Tăng lương giáo viên gắn với hiệu quả, trách nhiệm

20:23 | 22/11/2017

2,278 lượt xem
|
Trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo và trình Chính phủ, điểm nổi bật là lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương.  

Cụ thể, trong Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009, quy định về chế độ tiền lương của giáo viên đã nêu rõ: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Tuy nhiên, trên thực tế, tiền lương của giáo viên vẫn khá thấp, chưa khuyến khích và thu hút được người tài làm việc trong ngành giáo dục, nhất là ở bậc mầm non, phổ thông. Chính vì thế, trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã kiến nghị cần có những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ vấn đề này và hiện thực hóa quy định về bậc lương cho giáo viên.

Trong văn bản Bộ GD&ĐT gửi Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH về tổng hợp quỹ tiền lương của ngành tính đến ngày 31/12/2016, tổng thu nhập bình quân của giáo viên tại các cơ sở giáo dục do ngân sách nhà nước bảo đảm từ 3-10 triệu đồng/người/tháng (tùy thâm niên công tác). Trong đó, mức thu nhập thấp tập trung nhiều vào số giáo viên trẻ mới ra trường.

tang luong giao vien gan voi hieu qua trach nhiem
Giáo viên tiểu học trong một tiết dạy

Tuy nhiên, mức lương 3 triệu đồng/tháng của giáo viên trẻ mới ra trường thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 153/2016, mức lương tối thiểu vùng I hiện là 3.750.000 đồng và mức lương tối thiểu vùng II là 3.320.000 đồng của người lao động ở các doanh nghiệp.

Như vậy, lương của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay vẫn chưa tương xứng với mức độ phức tạp của công việc, thậm chí chưa phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29/NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI. Đồng thời, khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp (0,20; 0,31; 0,33...) nên việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên.

Từ đó, Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị Chính phủ xây dựng hệ thống thang, bậc lương riêng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục dựa trên mức độ phức tạp và hiệu quả do công việc mang lại; đặc biệt, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.

Ngày 16/11, trả lời báo chí tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định Bộ đang làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành để làm sao thống nhất vấn đề giáo viên được hưởng thang, bậc lương cao nhất theo Nghị quyết 29.

Theo quy định về chế độ tiền lương hiện tại, mỗi nhà giáo đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương của mình là 24 năm đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, 30 năm đối với giáo viên THCS, 27 năm đối với giáo viên THPT.

Lương giáo viên mầm non và tiểu học từ bậc 1 là 1,86 đến bậc 12 là 4,06, với mức lương cơ bản hiện tại thì trong 24 năm công tác không tăng đáng kể, chỉ khoảng 2.860.000 đồng.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Lương phải đi kèm với trách nhiệm. Khi yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng cao hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục căn bản, toàn diện thì chế độ cũng phải phù hợp. Còn nếu chỉ yêu cầu giáo viên phải nâng cao chất lượng mà chế độ vẫn như cũ thì không được. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ khác để xây dựng, thống nhất cơ chế chính sách như vậy. Đến nay, qua làm việc sơ bộ, các Bộ trưởng cơ bản cũng thống nhất ủng hộ tinh thần này, quan trọng nhất là cụ thể thế nào để làm sao trách nhiệm phải đi cùng với quyền lợi. Đây là vấn đề không đơn giản nhưng phải làm”.

Bộ trưởng cũng cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu các thầy cô phải cố gắng lên, phải đổi mới đi mà điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, điều kiện làm việc, thậm chí cả danh dự không được bảo vệ một cách chính đáng thì không phù hợp thực tiễn.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội GS Đào Trọng Thi cũng bày tỏ sự đồng thuận với việc cải cách tiền lương cho giáo viên. Ông cho rằng cải cách tiền lương cho giáo viên thì xã hội chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi cũng cho rằng, muốn tăng lương cho giáo viên, các cơ quan ban ngành cần có những nghiên cứu, xây dựng đề án tỉ mỉ, lấy ý kiến từ nhiều phía, nhiều góc độ.

Bên cạnh đó, GS Đào Trọng Thi cũng lưu ý, việc tăng học phí cũng cần giới hạn, có lộ trình cụ thể, chứ không thể vượt quá khả năng kinh tế của đông đảo người dân. Song song với việc tăng học phí thì phải nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhã Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

(PetroTimes) - Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản (JWA) cho biết hoa anh đào ở thủ đô Tokyo sẽ nở từ ngày 21/3 và đạt đỉnh điểm một tuần sau đó.