Tăng thuế VAT nguy cơ đẩy hơn 240 nghìn người xuống mức nghèo

16:40 | 28/06/2018

589 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sáng 28/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Đánh giá tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình”. Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu khoa học định lượng được tác động của một sắc thuế đến người dân.

Trong cả hai kịch bản tăng thuế VAT do Bộ Tài chính đề xuất gồm tăng thêm 20% thuế VAT của tất cả các mặt hàng (từ 5 lên 6% và từ 10 lên 12%) và thống nhất mức thuế VAT là 10% (bỏ mức thuế VAT 5%) sẽ đều tác động tiêu cực lên đời sống của tất cả các hộ gia đình, làm giảm phúc lợi và tăng gánh nặng chi tiêu.

tang thue vat nguy co day hon 240 nghin nguoi xuong muc ngheo
PGS - TS Nguyễn Đức Thành tóm tắt nghiên cứu về ảnh hưởng tăng thuế VAT đến phúc lợi của các hộ gia đình

Báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, thuế VAT là nguồn thu ngân sách từ thuế lớn nhất. Việc tăng thu ngân sách từ VAT hầu như chỉ còn phương án tăng thuế suất.

TS Nguyễn Việt Cường - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự báo, tăng thuế VAT ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân số, đặc biệt đến các nhóm nghèo. Cụ thể, ở phương án tăng thuế VAT lên 20% (phương án 1) thì tỷ lệ chi tiêu bình quân giảm đi 0,89%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm phần trăm, tương ứng với khoảng 240.000 người nghèo tăng lên.

Phương án 2 (tăng thuế VAT lên mức chung 10%) thì tác động nhỏ hơn một chút nhưng cũng sẽ có tác động lên nhóm thu nhập thấp ở cận chuẩn nghèo.

Nguyên nhân do phần lớn người nghèo thì chi tiêu gia đình tập trung vào lương thực, thực phẩm (chiếm hơn 40% chi phí). Bởi vậy nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều hơn. Từ đó đời sống của người dân sẽ khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí sẽ có từ 202 đến 240 nghìn người dân bị đẩy xuống mức nghèo.

tang thue vat nguy co day hon 240 nghin nguoi xuong muc ngheo
Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hà trình bày về tác động của thuế VAT đối với phụ nữ

Tại hội thảo, lần đầu tiên có một nghiên cứu về bình đẳng giới liên quan đến ảnh hưởng của một sắc lệnh về thuế. Thạc sỹ Ngô Thị Thu Hà - Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ khẳng định: "Phụ nữ vốn đang phải chịu nhiều bất bình đẳng về cơ hội học tập, thu nhập, việc làm, đặc biệt họ là người chịu trách nhiệm chi tiêu chính tại các gia đình nên phụ nữ chịu tác động nhiều hơn nếu tăng thuế VAT như việc chi phí cho các mặt hàng thiết yếu, dễ bị tổn thương bởi nghèo đói, không còn khả năng tiết kiệm và tích lũy vốn.

Bởi vậy, không nên tăng thuế VAT đối với các mặt hàng thiết yếu. Ngược lại cần xem xét một số mặt hàng mang lại lợi ích cho nam giới, đặc biệt là xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá".

Tóm tắt kết quả nghiên cứu, PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhấn mạnh: “Dưới góc độ vĩ mô, ngoài các kịch bản tăng thuế VAT, nghiên cứu cũng mô phỏng hai kịch bản tăng hai loại thuế khác (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt). Các kết quả mô phỏng cho thấy sản lượng của nền kinh tế đều không được cải thiện. Trong cả hai kịch bản, tăng thuế suất VAT tác động tiêu cực lên phúc lợi của tất cả các hộ gia đình, ảnh hưởng lớn nhất là các hộ gia đình sống ở khu vực miền Nam, hộ có nhiều người trong độ tuổi lao động, hộ có trình độ học vấn thấp.

Tăng thuế không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế mà còn làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ giai đình. Thậm chí nếu tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi vào đầu tư phát triển sẽ làm cho sản lượng thực của nền kinh tế suy giảm”.

tang thue vat nguy co day hon 240 nghin nguoi xuong muc ngheo
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kiến nghị cần xem lại thuế đối với các nhóm như kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp FDI.

Sau phiên thảo luận, các đại biểu đã thống nhất một số ý kiến như Chính phủ nên nghĩ đến việc cải cách thuế tài sản do tỉ trọng của loại thuế này trong tổng số thu thuế còn quá khiêm tốn; cải cách thuế một số khu vực của nền kinh tế như kinh tế hộ gia đình (thuế khoán), các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, trước khi tăng thuế Chính phủ cần thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu của Chính phủ. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn và theo kịp với chuẩn mực quốc tế trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế. Chỉ như vậy thì các đề xuất tăng thuế không bị phản đối mạnh như thời gian qua.

tang thue vat nguy co day hon 240 nghin nguoi xuong muc ngheo
Toàn cảnh hội thảo.

Nghiên cứu về tác động của tăng thuế VAT sẽ được nhóm nghiên cứu hoàn thiện, gửi đến các đại biểu Quốc hội, những người đang nắm trọng trách quyết định các chính sách của quốc gia. Mặc dù Bộ Tài chính đã tuyên bố rút lại đề xuất tăng thuế VAT trong nhiệm kỳ này nhưng nghiên cứu trên là cơ sở khoa học để các nhà hoạch định chính sách xem xét mỗi khi nhắc đến tăng thuế VAT hay các loại thuế khác.

Theo nghiên cứu của VERT, gánh nặng thuế lên người dân Việt Nam tương đối lớn, lên tới 20% GDP, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt ngân sách nhà nước đang ngày càng phụ thuộc vào thuế gián thu.

Bùi Công