Tất cả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

09:48 | 09/05/2011

1,962 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Ngành Công Thương, Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu bài viết của đồng chí Vũ Huy Hoàng Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Vũ Huy Hoàng – Ủy viên Trung ương Đảng

Bộ trưởng Bộ Công Thương

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới đối với đất nước ta – kỷ nguyên Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Cùng với những chuyển biến của nền kinh tế đất nước, ngành Công Thương Việt Nam đã từng bước định hình và phát triển ngày càng mạnh mẽ, nhất là từ khi Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới.

Về sản xuất công nghiệp

Trong một thời gian dài, công nghiệp Việt Nam phát triển ổn định, vững chắc và có tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh giai đoạn 1986-2005 tăng bình quân 12,3%/năm, giai đoạn 2006-2010 khoảng 13,8%; cộng chung cả giai đoạn 1986-2010 tăng 12,6%/năm, đã khẳng định vị thế của công nghiệp trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đóng góp vai trò và tỉ trọng ngày càng tăng cho phát triển kinh tế.

Tỉ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng nhanh và liên tục (năm 1988 là 21,6%, năm 1995 là 28,8%, năm 2010 chiếm khoảng 42,2%).

Cơ cấu đã từng bước được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp chế biến, từ 78,7% năm 2000 lên 83,2% năm 2007 và đạt 86,9% năm 2010; giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác, từ 15,8% năm 2000 xuống còn 11,2% năm 2005 và còn 9,2% năm 2010; tương tự, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước giảm từ 5,5% năm 2000 xuống 3,9% năm 2010.

Công nghiệp đạt được tăng trưởng cao ở cả 3 khu vực: doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng trưởng cao trong thời gian qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế, tăng tính chủ động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các sản phẩm công nghiệp về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất, xuất khẩu, cung ứng đảm bảo nhu cầu những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất của các ngành kinh tế khác và tiêu dùng phục vụ cho đời sống của nhân dân. Nhiều sản phẩm công nghiệp mới đã được sản xuất và cung ứng trong giai đoạn 2001-2010, đặc biệt là các sản phẩm xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử, một số loại ôtô, xe máy, tàu biển, các thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện…

Công nghiệp cơ khí đã có sự phát triển khá rõ nét sau một số năm trầm lắng, đã chế tạo được thiết bị toàn bộ cho nhiều dự án.

Công nghiệp hỗ trợ bắt đầu hình thành và từng bước phát triển phục vụ cho nhu cầu sản xuất, lắp ráp các sản phẩm. Tỉ lệ nội địa hóa ở một số ngành đã đạt khá cao như xe máy 85-90%, thiết bị điện 80-90%…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng gặp Tổng thống Hugo Chaves năm 2008.

Về xuất nhập khẩu

Hoạt động xuất nhập khẩu đã thúc đẩy xuất khẩu tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu thiết bị, vật tư, nguyên nhiên liệu, hàng tiêu dùng cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân; góp phần đáng kể vào việc giải quyết khủng hoảng kinh tế, kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 (ước đạt 72,2 tỉ USD) bằng gấp 92 lần năm 1986, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 1986-2010 là 26%/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu được chuyển dịch theo hướng tích cực. Từ chỗ chỉ xuất khẩu một vài nông sản, thủy sản và lâm sản, đến năm 2010, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khá phong phú về chủng loại, tỉ trọng hàng công nghiệp chế biến ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và đến nay giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu hàng xuất khẩu.

Nếu như năm 1986, nhập siêu ở mức 300%, thì trong 5 năm gần đây đã giảm xuống chỉ còn ở mức trên dưới 20% kim ngạch xuất khẩu (năm 2010 được khống chế ở mức 17,5%). Thị trường xuất khẩu được mở rộng vượt bậc, từ chỗ chỉ trong nội khối xã hội chủ nghĩa (trước năm 1986) đến năm 2010, hàng hóa nước ta đã vươn tới trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trên thị trường nội địa

Hàng hóa, dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, nâng cao về chất lượng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội liên tục tăng qua các năm. Tính theo giá thực tế, nếu năm 1985 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội mới chỉ là 65,1 tỉ đồng, thì đến năm 1995 đã đạt mức 121,16 nghìn tỉ đồng, năm 2000 là 220 nghìn tỉ đồng và đến năm 2010 đạt 1.561,6 nghìn tỉ đồng, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 1986-2010 là 65,6%/năm.

Đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia thị trường, khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Trên thị trường, thương nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán lẻ, cho đến nay đã chiếm khoảng 80% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội.

Từng bước hình thành các kênh lưu thông, trong đó có hệ thống phân phối một số mặt hàng chủ yếu như xăng dầu, xi măng, phân bón, gạo và một số mặt hàng nông sản khác. Hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, xuất hiện một số chợ đầu mối nông sản, chợ chuyên doanh đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tiêu thụ sản phẩm. Các hình thức mua bán hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ ở nông thôn ngày càng phát triển.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế

- Hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế đã được triển khai một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo ra nhiều thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Chúng ta đã cơ bản khắc phục được tình trạng phân biệt đối xử, tạo dựng được thế và lực trong thương mại quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần nâng cao trình độ của lao động, tạo ra tư duy sản xuất – điều kiện mới, lấy chất lượng, hiệu quả làm thước đo, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí của hàng hoá, dịch vụ, tạo đà để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thích ứng với quá trình phân công, chuyên môn hóa và hiện đại hóa đang diễn ra trên toàn cầu và khu vực

- Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành và qua một số lần sửa đổi, đã điều chỉnh, bổ sung nhiều biện pháp, cơ chế chính sách khác nhằm tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vừa để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, sức mua tăng lên nhanh chóng của một thị trường nội địa rộng lớn, vừa để tranh thủ các lợi thế xuất khẩu của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Định hướng phát triển công nghiệp và thương mại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về phát triển công nghiệp

Phát triển công nghiệp với tốc độ cao, đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp để giữ vững và mở rộng thị trường; tạo điều kiện để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế trong giai đoạn đến năm 2020 theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp một cách vững chắc.

- Tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng (như: năng lượng, lọc hóa dầu, hóa dược, luyện kim, hóa chất, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng…) để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tới; phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hàng tiêu dùng để bảo đảm nhu cầu trong nước và tăng xuất khẩu; phát triển một số ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng phát triển ngành và năng lực cạnh tranh.

Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp công nghiệp giữa các địa phương trên cả nước để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng của ngành công nghiệp, triển khai tích cực việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ theo quy hoạch được duyệt, bước đầu hình thành sự phân công sản xuất, liên kết, hợp tác tham gia chế tạo trong từng công đoạn sản phẩm. Phát triển bền vững các khu, cụm công nghiệp, vùng công nghiệp trọng điểm.

Về phát triển thương mại

Trước mắt, cần đẩy mạnh hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa theo hướng vừa mở rộng thị trường, mặt hàng, vừa nâng cao hiệu quả xuất – nhập khẩu phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp tục mở rộng giao thương thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Trong đó, chú trọng chọn lựa những đối tác vừa có thể đưa lại lợi ích thương mại và vừa phục vụ mục tiêu chiến lược ngoại giao.

Tăng cường nghiên cứu áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước, phù hợp với các nguyên tắc của WTO.

Đối với thị trường nội địa

Cần phát triển thị trường nội địa trên cơ sở đảm bảo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, tham gia điều tiết thị trường, ổn định giá cả, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu, cung cấp đầy đủ, kịp thời các mặt hàng chính sách cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Phát triển các kênh phân phối từ quy mô nhỏ, manh mún và phân tán trở thành các hệ thống và các kênh phân phối mạnh, vừa mở rộng về quy mô và phạm vi, vừa tham gia có chiều sâu vào phát triển sản xuất và phát triển tiêu dùng trong nước. Đa dạng hóa các kênh phân phối trên cơ sở đa dạng hóa các loại hình tổ chức, các lĩnh vực kinh doanh, các thành phần kinh tế cùng tham gia và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong lĩnh vực thương mại.

Đối với thương mại điện tử

Cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử. Tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực về thương mại điện tử. Đẩy mạnh đào tạo chính quy về thương mại điện tử;

Tăng cường cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng các cam kết quốc tế về thương mại không giấy tờ trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, đầu tư, đăng ký kinh doanh và các dịch vụ công khác liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về hội nhập kinh tế quốc tế

Từ khi chúng ta gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO, bên cạnh những thuận lợi thì cũng đã đặt cho nền kinh tế Việt Nam những thách thức không nhỏ. Chính vì vậy cần phải chủ động xây dựng chiến lược và bước đi phù hợp để nâng tầm quan hệ thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ trọng điểm trong các hợp tác song phương.

Từng bước nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong ASEAN, cũng như trong các Ủy ban liên Chính phủ. Tiếp tục tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác như APEC – ASEM; tăng cường tận dụng các cơ hội do APEC – ASEM mang lại để nâng cao năng lực và giải quyết các vấn đề kinh tế – thương mại song phương, khu vực.

Nâng cao hiệu quả và tăng cường công tác xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư để thúc đẩy hợp tác, đầu tư và buôn bán giữa Việt Nam với các nước, để từ đó tạo sức hấp dẫn lớn hơn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu có nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, phải nhanh chóng nghiên cứu và phát triển hình thức xúc tiến doanh nghiệp nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới vào đầu tư sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu tại Việt Nam.

V.H.H

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc