Tàu phá băng Nga khai phá tài nguyên Bắc cực

15:44 | 11/12/2017

607 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - So với các quốc gia tiếp giáp vùng Bắc cực, Nga có đường bờ biển dài nhất ở Bắc Băng Dương. Bắc cực chứa những nguồn tài nguyên vô tận, nhưng do sự đối đầu giữa các quốc gia muốn sở hữu tài nguyên nơi đây đang gia tăng, xung đột lợi ích kinh tế là điều có thể xảy ra…
tau pha bang nga khai pha tai nguyen bac cuc
Tàu phá băng quân sự Ilya Muromets

Để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình, đồng thời để bảo đảm an ninh quốc phòng, vào đầu tháng 12, Nga đã hạ thủy tàu phá băng quân sự đa chức năng Ilya Muromets với mục đích tăng cường kiểm soát vùng lãnh hải của mình ở Bắc Băng Dương.

Buổi lễ ra mắt chiếc tàu phá băng mới nhất của Nga được tổ chức long trọng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở St. Petersburg. Tàu Ilya Muromets, không có đối thủ trên thế giới, được đóng cho nhu cầu của Hải quân Nga.

Trên boong tàu Ilya Muromets có bố trí tên lửa chống hạm Calibre và trong khoang tàu có chứa tổ hợp tên lửa Club-K với hai cần cẩu thao tác trượt để nhanh chóng đưa tên lửa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống radar quân sự và hệ thống định vị toàn cầu hiện đại nhất. Như vậy, mặc dù thực hiện chức năng chính yếu là phá băng cho tàu bè (kể cả tàu quân sự lẫn dân sự) có thể đi lại dễ dàng trên biển băng, nhưng khi cần, Ilya Muromets cũng có thể biến thành một tàu chiến đáng gờm theo đúng nghĩa. Tàu Ilya Muromets sẽ cải thiện đáng kể khả năng phòng thủ lãnh hải Nga và bảo vệ khu vực lợi ích kinh tế trực tiếp của đất nước.

Tàu cũng có một cấu hình hoàn toàn khác biệt ở mặt trước của thượng tầng. Các chuyên gia giải thích rằng một giải pháp thiết kế như vậy có thể giúp trang bị cho Ilya Muromets loại súng AK-306 (cỡ nòng 30 mm). Tàu có tầm hoạt động lớn, có thể vượt 12.000 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu và với hai động cơ công suất 3.000 kW mỗi động cơ (cấu hình mới nhất trong lĩnh vực đóng tàu), tàu có vận tốc tối đa 15 hải lý/giờ.

Tàu Ilya Muromets có thể tiến hành các hoạt động cứu hộ, dẫn các đoàn tàu di chuyển dọc tuyến đường biển Bắc, và cung ứng hậu cần cho các căn cứ quân sự ở Bắc cực của quân đội. Nga đang dự định xây dựng thêm 12 căn cứ như thế; hiện nay đã có bảy căn cứ đã được đưa vào hoạt động, giống như các thị trấn nhỏ phục vụ những chu kỳ cư trú khép kín. Hơn nữa, mỗi căn cứ có thể hoạt động mà không cần có giao tiếp với thế giới bên ngoài trong một năm rưỡi.

Nga, Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch, các nước có biên giới Bắc cực, đã thành lập một tổ chức gọi là Câu lạc bộ Bắc cực. Ngoài Nga, không một thành viên nào của tổ chức này có tàu phá băng đạt đẳng cấp tàu Ilya Muromets. Tổng cộng, Nga có đến 61 tàu phá băng thuộc lớp Bắc cực.

Bắc cực có thể trở thành "ao nhà" cho các quốc gia ở những khu vực tiếp giáp. Trữ lượng dầu, khí tự nhiên và các kim loại đất hiếm… ở Bắc cực gần như là vô tận. Rất nhiều quốc gia thèm muốn nguồn tài nguyên to lớn này ngay cả một số nước về mặt địa lý không liên quan gì đến vùng băng đá vĩnh cửu. Để tránh khả năng tranh chấp quyền lợi kinh tế có thể dẫn đến xung đột chính trị, thậm chí xung đột vũ trang, Nga đã trang bị tàu phá băng Ilya Muromets cho hải quân nước mình như một cách khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng Bắc cực và cũng nhằm đối phó với những tình huống bất lợi có thể xảy ra.

Các thông số kỹ thuật của tàu phá băng Ilya Muromets:

Chiều dài 85 m; rộng 20 m; lượng rẽ nước 6.000 tấn; chiều cao boong 9,2 m; mớn nước 6,8 m; thời gian hoạt động không cần tiếp liệu 60 ngày; tầm bơi tối đa ở chế độ làm việc 9.000 hải lý (ở chế độ không thực hiện nhiệm vụ phá băng là 12.000 hải lý); hai động cơ điện-diezel 3.500 kW; độ dày lớp băng có thể phá là 1,5 m; thủy thủ đoàn 35 người

Bá Thủy

RT

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc