Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Những giải pháp đột phá trong năm 2015

07:08 | 21/01/2015

871 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 16/1/2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015. Năng lượng Mới trích đăng phát biểu tham luận của lãnh đạo các đơn vị thành viên trong Tập đoàn về những biện pháp để phát triển sản xuất kinh doanh trong năm mới.

Năng lượng  Mới số 392

Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa:

Để đảm bảo khai thác mỏ một cách an toàn và hoàn thành chỉ tiêu khai thác dầu được phê duyệt, Vietsovpetro dự kiến triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong năm 2015, Vietsovpetro đảm bảo kế hoạch đưa vào khai thác 26 giếng mới, sửa chữa lớn 69 lượt giếng, vỡ vỉa thủy lực 5 giếng, xử lý vùng cận đáy cho tối thiểu 45 giếng. Tập trung nghiên cứu địa chấn 3D4C để đánh giá lại tổng thể Lô 09-1 nhằm tăng khả năng thành công cho công tác thăm dò và khoan khai thác bổ sung của những năm tiếp theo. Tiếp tục tận thăm dò khu vực Lô 09-1, khẩn trương khoan thăm dò tại Lô 09-3/12, đẩy nhanh tiến độ đưa khí mỏ Thiên Ưng vào bờ. Thực hiện các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp trong lĩnh vực khai thác để nâng cao hệ số thu hồi dầu.

Trong xây dựng các công trình biển, tập trung lực lượng đảm bảo tiến độ chế tạo, lắp đặt, xây dựng các đường ống ngầm để đưa vào khai thác giàn nhẹ RC-9 và ThTC-2 trong quý IV, đồng thời tiếp tục lắp đặt cáp điện ngầm và các trạm biến thế phục vụ cho việc cấp điện tập trung ở các công trình biển để giảm gánh nặng về chi phí nhiên liệu. Thực hiện các giải pháp giảm thiểu lượng dầu không khai thác được trong thời gian dừng giàn để sửa chữa và thời gian thay tàu chứa dầu. Đảm bảo vận hành an toàn các công trình và hệ thống công nghệ ngoài biển, các phương tiện nổi cũng như các công trình sản xuất trên bờ. Rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật về tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, năng lượng; định mức khai thác sử dụng máy móc, thiết bị, định mức lao động tiền lương, định mức chi phí quản lý nhằm quản lý chặt chẽ và tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế và tạo điều kiện đẩy mạnh công tác dịch vụ.

Phát động các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, lao động an toàn trong CBCNV, phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất và tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực hoạt động của Vietsovpetro. Đề xuất các giải pháp về hoàn thiện cơ cấu tổ chức và định biên lao động của Liên doanh nhằm tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro theo Nghị quyết kỳ hợp 44 Hội đồng Liên doanh. Nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu so với hiện nay, Vietsovpetro đã chuẩn bị phương án dự phòng: Có thể dừng sản xuất ở một số giàn khai thác có sản lượng dưới mức hòa vốn và tạm dừng triển khai các dự án tìm kiếm thăm dò.

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) Hoàng Ngọc Đang:

Thực hiện nhiệm vụ năm 2015 trước nhiều thách thức, rủi ro ở tất cả các mặt hoạt động, đặc biệt trước tình hình giá dầu thô tiếp tục giảm với mức giảm tối thiểu và thời gian kéo dài giảm khó dự báo, việc đảm bảo các chỉ tiêu tài chính của PVEP là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, PVEP cũng có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các hoạt động cốt lõi của PVEP. PVEP kiến nghị Tập đoàn trình Chính phủ cho phép tiếp tục duy trì mô hình Công ty Điều hành Thăm dò và Khai thác Dầu khí và bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động của các công ty này.

Về cơ chế quản lý tài chính: PVEP kiến nghị Tập đoàn trình Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế tài chính đặc thù riêng cho PVEP, đảm bảo bám sát các quy định tại Nghị định 71 nhưng vẫn phù hợp các đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành, cụ thể là: Cho phép PVEP được trích Quỹ Đầu tư phát triển là 30% lợi nhuận sau thuế và được sử dụng quỹ này cho hoạt động tìm kiếm thăm dò; Cho phép PVEP được giữ lại và tiếp tục trích Quỹ Dự phòng tài chính để đảm bảo an toàn tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty; Cho phép PVEP được phân bổ chi phí các dự án thăm dò không thành công và các dự án phát triển khai thác kém hiệu quả vào chi phí trong kỳ để nâng cao chất lượng tài sản của PVEP.

PVEP mong muốn Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ trong việc tìm các giải pháp tốt nhất để xử lý các khó khăn, vướng mắc tại các dự án trọng điểm của PVN/PVEP cũng như Junin-2, Venezuela; Dự án SK 305 Malaysia; Dự án Lô 67, Cộng hòa Peru. Đồng thời, PVEP cũng đề nghị các đơn vị/đối tác của Tập đoàn chia sẻ khó khăn với PVEP, cùng PVEP thảo luận và tìm các giải pháp tối ưu các hoạt động dầu khí đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm thiểu sự cố và giảm giá các dịch vụ dầu khí trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh.

Tổng giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) Đỗ Khang Ninh:

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2015, ngay từ bây giờ, PV Gas đã chủ động, tích cực triển khai đồng loạt các giải pháp quản lý, điều hành, đặc biệt về sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và tài chính, trong đó tập trung vào các giải pháp như: Về vận hành, sản xuất: Tiếp tục vận hành và sản xuất an toàn như truyền thống của PV Gas vì an toàn là điều kiện quan trọng hành đầu của ngành công nghiệp khí. Bên cạnh đó phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các khâu bên trong dây chuyền khí, đặc biệt trong công tác dự báo, ấn định, bảo dưỡng, sửa chữa để vận hành hệ thống khí an toàn, tối ưu về mặt kỹ thuật và giảm thiểu thời gian dừng/giảm cung cấp khí, huy động tối đa công suất hệ thống của các bên. Kế đến là phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất; cũng như nghiên cứu, ứng dụng chế biến sâu các sản phẩm từ khí, mở đường cho việc sản xuất và kinh doanh thêm những sản phẩm khí có giá trị cao hơn.

Về kinh doanh: Nhạy bén hơn với những biến động của thị trường nhiên liệu trên thế giới để đưa ra những dự báo tốt hơn, làm cơ sở xác định thời điểm, khối lượng, giá cả mua/bán LPG của từng nguồn hàng, cân đối hợp lý hàng tồn kho, tận dụng các thời cơ kinh doanh. Một giải pháp khác của hoạt động kinh doanh là đẩy mạnh công tác tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường tiêu thụ khí ngoài điện, tạo cơ sở gia tăng sản lượng tiêu thụ và đơn giá bán.

Đối với công tác đầu tư xây dựng: Trước hết là quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng, chi phí vốn đầu tư dự án và thường xuyên xem xét, đưa ra các giải pháp sáng tạo cho dự án trong quá trình chuẩn bị và thực hiện đầu tư cũng như liên tục rà soát, đánh giá lại hiệu quả đầu tư để dừng/giãn dự án (nếu cần), chỉ đầu tư dự án khi mang lại hiệu quả kinh tế hoặc có phương án thay thế nếu dự án không hiệu quả. Bên cạnh đó, trong tình hình giá dầu biến động như hiện nay, phải cập nhật cân đối cung - cầu khí và rà soát, đánh giá lại kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn các dự án thu gom và nhập khẩu khí để có những quyết định điều chỉnh phù hợp. PV Gas thường xuyên thực hiện là tăng cường công tác lập, rà soát định mức sản xuất kinh doanh, kiểm soát và tiết giảm chi phí vì điều này có tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, dịch vụ. Nhưng giảm giá thành sẽ là không đủ nếu bán hàng mà không thu được tiền; vì vậy giảm giá thành phải đi đôi với quản lý chặt chẽ và tích cực thu hồi công nợ. Cuối cùng là giải pháp sử dụng linh hoạt và hiệu quả nguồn vốn của PV Gas và các đơn vị để huy động tối đa sức mạnh tài chính trong toàn PV Gas.

Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) Vũ Huy Quang:

Để thực hiện thành công các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh 2015, PV Power đề xuất một số giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện như sau: Về công tác sản xuất điện: Phối hợp chặt chẽ với PV Gas để đảm bảo đủ nguồn nhiên liệu cho công tác vận hành các NMĐ khí. Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), A0 và tăng cường đôn đốc, kiểm tra/giám sát chặt chẽ PV Power Services và các nhà thầu phụ thực hiện hoàn thành công tác đại tu NMĐ Cà Mau 2; Trung tu tổ máy GT12, đại tu tổ máy ST18-NMĐ Nhơn Trạch 1 đảm bảo chất lượng kỹ thuật, an toàn về tiến độ đề ra. Phối hợp chặt chẽ với EVN/A0… để giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh, thực hiện tốt quy chế phối hợp vận hành các NMĐ… đảm bảo huy động tối đa công suất các NMĐ.

Đẩy nhanh tiến độ đàm phán để ký kết hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA về giá chính thức cho NMĐ Hủa Na và Đắkrinh sau khi được phê duyệt. Hoàn thiện công tác đàm phán và ký kết hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA để thống nhất giá điện chính thức cho NMĐ Nhơn Trạch 1; về các điều khoản trong GSA của NMĐ Cà Mau 1&2; Thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình thực hiện định mức KTKT các NMĐ, tiết kiệm giảm tối đa tỷ lệ sử dụng điện tự dùng, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm hạ giá thành sản xuất điện, tăng khả năng cạnh tranh với các NMĐ khác trong hệ thống. Thực hiện các giải pháp nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các NMĐ khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Đẩy mạnh công tác thu xếp các nguồn vốn có lãi suất thấp cho các dự án mới; Đàm phán điều chỉnh lãi suất/giãn thời gian trả nợ để phù hợp với tình hình thị trường với các Ngân hàng mà TCT/các đơn vị thành viên đã ký kết hợp đồng tín dụng; Giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư thực hiện trong năm 2015. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí; đảm bảo thu nhập ổn định cho CBCNV trong tất cả các đơn vị thành viên của tổng công ty.

Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc - hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Hoài Giang:

Trong năm 2015 BSR sẽ chú trọng áp dụng những giải pháp chủ yếu sau đây: Vận hành nhà máy an toàn, ổn định và tối ưu hóa quá trình sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ các điểm nhạy cảm về kỹ thuật. Thành lập ban quản lý dự án với nhân sự chuyên trách, được phân quyền tối đa và được bố trí những nhân sự có kinh nghiệm, năng lực để triển khai quyết liệt Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất. Thành lập được nguồn dầu thô thay thế ổn định đạt tỷ lệ 20-30% nguyên liệu đầu vào để đảm bảo tiến độ vận hành sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà máy. Tiếp tục làm việc với PV Oil, Vietsovpetro để tăng cường kiểm soát chất lượng dầu thô và xem xét giảm giá dầu thô để phù hợp với sự thay đổi chất lượng dầu Bạch Hổ. Có chính sách bán hàng linh hoạt để đẩy nhanh công tác bán sản phẩm và giải phóng hàng tồn kho, đảm bảo hiệu quả bán hàng cao nhất cho nhà máy. Có kế hoạch vận hành công suất nhà máy thích hợp trên cơ sở cơ cấu sản phẩm sản xuất tối ưu. Giảm mức tồn kho dầu thô trong tháng 1 và tháng 2/2015 ở mức 5-7 ngày vận hành, thấp hơn so với định mức mùa thời tiết xấu.

Nâng cao năng lực phân tích dự báo thị trường dầu thô và các sản phẩm xăng dầu nhằm chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường trên thị trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng cáo việc sử dụng xăng E5.

Xây dựng mối qua hệ chiến lược về hỗ trợ công nghệ, vận hành và bảo dưỡng NMLD đối với các đối tác liên quan. Tự chủ trong kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết các hợp đồng liên quan đến công việc sản xuất kinh doanh của công ty trên cơ sở cạnh tranh có ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, hệ thống văn bản pháp lý và tăn cường tổ chức giám sát nội bộ. Tối ưu hóa chi phí sản xuất (chi phí tiêu hao nội bộ, hao hụt dầu thô và sản phẩm xăng dầu, thuê dịch vụ…), giảm thiểu lượng hàng, nguyên vật liệu, thiết bị phụ tùng tồn kho. Phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu và áp dụng giải pháp để giảm thiểu tỷ lệ hao hụt dầu thô trong khâu vận chuyển. Xem xét dừng và giãn tiến độ một số hạng mục đầu tư theo mức độ ưu tiên, không làm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của công ty.

Tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ lao động, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của công ty và cơ bản thay thế được phần lớn nhân sự của Nhà thầu O&M. Hoàn thiện hệ thống, chính sách trả lương, thưởng hợp lý để thu hút nhân lực trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của công ty cũng như hỗ trợ các dự án khác của PVN. Phân công những nhân sự có kinh nghiệm vận hành để tiếp nhận bàn giao và đưa vào hoạt động Dự án phân xưởng thu hồi khí lưu huỳnh SRU. Phối hợp chặt chẽ với Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) để tiếp tục triển khai tìm đối tác chiến lược, cổ phần hóa công ty. Chủ động làm việc với các định chế tài chính thuộc Tập đoàn và các tổ chức tài chính khác để đảm bảo nhu cầu thanh toán ngoại tệ của BSR.

Tuy nhiên, BSR cần được tạo điều kiện phát triển bền vững hơn, thể hiện cụ thể bằng những giải pháp đột phá để nâng cấp, mở rộng NMLD. Trước đây, mỗi khi nhắc đến vấn đề nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, mọi người thường nghĩ chắc phải xa xôi lắm. Nhưng không phải, ngay bây giờ lãnh đạo công ty xác định đây đã là vấn đề khẩn cấp, nghiêm túc cần giải quyết. Đó chính là mối quan tâm hàng đầu của BSR trong năm 2015.

Chúng tôi có phương châm, đó là nếu muốn đi xa, thì chúng ta phải đi cùng nhau! BSR luôn vượt qua những thời khắc, thời gian khó khăn, thử thách nhất khi có những người anh em trong và ngoài ngành Dầu khí. Dự kiến công tác nâng cấp, mở rộng nhà máy cần tới 5-7 năm để hoàn tất. Như vậy, cứ cho rằng trong năm 2015 này, Dung Quất tìm được đối tác để tiến hành thì phải tới 2020-2022 mới xong xuôi. Trong quãng thời gian này, các NMLD thứ 2, thứ 3, thậm chí 4-5 hoàn toàn có thể xuất hiện nếu họ quyết định đầu tư nhanh. Như vậy, sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất do PVN chủ trì chuyển nhượng với đối tác của Nga. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng với các nội dung cơ bản về công suất chế biến; định hướng nguồn nguyên liệu dầu thô; cấu hình công nghệ, chất lượng sản phẩm; tiêu chuẩn môi trường; tiến độ triển khai và tổng mức đầu tư dự kiến của Dự án.lập và triển khai theo phương án tự đầu tư song song với việc đàm phán

Tổng giám đốc tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) Phạm Tiến Dũng:

 Năm 2014 là năm rất thành công đối với PV Drilling, chính vì thế bước sang năm 2015 là năm có rất nhiều thách thức và khó khăn do giá dầu trên thế giới giảm rất mạnh và sâu. Đây là vấn đề ngoài mong chờ và dự đoán của mọi người. Chính vì thế trong năm nay PV Drilling sẽ cố gắng bù đắp lại bằng cách mở rộng thị phần. Trước hết thị phần dịch vụ khoan dầu khí trong nước sẽ phải bằng mọi cách giữ vững, đồng thời nỗ lực mở rộng thị phần nước ngoài. Giữ vững chất lượng dịch vụ, đảm bảo hiệu suất khai thác các tài sản mà PV Drilling đang sở hữu. Đẩy mạnh công tác dự báo về thị trường; tập trung phát triển thị trường trong nước, từng bước mở rộng thị phần ra nước ngoài/khu vực; đặc biệt phát triển các dịch vụ liên quan đến khoan tại các thị trường Brunei, Malaysia, Myanmar…Vận hành an toàn và hiệu quả GK sở hữu và các MMTB kỹ thuật (NPT). Xây dựng KPI để hoàn thiện hệ thống đánh giá hiệu quả công việc của CBCNV, chính sách lương thưởng thỏa đáng, công bằng nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động. Nâng cao công tác quản trị trên nền tảng xây dựng hoàn thiện ERP Oracle giai đoạn III.

Tiếp tục hoàn thiện Min-Max, xây dựng hệ thống quản trị tài sản các giàn khoan (Asset Management). Đồng thời tăng cường quản trị tài chính, tiết kiệm chi phí, kiểm soát mua sắm và thúc đẩy mạnh mẽ dự án xây dựng hệ thống quản trị rủi ro toàn TCT. Tăng cường phát huy sáng kiến, phát triển các dự án sử dụng quỹ KHCN, đào tạo đội ngũ kỹ thuật và quản lý để đáp ứng quy mô phát triển hoạt động SXKD.

Nhóm phóng viên (thực hiện)

 

DMCA.com Protection Status