bầu khí quyển một lượng khí SOx lớn. Nếu không được xử lý triệt để sẽ gây nhiều hệ lụy cho môi trường, xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Ngoài những khó khăn, thách thức trên, dưới góc độ kinh tế, GS Long còn chỉ ra rằng, việc phát triển nhiệt điện than còn phải đối diện với không ít rủi ro và áp lực về giá. Ông phân tích: Hiện nay chúng ta đang có quá nhiều dự án BOT nhiệt điện than do các nhà đầu tư kiểm soát cũng làm nhiều người lo lắng. Bởi theo các quy định hiện hành về đầu tư các dự án BOT, các nhà đầu tư nước ngoài được quyền khai thác vận hành 25 năm kể từ khi hoàn thành nhà máy mới chuyển giao cho phía Việt Nam. Thử hỏi chúng ta sẽ được hưởng lợi gì sau khi tiếp quản nếu không tốn kém chi phí cho việc bảo dưỡng, thay thế, nâng cấp. Mặt khác, với một tỷ trọng lớn các nhà máy nhiệt điện than BOT dù có tham gia thị trường điện cạnh tranh nhưng nếu chúng ta không có nguồn dự phòng thì ngành năng lượng sẽ chịu sự rủi ro từ việc khó kiểm soát nhà đầu tư nước ngoài với nhiều lý do khác nhau.

Bên cạnh đó, mỗi nhà máy nhiệt điện than đều tính toán lựa chọn cho mình một công nghệ phù hợp trước khi đầu tư. Trên thực thế, với sự phát triển công nghệ như hiện nay có thể xử lý tương đối triệt để các chất độc hại thải ra từ các nhà máy, giảm thiểu tối đa gây ô nhiễm ra môi trường nhưng việc đầu tư lại quá tốn kém. Tính toán của các nhà khoa học cho thấy, một nhà máy nhiệt điện đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại khép kín có thể làm tăng chi phí đầu tư khoảng 40-60% so với thông thường. Điều này làm tăng giá thành sản xuất và giá bán điện trên thị trường.

Một vấn đề khác được đặt ra, đã có một số doanh nghiệp tư nhân đầu tư dây chuyền công nghệ xử lý tro xỉ than với vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng để sản xuất vật liệu xây dựng không nung với hy vọng đây là lối thoát cho vấn đề môi trường, đồng thời mở ra hướng đi mới cho thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Thế nhưng, các doanh nghiệp này vẫn đang loay hoay cả đầu vào lẫn đầu ra vì thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước. Vì vậy sản phẩm không thể cạnh tranh được do chi phí sản xuất quá cao. Đơn cử như Công ty Cổ phần Sông Đà - Cao Cường đã đầu tư gần 300 tỉ đồng hệ thống khép kín, có thể xử lý cho toàn bộ tro xỉ than của nhiệt điện Phả Lại, sản xuất nhiều loại vật liệu xây dựng nhưng vẫn đang phải mua tro xỉ với giá khoảng 90.000 đồng/tấn.

Đâu là lời giải?

Năng lượng và vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng luôn được xác định là nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững của mọi quốc gia và cùng lãnh thổ. Vì vậy, đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có năng lượng điện đã được Đảng, Chính phủ đề ra là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, theo Quy hoạch Điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì sau thủy điện Lai Châu, các nguồn thủy điện của Việt Nam đã cơ bản được khai thác hết. Còn với các nguồn năng lượng tái tạo, mặc dù được khuyến khích đầu tư nhưng do chưa có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước nên phát triển rất khó khăn. Nguồn điện chạy khí, dầu không ổn định, giá thành có. Chính vì vậy, phát triển nhiệt điện than để đáp ứng như cầu năng lượng cho nền kinh tế là hết sức cần thiết.

Các chuyên gia cho rằng, đã tới lúc cần xem xét, đánh giá nghiêm túc về chiến lược tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, trong đó có đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII. Theo đó cần sớm đưa ra chiến lược phát triển nguồn nhiệt điện than trên cơ sở rà soát đánh giá về lợi ích, tác động của nó đối với nền kinh tế xã hội. Đặc biệt cần tính toán đến yếu tố cân đối nguồn theo từng vùng miền, phân bổ hợp lý các dự án BOT; Xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển nhà máy nhiệt điện than hiệu suất cao, sử dụng công nghệ siêu tới hạn, trên tới hạn; công nghệ khí hóa, xử lý nhiên liệu; đẩy mạnh nội địa hóa các thiết bị nhà máy nhiệt điện than...

Về vấn đề nguyên liệu, GS Long cho rằng, dựa trên nhu cầu phát triển nhiện điện than cần tính đến phương án đảm bảo nguồn than cho các nhà máy hoạt động lâu dài với một cam kết (hợp đồng) quy mô cấp quốc gia giữa Việt Nam và các nước có nguồn than như Indonesia, Australia, Nga... Đồng thời khuyến khích sử dụng các loại than phù hợp trong nước. Sở dĩ cần thực hiện điều này bởi nó liên quan đến cơ chế chính sách đầu tư, hợp tác kinh doanh, quy hoạch, hạ tầng, giao thông, thuế xuất nhập khẩu, tài chính, giá điện và nhiều vấn đề khác...

Với riêng vấn đề tro, xỉ, đây không phải là vấn đề mới mà đã được Chính phủ đặt ra từ nhiều năm trước. Điều này thể hiện rõ ở các Quyết định 798/QĐ-TTg ngày 25-5-2011 phê duyệt chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung và gần đây là Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Đề cập tới câu chuyện này, ông Kiều Văn Mát - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà - Cao Cường cũng như đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung đều khẳng định đó là hướng đi đúng mang tầm chiến lược. Nếu sớm triển khai quyết liệt sẽ làm lợi cho Nhà nước được nhiều ngàn tỉ đồng trong mỗi năm. Và quan trọng hơn là việc giảm thiểu được việc ô nhiễm môi trường sẽ tiết kiệm được hàng trăm hécta đất để làm hồ, bãi chứa.

Theo ông Mát, với một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW như Phả Lại, chỉ cần khoảng 3 ha mặt bằng và đầu tư khoảng 70 tỉ đồng cho dây chuyền công nghệ khép kín là có thể xử lý cơ bản lượng tro, xỉ thải ra.

Còn theo ông Phạm Văn Thư - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, các cơ quan chức năng cần có sớm xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi và có hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp thực hiện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung. Có như vậy vấn đề tro xỉ mới không còn là mối lo.

Được biết, trong cuộc họp xử lý tro xỉ than của các nhà máy nhiệt điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng đã giao Tổng cục Năng lượng nghiên cứu Quyết định 1696 của Chính phủ để xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt, trong đó tập trung vào các ưu đãi về vay vốn, thuế đất đai, thuế nhập khẩu công nghệ, thị trường… và đề nghị Bộ Xây dựng sớm bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan để thực hiện sao cho đồng bộ.

Doanh nghiệp không cần tiền của Chính phủ mà chỉ cần cơ chế hỗ trợ, chính sách ưu đãi về thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất... để tập trung nghiên cứu, xử lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng. (Ông Kiều Văn Mát - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà - Cao Cường)

Thanh Ngọc - Nguyễn Sơn

Năng lượng Mới 483

  • el-2024