Tắt đèn không chỉ một giờ

09:31 | 21/03/2016

663 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giờ Trái Đất (Earth Hour) là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) khuyến cáo các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 8h30 đến 9h30 tối (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hằng năm.

Bắt đầu từ năm 2007 ở Sydney (Úc), số người tham gia chỉ có 2 triệu người. Nhờ hành động ý nghĩa, thiết thực và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, số người và quốc gia tham gia tắt đèn được tăng lên theo từng năm.

tat den khong chi mot gio

Mục đích của sự kiện này nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng và vì vậy làm giảm lượng khí thải điôxít cacbon, một khí gây ra hiệu ứng nhà kính và nhằm đánh động sự chú ý của mọi người với ý thức bảo vệ môi trường. Việc này cũng giúp làm giảm ô nhiễm ánh sáng.

Việt Nam ta hưởng ứng Giờ trái đất từ năm 2009 xuyên suốt cho đến nay, tiết kiệm được một lượng điện đáng kể.

Còn nhớ trong 60 phút tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết của chiến dịch Giờ Trái đất đầu tiên ở Việt Nam năm 2009, lượng điện giảm được 140 MW, tiết kiệm 133 triệu đồng. Năm 2014, tiết kiệm được sản lượng điện 431.000 KWh, tương đương khoảng 650 triệu đồng. Năm 2015 tăng lên, tiết kiệm được 520.000 kWh, tương đương khoảng 850 triệu đồng. Năm nào cũng thế, cứ sắp đến ngày “tắt điện” là truyền thông đều đăng tin hàng loạt nhằm tuyên truyền mỗi cá nhân, tập thể tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết hành động ý nghĩa và thiết thực này.

Hiện nay, một số bạn trẻ xem việc hưởng ứng Giờ trái đất là trào lưu, cho có lệ chứ không nghĩ mình đang hành động vì môi trường, vì sự sống nhân loại. Cứ hễ thấy nhà bên cạnh tắt điện là tắt theo hoặc làm theo bạn bè cho vui. Chứ không có chủ ý là tắt điện vì mục đích cao cả bảo vệ sức khỏe cho trái đất hay hiểu hết ý nghĩa.

Một số người tắt điện nhưng thực sự lại không tiết kiệm điện, không bảo vệ môi trường. Nguyên do bởi họ vẫn sử dụng các thiết bị khác tốn điện hơn gấp nhiều lần (nhưng không cần thiết). Cụ thể, khi tắt đèn chiếu sáng, họ lại sử dụng đèn pin sạc điện hoặc pin viên để chiếu sáng (thay vì dùng nến), điều đó cũng đồng nghĩa với việc lãng phí và gây ô nhiễm. Bởi pin viên khó phân hủy và cũng là chất gây hại cho môi trường.

Đáng buồn hơn hiện nay không ít người thắc mắc: “Tắt điện để làm gì? Chuyện tầm phào”. Điều đó cho thấy chúng ta thiếu trách nhiệm với xã hội, với môi trường sống. Vì vậy, để Giờ trái đất thực sự ý nghĩa thì mọi người hãy cùng chung tay hưởng ứng với cả lòng nhiệt tình và nhận thức rõ việc làm xanh-sạch-đẹp cho thiên nhiên đất mẹ. Và không chỉ chúng ta tắt đèn 1 giờ vào ngày thứ 7 cuối tháng 3 hằng năm, mà cần ra sức tiết kiệm điện mỗi giây, trong mỗi hoàn cảnh.

Đặng Trung Thành