Tây Âu đối mặt với khủng bố

07:08 | 05/05/2016

497 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong vòng  hơn 4 tháng, tổ chức khủng bố IS đã tiến hành 4 vụ đánh bom táo tợn ở thủ đô hai nước Pháp và Bỉ. Làm chết và bị thương hàng trăm người.

Tuy là ở hai nước Tây Âu nhưng thực ra đây là trung tâm của châu Âu và Brussels được coi là thủ đô của châu Âu, nơi các trụ sở chính của Liên minh châu Âu (EU) đóng đô, nơi các cuộc họp bàn về công việc và điều hành mọi hoạt động của châu Âu diễn ra hằng ngày.

Đó là chưa kể tới trụ sở khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) chiếm một khu vực rộng lớn bên phải con đường lớn gần sân bay Zaventem, với bộ chỉ huy quân sự đặt ngầm dưới mấy tầng nhà mà 4 năm làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam, tôi vẫn thường đến dự các cuộc họp báo.

tay au doi mat voi khung bo

Xét về mặt địa lý, Bỉ được coi là trung tâm của châu Âu. Brussels là thành phố cổ có lịch sử nghìn năm, cách các thành phố chủ yếu của Tây Âu chừng 200-300 cây số. Do có vị trí địa lý ưu việt, giao thông và thông tin phát triển nên thành phố này trở thành điểm hội tụ của văn hóa và kinh tế Tây Âu. Brussels cũng là cảng hàng không quốc tế quan trọng, nằm trên tuyến chính nối liền với Paris và London của đường sắt cao tốc Eurostar (Ngôi sao châu Âu).

Trước đó, đầu năm 2015 bọn IS còn mở cuộc khủng bố dã man vào trụ sở tờ báo Charlie Hebdo tại Paris. Đến bây giờ người ta đã có kết luận chắc chắn rằng, những kẻ khủng bố đó đều xuất phát từ quận Molenbeek, một khu phố nghèo của thủ đô Brussels, vương quốc Bỉ. Quận Molenbeek có chừng 100.000 dân thì hơn một nửa là người nhập cư từ các nước châu Phi và Arập. Họ là những người tị nạn gồm hai, ba thế hệ sống chen chúc trong các căn nhà nhỏ, sơ sài, thiếu tiện nghi. Nhiều người trong số này là thanh niên thất nghiệp vì trình độ văn hóa và chuyên môn thấp.

Những thanh niên châu Phi và Arập này là nguồn nhân lực cho tổ chức IS thu nạp đưa sang khu vực đông bắc Syria giáp ranh giới Iraq để huấn luyện thành những thành viên của tổ chức khủng bố IS. Đa số bọn chúng ở lại vùng kiểm soát của IS ở Trung Đông để làm lính chiến, một bộ phận nhỏ dăm bảy trăm tên trở về Tây Âu, mà chủ yếu là về vương quốc Bỉ, Đức, Hà Lan… để chuẩn bị cho những cuộc tấn công khủng bố vào những nơi nhạy cảm nhất của châu Âu như Paris, London, Brussels, Madrid, Roma, Vienna, Genève, La Haye… Một bộ phận nữa của IS bí mật trở về các nước Bắc Phi như Ai Cập, Libya, Tunisia, Maroc, Yemen… để hoạt động khủng bố tại các nước này.

Trở lại vấn đề khủng bố ở châu Âu, vì sao bọn khủng bố IS lại chọn Brussels làm nơi cư trú và là nơi chế tạo những loại bom mìn để tiến hành các cuộc khủng bố ở châu Âu? Như trên đã trình bày, Bỉ là nước có số người tị nạn Bắc Phi và Arập lớn nhất châu Âu, tính theo tỷ lệ dân số. Khu Molenbeek có tới 22 nhà thờ Hồi giáo, nơi thứ Sáu hằng tuần, hàng vạn người Hồi giáo tới cầu kinh, gặp gỡ trao đổi về mọi chuyện trong cuộc sống di cư tị nạn. Đám thanh niên vô công rồi nghề cũng tụ tập tại các nhà thờ Hồi giáo này để lập ra những tổ chức bí mật của riêng họ.

Người ta nói với tôi rằng, khoảng hơn 400 thanh niên Bỉ ở khu Molenbeek đã đi theo IS. Bỉ từ lâu đã là một trung tâm của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, do những khía cạnh nhất định trong cấu trúc nhà nước và mối quan hệ với châu Âu khiến chính phủ Bỉ gặp nhiều khó khăn trong việc chống lại nguy cơ này.

Ở vương quốc Bỉ, người ta có thể dễ dàng mua được các loại súng đạn, thuốc nổ và những hóa chất cần thiết cho việc tự chế ra bom mìn tại chợ đen. Và trong thực tế, bọn khủng bố đã chế ra những vũ khí, những bom mìn tự tạo đó gây ra 4 vụ khủng bố đẫm máu ở Paris và Brussels trong hơn 4 tháng qua. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 13-11-2015 ở Paris, do các phần tử khủng bố mang quốc tịch Bỉ hoặc đang cư trú tại Bỉ tiến hành, lực lượng an ninh Bỉ đã tăng cường các nỗ lực chống khủng bố bằng cách tiến hành những cuộc đột kích vào các khu nhà bị tình nghi tại khu Molenbeek.

Bộ trưởng Nội vụ Bỉ J.Jambon nói: “Có một mức độ tập trung rất cao tại Molenbeek và điều này rất có thể là bản chất của câu chuyện. Hơn nữa, chính quyền địa phương từ nhiều năm nay đã khá lỏng lẻo trong việc theo dõi bọn khủng bố”.

Thủ tướng Bỉ nói: “Nếu bạn nói chuyện với bất kỳ quan chức chống khủng bố hay tình báo nào của Bỉ, không ai là không ngạc nhiên trước cuộc tấn công vừa qua. Bạn có thể quay trở lại năm 2014 để nghe các nhà chức trách Bỉ nói rằng, khủng bố sắp xảy ra. Họ đã tiến hành một loạt vụ đột kích chống khủng bố vì họ biết, các phần tử khủng bố đã được nhận diện đang hoạt động trên lãnh thổ của họ…”.

Một số nhà phân tích đổ lỗi cho năng lực bị dàn trải quá mức của lực lượng chống khủng bố của Bỉ vì đã không phát hiện và phá vỡ âm mưu tấn công ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái, cho dù nhiều tên khủng bố đã có liên hệ với tổ chức của chúng và bản thân chúng có những vi pham pháp luật Bỉ trước tháng 11-2015. Các cơ quan an ninh của Bỉ dường như bị quá tải, mặc dù họ có nhiều sĩ quan có phẩm chất. Người ta cũng nói rằng, chỉ có vài trăm nhân viên đặc vụ theo dõi hàng nghìn phần tử hiếu chiến tiềm tàng ở Bỉ.

Vượt ra ngoài biên giới Bỉ là sự thất bại trong việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các chính phủ châu Âu, sự nhiễu thông tin tình báo rất lớn liên quan tới các âm mưu khủng bố có thể xảy ra, khiến cho việc giám sát trở nên rất khó khăn. Nước Bỉ là một tác phẩm nhân tạo mong manh sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bỉ bị chia rẽ giữa hai cộng đồng dân cư nói tiếng Pháp và tiếng  Flamant (tiếng Hà Lan). Chính phủ Bỉ là một chính quyền liên bang yếu ớt và sự ngờ vực giữa các cơ quan thực thi pháp luật khác nhau được coi là đã cản trở các hoạt động liên lạc, điều tra và bắt giữ các nghi can khủng bố.

Một nguyên nhân nữa là không có sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan cảnh sát tại các nước châu Âu khác nhau. Hệ thống hành chính của chính quyền Bỉ vận hành chậm chạp, không nhiều kinh nghiệm ứng phó với nguy cơ an ninh kiểu này cùng với việc không mạnh tay đối với các thế lực cực đoan trong nước, các chính sách truy quét không đủ mạnh cũng là những nguyên nhân quan trọng sản sinh ra các thế lực khủng bố.

Một quan chức của cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cho rằng, châu Âu đang đối mặt với nhiều cuộc tấn công hơn, IS đã hình thành khả năng mạnh mẽ để phát động các cuộc tấn công khủng bố và có ý đồ tiến hành nhiều cuộc khủng bố hơn nữa ở châu Âu và có thể tiến hành cùng một lúc ở nhiều địa điểm khác nhau.

Hai vụ tấn công khủng bố ở Brussels đã đặt ra cho châu Âu sự lựa chọn không thể né tránh. Đó là hoặc tiêu cực hơn trong các hành động an ninh quốc tế, do đó khiến các cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn hoặc cải cách và thay đổi các chính sách an ninh đối nội, đối ngoại chung sức nhau lại tăng cường các biện pháp chống khủng bố, chú ý tới những thay đổi trong bầu không khí xã hội, cảnh giác với sự nổi lên của trào lưu cánh hữu bài ngoại, để áp dụng sách lược chống khủng bố tích cực hơn.

Tóm lại là, chống khủng bố cần có trí tuệ và dũng khí, do quan niệm cơ bản đa văn hóa và sắc tộc, châu Âu sẽ không thực hiện chính sách an ninh đóng cửa. Đúng như phát biểu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker: “Châu Âu cũng như toàn thế giới phải cùng nhau hợp tác tấn công IS và các tổ chức khủng bố, chúng ta phải gạt bất đồng sang một bên, tập trung sự chú ý vào vấn đề này, nếu chúng ta không giải quyết được nó thì nó sẽ đẩy chúng ta xuống vực thẳm”.

Nguyễn Kim

Năng lượng Mới 517

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc