Tăng phạt không bằng... tăng trách nhiệm?

07:02 | 24/09/2015

1,670 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận đang quan tâm việc Bộ Giao thông Vận tải dự thảo xin tăng mức phạt đối với những vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt phạt rất nặng đối với phương tiện cá nhân đi vào đường cao tốc và nhiều hành vi khác, từ vượt đèn đỏ, uống rượu, đi vào đường cấm… Nói nôm na là tăng tiền phạt!

tang phat khong bang tang trach nhiem

"Phạt nguội" thanh niên đi xe máy vào đường cấm

Đội Tuyên truyền và Xử lý tai nạn (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội) vừa triệu tập, “phạt nguội” một thanh niên điều khiển xe máy tại đường vành đai 3 trên cao.

Thực ra, đây cũng là một biện pháp cực chẳng đã của Bộ Giao thông Vận tải. Bởi 4 năm nay dù có nhiều biện pháp kiên quyết nhằm lập lại trật tự giao thông nhưng hiệu quả vẫn còn khá khiêm tốn.

tang phat khong bang tang trach nhiem
Chạy xe máy vào đường cao tốc sẽ bị phạt nặng

Số người chết đã giảm, số vụ tai nạn cũng giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao, nhất là chuyện xe quá tải, quá khổ đang tàn phá những con đường, đồng thời gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Vì vậy, một trong những biện pháp răn đe có hiệu quả ấy là phải tăng mức phạt.

Nhất trí là phải tăng mức phạt, đặc biệt là với lỗi cố tình vi phạm, thì phải phạt cực nặng.

Thật ra, ở Việt Nam mức phạt không là “cái đinh” gì so với nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, cũng cần phải tỉnh táo xem xét là có nên “phạt cào bằng” hay chia ra các khu vực để phạt không? Ví dụ ở khu vực miền núi, dân trí thấp, người dân mua được cái xe máy là phóng bạt mạng, chẳng cần biết luật lệ gì và khi có sai phạm bị bắt thì mới ngơ ngác: “Ô, tao tưởng đường tao thì tao cứ đi chứ, bây giờ chúng mày bảo tao sai thì tao mới biết là tao sai. Còn bảo tao nộp tiền, thì chờ tao về làm nương đã”.

Ở thành phố, những nơi ta có thể tạm gọi rằng, cư dân sống có trình độ hiểu biết hơn thì phạt nặng là phải. Còn những vùng dân trí hạn chế, cần tính toán cho phù hợp.

Nhưng có một việc không thể không nghĩ đến, đó là đội ngũ cán bộ thi hành công vụ của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề. Mà một trong những điều mà người ta đã nói từ rất lâu rồi đó là sự liêm khiết của những người thi hành công vụ như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, rồi đội ngũ đăng kiểm…

Người ta nói nhiều đến việc cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông hư hỏng, nhưng có một thực tế mà ai cũng biết là chính những người tham gia giao thông lại làm hư hỏng người thi hành công vụ.

Rất hiếm trường hợp người vi phạm nghiêm túc chấp hành xử phạt của cảnh sát. Hễ bị giữ lại, thì họ sẽ nại ra không biết bao lý do để biện minh cho hành động của mình. Rồi bước tiếp theo là xin xỏ, nằn nèo; rồi nếu không được thì lại gọi nhờ người này, người khác xin hộ và sau đó nếu vẫn không được thì giở trò dúi tiền cho cảnh sát hoặc thanh tra giao thông.

Người ta đưa tiền cho cảnh sát, nếu được chấp nhận tha cho đi, thì họ cũng chửi là: Phải cho cảnh sát ít tiền mới thoát. Còn nếu đưa tiền cho cảnh sát mà vẫn không được, thì họ cũng lại chửi.

Còn người thi hành công vụ thì nhiều khi cũng lại nghĩ rằng: Thôi tha cho họ đi, cũng đỡ mất thời gian của họ và “đôi bên cùng có lợi”.

Cảnh sát thì được tiền, người vi phạm thì được đi ngay, khỏi mất thời gian đi nộp phạt và cái mức dúi cho cảnh sát thì thường thấp hơn mức phạt và thế là việc nhận tiền hối lộ xem ra “có lý”(?!).

Từ chối đồng tiền trong những hoàn cảnh này quả thật không dễ dàng khi mà người cảnh sát, thanh tra giao thông phải đứng dưới trời nắng như đổ lửa hoặc trong cái rét cắt da cắt thịt, mà để mỗi ngày được bồi dưỡng hơn chục ngàn đồng thì quả thật cũng thấy thế nào ấy…

Cho nên muốn giữ nghiêm kỷ cương, lập lại được trật tự giao thông thì tăng mức phạt chưa phải là yếu tố tiên quyết. Và thực tế cũng không nên phạt quá cao, vì người dân không có tiền mà nộp, rồi đẩy người vi phạm vào bước đường cùng.

Phải phân biệt rõ người vi phạm ở các loại mức độ thế nào. Ví dụ đối với xe chở quá tải, quá khổ thì phải trị chủ xe. Còn đối với lái xe chỉ là người làm thuê, thật sự họ cũng chẳng muốn chở quá tải làm gì, nhưng chủ bắt họ như vậy thì họ phải làm. Đối với những kẻ say rượu thì ngoài phạt tiền cần có hình thức nặng hơn như phạt lao động công ích. Còn với những kẻ chống người thi hành công vụ thì rõ ràng phải xử lý bằng pháp luật.

Bên cạnh đó là phải làm thế nào để việc nộp phạt được đơn giản, không gây mất thời giờ cho người dân. Thậm chí là nên nghiên cứu đến hình thức thu tiền phạt qua thẻ ATM đối với các cư dân thành phố. Và tạo điều kiện cho việc phạt này, thậm chí nên khuyến khích việc nộp phạt bằng thẻ, như nếu phạt bằng thẻ thì được giảm thêm mức phạt. Như thế, vừa đỡ được chuyện người bị phạt lòng vòng lên kho bạc nộp tiền, rồi đi nhận lại giấy tờ và cơ quan quản lý cũng biết được việc xử lý của nhân viên.

Một vấn đề nữa không thể không nghĩ đến, đó là cần có những biện pháp giám sát hoạt động của những người thi hành công vụ và có những mức xử lý rất nặng nếu như nhân viên nhận hối lộ.

Cho nên, tăng phí là cần thiết nhưng làm thế nào để tăng trách nhiệm của nhân viên thi hành công vụ còn cần thiết hơn.

 

Kim Triêu

Năng lượng Mới 459

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc