Phát triển năng lượng tái tạo

Tập trung cao cho nhân lực và công nghệ

07:56 | 09/08/2017

851 lượt xem
|
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, nhưng làm sao để khai phá tiềm năng này lại đang là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng để phần nào trả lời câu hỏi này.  
tap trung cao cho nhan luc va cong nghe

Ông Phạm Trọng Thực - Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng): Có tiềm năng nhưng nhân lực chưa đáp ứng

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã nêu rõ, sẽ tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% vào năm 2020 và tăng lên trên 10% vào năm 2030. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, năng lượng tái tạo phải thay thế được hoàn toàn các nguồn năng lượng khác. Nhưng mục đích đưa năng lượng tái tạo vào sử dụng để tăng sản lượng điện chứ chưa thể thay thế được công suất cần sử dụng. Ví dụ, hiện chỉ có 3% công suất từ năng lượng tái tạo nên có thể điều hành ổn định, nhưng nếu tăng lên 20% hoặc 30% công suất từ năng lượng tái tạo, việc tính toán hệ thống rất khó. Nếu phát triển ồ ạt năng lượng tái tạo để thay thế hết các nguồn năng lượng đang vận hành khác, an ninh năng lượng không thể đảm bảo vì khi không có nắng, không có gió sẽ không có nguồn năng lượng dự phòng.

tap trung cao cho nhan luc va cong nghe

Ở thời điểm hiện tại, để có thể đạt được mục tiêu đó, bài toán phát triển năng lượng tái tạo chỉ có thể thành công khi các doanh nghiệp nội địa hóa được thiết bị, tạo thành thị trường sản xuất thiết bị cho năng lượng tái tạo. Cùng với đó, việc đào tạo nguồn nhân lực về năng lượng tái tạo cần được tập trung cao, bởi ở thời điểm hiện tại, để tìm ra được những chuyên gia về năng lượng tái tạo như điện gió, điện rác, điện sinh khối… là rất hiếm. Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo phải đi kèm kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để không bị phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài. Cần phải có thêm nhiều các cơ chế, đồng thời khuyến khích hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu phát triển công nghệ hiện đại về năng lượng tái tạo, đầu tư nội địa hóa, tự chế tạo được các vật tư, thiết bị chủ yếu để sản xuất điện từ năng lượng tái tạo mới có thể giảm giá thành sản xuất điện cho các nhà đầu tư.

tap trung cao cho nhan luc va cong nghe

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc GreenID: Phát triển trước ở quy mô nhỏ để có cơ hội thực hành

Các quốc gia trên thế giới đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong ngành năng lượng, với xu hướng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng công suất năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Năng lượng tái tạo đang mở ra cơ hội phát triển cho nhiều quốc gia mới nổi tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Nếu biết tận dụng quy hoạch thật chính xác, việc sử dụng năng lượng tái tạo sản xuất điện sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Tại các vùng sâu, vùng xa chưa có điện, nếu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo sẽ là cơ hội để thực hành cho việc phát triển công nghệ, đồng thời giúp tiếp cận điện nhanh. Hoặc, mỗi hộ gia đình có thể tự đầu tư ở quy mô nhỏ để sử dụng và cũng là nhà sản xuất điện, hỗ trợ cho điện lưới. Đó là một trong những cách để thực hành các công nghệ năng lượng tái tạo trước khi bắt tay vào cung ứng cho lưới điện quốc gia.

tap trung cao cho nhan luc va cong nghe

GS.TS Nguyễn Thế Mịch, ĐH Bách khoa Hà Nội: Khuyến khích người dân tham gia đầu tư

Việc phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức. Riêng với điện gió đang phải đối diện với những rào cản như giá đầu tư cao, trong khi giá bán hiện vẫn “loanh quanh” ở mức 2.000 đồng/kWh; tiếp cận vốn vay khó; hạ tầng kỹ thuật thiếu; thiếu nhân lực có chuyên môn kỹ thuật.

Để triển khai một dự án điện gió, chỉ riêng việc đo gió đã cần tối thiểu một năm, chưa kể đến việc xin phép, đàm phán về đất đai. Đồng thời, phải dùng các phần mềm có giá chừng 1 triệu USD. Cột đo gió cũng cần vốn đầu tư khoảng 1 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nếu phát triển năng lượng tái tạo sẽ gặp khó khăn trong việc lưu trữ, đặc biệt với điện mặt trời vào những ngày không có nắng. Ngoài ra, nguồn phân tán năng lượng tái tạo cũng không ổn định, không phải nơi nào cũng phát triển được...

Trước những khó khăn đó, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: ban hành chính sách hỗ trợ phát triển; sớm hướng dẫn đấu nối điện tái tạo lên hệ thống lưới điện; có cơ chế thúc đẩy ứng dụng điện tái tạo trong các ngành kinh tế. Đặc biệt, cần chú ý tới việc đào tạo nguồn nhân lực vốn đang thiếu và yếu hiện nay; có chính sách khuyến khích người dân tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm bớt phụ thuộc vào điện lưới sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Diệu Thuần

  • el-2024