Quy trình bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

Tạo kẽ hở cho sự gian dối?

07:00 | 16/06/2018

456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) mới đây, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng: Đã đến lúc cần trả việc công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư cho các trường đại học. 

Biện dẫn cho ý kiến này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: Trả việc công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) cho các trường đại học để tránh việc người không tham gia giảng dạy cũng được phong GS gây bức xúc trong dư luận.

tao ke ho cho su gian doi
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT

Theo ông Cường, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, các trường đại học bổ nhiệm GS, PGS thì luôn gắn với các nhiệm vụ GS, PGS đó phải đảm nhận. Còn ở Việt Nam, thời gian qua xảy ra rất nhiều chuyện lùm xùm trong việc công nhận, bổ nhiệm chức danh này. Bởi nhiều khi việc bổ nhiệm chức danh chưa gắn với yêu cầu của trường đại học, người không giảng dạy cũng được công nhận GS, PGS.

“Tôi đồng tình khi trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi khẳng định 5 chức danh nghề nghiệp của giảng viên là trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, GS, PGS. Tuy nhiên, tôi đề nghị bên cạnh việc quy định các tiêu chuẩn cho mỗi một chức danh thì trong luật cũng cần phải quy định rõ về cơ cấu, vị trí việc làm gắn liền với nhiệm vụ, quyền hạn của những người được bổ nhiệm chức danh đó” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu.

Theo ông Cường, làm được điều này chúng ta sẽ tránh được tình trạng bổ nhiệm tràn lan, nhiều GS, PGS nhưng khi bổ nhiệm xong thì những người này cũng không đảm nhận được công việc giảng dạy, nghiên cứu.

tao ke ho cho su gian doi

“Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên giao quyền công nhận, bổ nhiệm các chức danh này cho các trường đại học chứ không nên thực hiện thông qua các hội đồng ngành, tạo ra những điều rất phiền toái, không hay như thời gian vừa qua” - đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị.

Ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, bởi nhiều ý kiến cho rằng, quy trình xét công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS hiện nay bề ngoài có vẻ rất chặt chẽ nhưng thật ra lại rất lỏng lẻo, thậm chí tạo kẽ hở cho gian dối, tiêu cực.

Thực tế, quy trình xét, phong chức danh GS, PGS đã được quy định cụ thể từ năm 2012.

Năm 2012, Thủ tướng ban hành Quyết định số 20 về việc sửa, bổ sung một số điều của Quyết định số 174 năm 2008 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Theo đó, quy trình công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS gồm các bước đăng ký và nộp hồ sơ, thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn tại Hội đồng chức danh GS cơ sở; ngành, liên ngành và cuối cùng là Hội đồng nhà nước.

Những tưởng chặt chẽ là vậy nhưng hẳn nhiều người vẫn chưa quên việc phê duyệt chức danh GS, PGS năm 2017. Trong 94 hồ sơ xét duyệt bị phản ánh không đạt chuẩn thì khi rà soát sơ sơ đã có 41 hồ sơ bị loại. Đáng chú ý là khi rà soát mới chỉ xét trên một tiêu chí duy nhất là có đi dạy hay không, chứ chưa động đến chất lượng các công trình khoa học.

Vậy nên, bày tỏ ý kiến với báo giới về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng: Quy trình bổ nhiệm chức danh GS, PGS hiện nay có vấn đề. Nhiều cấp xét duyệt, tưởng chặt chẽ nhưng lại lỏng lẻo.

Ông Khuyến nói: Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 2-11-2005 về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 nêu rõ: Đổi mới quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS theo hướng giao cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện, dựa trên các tiêu chuẩn và điều kiện chung do Nhà nước quy định. Định kỳ đánh giá để bổ nhiệm lại hoặc miễn nhiệm các chức danh GS, PGS.

Nếu vẫn còn tồn tại, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ đưa ra những tiêu chuẩn và điều kiện chung thôi, còn việc thực hiện là thuộc quyền của các cơ sở giáo dục đại học. Thế nhưng đến nay, những tiến bộ trong Nghị quyết 14 vẫn chưa được thực hiện.

Theo ông Khuyến, việc xét duyệt hồ sơ còn nhiều vấn đề như “GS rởm” ngồi chấm GS thật, ngành này chấm cho ngành kia thì không thể chính xác được.

“Tại sao không làm theo nghị quyết của Chính phủ mà lại làm theo kiểu nửa vời là Hội đồng Chức danh GS Nhà nước xét, sau đó để trường công nhận như hiện nay? Một khi hội đồng cấp cao đã xét rồi thì các trường sẽ theo thôi, có trường nào dám không công nhận? Như vậy, rõ ràng quy trình đang tạo kẽ hở cho sự gian dối” - ông Khuyến nói.

Quy trình xét công nhận chức danh GS, PGS

Năm 2012, Thủ tướng ban hành Quyết định số 20 về việc sửa, bổ sung một số điều của Quyết định số 174 năm 2008 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS, cụ thể như sau:

Các nhà giáo thuộc biên chế của các cơ sở giáo dục đại học, nơi có Hội đồng Chức danh GS cơ sở, đăng ký và nộp hồ sơ tại Hội đồng Chức danh GS cơ sở đó. Nhà giáo thuộc các đơn vị, nơi không có Hội đồng Chức danh GS cơ sở thì đăng ký tại Văn phòng Hội đồng Chức danh GS Nhà nước.

Sau khi hồ sơ được gửi, Hội đồng Chức danh GS cơ sở thẩm định để xác nhận mỗi hồ sơ đăng ký đạt tiêu chuẩn chức danh PGS phải được ít nhất 3 GS hoặc PGS cùng ngành chuyên môn với người đăng ký thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản. Mỗi hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS phải được ít nhất 3 GS cùng ngành chuyên môn thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản.

Tiếp theo, Hội đồng Chức danh GS cơ sở sẽ trao đổi công khai về các ý kiến của những người thẩm định, đánh giá và kết luận đối với từng hồ sơ; nghe từng người đăng ký xét chức danh trình bày bản báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học và báo cáo kết quả đào tạo; xác định trình độ ngoại ngữ của từng người.

Sau khi thảo luận và thông qua danh sách người đăng ký đủ điều kiện đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm, Hội đồng Chức danh GS cơ sở sẽ biểu quyết bằng phiếu kín.

Hội đồng Chức danh GS cơ sở tổng hợp kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS lấy xác nhận của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học nơi có Hội đồng Chức danh GS cơ sở, gửi kết quả xét và toàn bộ hồ sơ của các ứng viên lên Hội đồng Chức danh GS Nhà nước.

Sau đó, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước phân loại và chuyển cho các Hội đồng Chức danh GS ngành, liên ngành. Quy trình thẩm định hồ sơ và xét công nhận tiêu chuẩn chức danh tại Hội đồng Chức danh GS ngành, liên ngành cũng giống như ở cấp cơ sở. Sau đó, Hội đồng ngành, liên ngành sẽ báo cáo kết quả và chuyển lại toàn bộ hồ sơ cho Hội đồng Chức danh GS Nhà nước.

Cuối cùng, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước tổ chức thẩm định kết quả xem xét của các Hội đồng Chức danh GS ngành, liên ngành, quyết nghị bằng phiếu kín công nhận đạt chuẩn chức danh GS hoặc PGS cho các nhà giáo. Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước căn cứ nghị quyết của hội đồng để ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các nhà giáo.

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.