Tàu bệnh viện USNS Mercy của Hải quân Mỹ

06:50 | 23/05/2018

534 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tàu bệnh viện USNS Mercy của Hải quân Mỹ đã đến Nha Trang chiều 17-5 bắt đầu Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2018. Trong thời gian lưu lại Việt Nam đến ngày 2-6, USNS Mercy sẽ phối hợp thực hiện nhiều hoạt động y tế nhân đạo và đào tạo ứng phó với thảm họa thiên tai.

Tàu USNS Mercy (T-AH-19) là con tàu đầu tiên trong lớp tàu bệnh viện Mercy của Hải quân Mỹ. Con tàu "chị em" với nó là USNS Comfort (T-AH-20). Theo quy định của Công ước Genève, USNS Mercy và thủy thủ đoàn không được mang theo bất kỳ thứ vũ khí tấn công nào, ngoài vũ khí phòng vệ. Hành động tấn công Mercy được xem như tội ác chiến tranh.

Mercy được dựng lên từ một tàu chở dầu cũ, SS Worth, bởi Công ty Đóng tàu và Thép Quốc gia Mỹ, tại San Diego, năm 1976. USNS Mercy hạ thủy vào ngày 20-7-1985 và được làm lễ vận hành vào ngày 8-11-1986.

Nhiệm vụ chính của Mercy là cung cấp các dịch vụ phẫu thuật và y tế di động sắc bén, linh hoạt và nhanh chóng để hỗ trợ thủy quân lục chiến, các lực lượng đặc nhiệm mặt đất, trên không, các đơn vị không quân và lục quân triển khai trên bờ, các lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường biển và các lực lượng chiến đấu trên mặt nước. Nhiệm vụ thứ hai là cung cấp dịch vụ bệnh viện phẫu thuật di động sử dụng một cách phù hợp bởi các cơ quan Chính phủ Mỹ trong trường hợp thiên tai, cứu trợ nhân đạo hoặc nhằm hạn chế sự cố chăm sóc nhân đạo cho những nhiệm vụ hoặc hoạt động quân sự trong thời bình.

tau benh vien usns mercy cua hai quan my

Tàu bệnh viện USNS Mercy của Hải quân Mỹ trong một lần ghé Việt Nam

USNS Mercy có cảng "quê nhà" tại San Diego, thường ở trong trạng thái hoạt động cắt giảm. Thủy thủ đoàn của tàu, duy trì một phần là nhân viên của Trung tâm Y tế Hải quân San Diego cho đến khi được lệnh ra biển, khi đó họ có 5 ngày để kích hoạt đầy đủ con tàu thành một cơ sở điều trị y tế NATO Role III, cấp cao nhất chỉ ở trên bờ dựa vào các cơ sở cố định bên ngoài phòng mổ. Giống như hầu hết các tàu USNS, những thủy thủ đến từ Bộ Chỉ huy Vận tải Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm cho việc định vị, di chuyển và hầu hết các nhiệm vụ trên boong. Tuy nhiên, "Cơ sở điều trị y tế", hay là bệnh viện trên tàu, được chỉ huy bởi đội trưởng của Quân đoàn Y tế Hải quân hay Quân đoàn Y tá Hải quân Mỹ.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, USNS Mercy đã thực hiện nhiều nhiệm vụ đào tạo và cứu trợ nhân đạo chẳng hạn như nhiệm vụ huấn luyện tại Philippines. Vào ngày 27-2-1987, Mercy bắt đầu quá trình đào tạo trong chuyến đi trên một hành trình nhân đạo đến Philippines và Nam Thái Bình Dương. Hơn 62.000 bệnh nhân ngoại trú và gần 1.000 bệnh nhân nội trú đã được điều trị tại 7 cảng ở Philippines và Nam Thái Bình Dương.

Tháng 1-2005, USNS Mercy đã rời San Diego để đi đến những khu vực bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần năm 2004 ở Đông Nam Á. Mercy đã cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế cho nạn nhân của thiên tai như là một phần của chiến dịch cứu trợ thống nhất và những dịch vụ chăm sóc kỹ lưỡng hơn như một phần của chương trình Theater Security Cooperation 2005. Tổng cộng, Mercy đã cung cấp 108.000 dịch vụ bệnh nhân, thực hiện bởi các thành viên của Bộ Quốc phòng, Project Hope (một cơ quan đa dịch vụ) và Dịch vụ Y tế Công cộng Mỹ.

Trong những năm gần đây, USNS Mercy chủ yếu tham giao vào Chương trình đối tác Thái Bình Dương (Pacific Partnership, gọi tắt PP). Khởi sự sau trận sóng thần gây nhiều chết chóc đã xảy ra vào năm 2004, tác động nặng nề tới các nước ven Thái Bình Dương, PP gồm các dự án hành động dân sự, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các hội thảo y tế và các khóa đào tạo để đối phó với thảm họa thiên tai.

Năm 2006, USNS Mercy rời San Diego như một sự khai màn của PP bằng việc thăm một số cảng ở Thái Bình Dương bao gồm Philippines, Indonesia và Banda Aceh. Nhiệm vụ chính của Mercy là cung cấp dịch vụ hỗ trợ nhân đạo cho những quốc gia này và nhân viên của nó đến từ một số tổ chức phi chính phủ, các bác sĩ từ các dịch vụ vũ trang của một vài quốc gia, cũng như những nhà cung cấp lực lượng dự bị và tại ngũ từ nhiều chi nhánh của quân đội Mỹ.

Số lượng bệnh nhân mà USNS Mercy điều trị trong những lần tham gia PP đến nay lên tới gần nửa triệu người. Năm 2008, USNS Mercy thực hiện chuyến đi cứu trợ nhân đạo trong vòng 4 tháng tại Đông Nam Á và châu Đại Dương. Trong quá trình triển khai, Mercy đã chữa trị cho 91.000 bệnh nhân, bao gồm việc thực hiện 1.369 ca phẫu thuật.

tau benh vien usns mercy cua hai quan my

Một phòng điều trị bệnh nhân trên tàu USNS Mercy

Năm 2010, Mercy tiếp nối theo định kỳ của nhiệm vụ nhân đạo ở Đông Nam Á và châu Đại Dương. Trong lần triển khai này Mercy đã viếng thăm Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Đông Timor; điều trị cho 109.754 bệnh nhân và thực hiện 1.580 ca phẫu thuật. Năm 2012, Mercy rời San Diego một lần nữa để tham gia đối tác Thái Bình Dương 2012. Con tàu đã ghé qua Indonesia, Philippines, Việt Nam và Campuchia; mang theo các nhân viên không chỉ của Bộ Quốc phòng mà còn bao gồm các thành viên đến từ 13 quốc gia đối tác và 28 tổ chức phi chính phủ.

10 năm sau nỗ lực cứu trợ cho các nạn nhân của trận động đất và sóng thần Ấn Độ Dương, Mercy một lần nữa tham gia PP 2015. Tập trung vào trao đổi các vấn đề chuyên môn và cam kết sức khỏe cộng đồng, PP 2015 dường như là sự tiếp nối nhiệm vụ giúp đỡ các quốc gia trong khu vực. Các quốc gia đón tiếp Mercy bao gồm Fiji, Papua New Guinea, Philippines và Việt Nam.

Vào chiều 17-5-2018, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, Chương trình đối tác Thái Bình Dương 2018 đã bắt đầu tại tỉnh Khánh Hòa. Ngoài USNS Mercy, chương trình còn có sự tham gia của tàu hậu cần USNS Brunswick của Hải quân Mỹ, tàu vận tải IDS OSUMI của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết, tham dự PP 2018, ngoài Mỹ và Nhật Bản còn có các nước Anh, Canada, Pháp, Australia, Sri Lanka và Peru cùng một số tổ chức trong nước, khu vực và quốc tế, bao gồm Cơ quan Hỗ trợ phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Project Hope… Chương trình PP được tổ chức 9/13 lần ở Việt Nam và là lần thứ hai liên tiếp tổ chức ở tỉnh Khánh Hòa.

Chuẩn đô đốc Don Gabrielson, Chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ hậu cần của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, nói: “Hợp tác đa quốc gia là điều hết sức cần thiết khi đối phó với những thảm họa không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới một nước. Những thách thức mà chúng ta phải đối phó là các thảm họa dù do thiên nhiên hay con người gây ra, không tôn trọng biên giới hay chủ quyền quốc gia”.

Ngoài sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia Thái Bình Dương, Mercy cũng 2 lần thực hiện nhiệm vụ chính của nó. Vào ngày 9-8-1990, Mercy được kích hoạt để hỗ trợ Chiến dịch Lá chắn sa mạc tại vùng Vịnh Trung Đông. Trong vòng 6 tháng, Mercy đã cung cấp sự hỗ trợ cho các lực lượng đồng minh đa quốc gia. Tàu đã tiếp nhận 690 bệnh nhân và thực hiện gần 300 ca phẫu thuật. Mercy đã về tới Oakland vào ngày 23-4-1991.

Đến năm 2014, Mercy tham gia trong cuộc tập trận vành đai Thái Bình Dương 2014 (RIMPAC 2014), một cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn bao gồm các tàu và thành viên đến từ 23 quốc gia. Ngoài việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và phẫu thuật sắc bén trên mặt nước cho các binh lính, nhân viên bị thương trong cuộc tập trận, Mercy còn tham gia vào trao đổi các vấn đề chuyên môn đa phương với các chuyên gia y tế quân sự của các quốc gia khác. Tham gia cùng Mercy còn có Peace Ark, con tàu bệnh viện của Trung Quốc.

Tàu Mercy là tàu bệnh viện hiện đại với 1.000 giường bệnh, 12 phòng mổ với trang thiết bị như bệnh viện ở đất liền nên các bác sĩ dễ dàng thao tác. Mercy còn có đầy đủ các phòng ban như nơi tiếp nhận bệnh nhân, dịch vụ chiếu chụp tia X, phòng thí nghiệm, trung tâm tiếp nhận vô trùng, cung cấp dược phẩm, y tế, vật lý trị liệu và điều trị bỏng, đơn vị chăm sóc đặc biệt, dịch vụ nha khoa, phòng thí nghiệm thấu kính, đo thị lực, nhà xác, chỗ giặt ủi, 2 nhà máy sản xuất oxy.

Duy Hưng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc