Tản mạn về những ngày đã xa

10:17 | 21/08/2016

2,141 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thời gian 5 năm học tập, rèn luyện của sinh viên khóa đầu tiên Khoa Dầu khí, Đại học Mỏ Địa chất để lại nhiều kỷ niệm về một thời gian khó ở vùng đất Phổ Yên-Bắc Thái.

Tháng 10-1977 sinh viên khóa 22 Trường Đại học Mỏ Địa Chất được gọi nhập học. Các tân sinh viên từ mọi miền đi tầu hỏa tuyến Hà Nội – Thái Nguyên hoặc xe khách từ Bến Nứa lên Thị trấn Phổ Yên, đi bộ khoảng 7 km đến Mỏ Chè, nơi đóng quân của trường (thời điểm này chưa có xe ôm, xe ngựa). Quãng đường đi bộ xa, vào tới trường đã thấm mệt. Khung cảnh đầu tiên nhìn thấy là các phòng làm việc, phòng học cấp 4, mái lợp gianh cùng với một bãi đất đỏ lẫn sỏi rất rộng, phía xa là các nhà máy của khu công nghiệp Gò Đầm. Một số sinh viên khóa trước ra khu vực tiếp đón tìm đồng hương, nhiệt tình hướng dẫn thủ tục. Vài cựu sinh viên thông tin rằng tình hình sinh hoạt khó khăn, học tập vất vả, làm nản lòng người mới đến. Một bác tóc hoa râm ra chấn chỉnh, sau biết đó là thầy Chuẩn, Hiệu phó (thời kỳ này, Hiệu Trưởng là thầy Trần Văn Huỳnh, Hiệu phó, ngoài thầy Chuẩn còn có thầy Võ Năng Lạc, thầy Chu Tuấn Nhạ).

Khoa Dầu Khí vừa được thành lập trước đó mấy tháng (4/1977), chủ nhiệm khoa là Thầy Trương Biên. Khoa có nhiệm vụ đào tạo các kỹ sư thăm dò, khai thác cho ngành dầu khí non trẻ của đất nước. Thời kỳ này nền kinh tế nước ta đang bị khủng hoảng, Mỹ và một số nước tư bản cấm vận, cơ sở vật chất của nhà trường thiếu thốn. Khóa đầu tiên này của khoa Dầu khí (K22 theo chỉ số chung của trường) gồm 4 lớp/nghành học: địa vật lý, địa chất dầu, khoan khai thác dầu khí, khoan thăm dò. Số sinh viên mỗi lớp từ 28 đến 32 (trong đó có một số không trực tiếp đăng ký thi vào Đại học Mỏ mà thi vào Đại học Bách Khoa, do thiếu từ 0,5 đến 2 điểm nên được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chuyển sang học Trường Mỏ).

Sau khi hoàn thiện các thủ tục, khám sức khỏe, nhận lớp và chỗ ở tại ký túc xá, chúng tôi học Chính trị đầu khóa 2 tuần. Trong buổi sinh hoạt của thầy và trò khoa Dầu Khí, thầy Trương Biên đã thông tin sơ bộ về tình hình khai thác dầu khí của Liên Xô và một số nước khác, tình hình thăm dò dầu khí tại Việt Nam, truyền cho chúng tôi hy vọng và ngọn lửa khát vọng về dầu khí của đất nước.

Chúng tôi có đợt lao động 5 tuần dưới sự quản lý của một bộ phận của nhà trường gọi là “Hiệu bộ”. Hàng ngày chúng tôi đi bộ khoảng 2 km vào khu tăng gia của trường ở rìa sông Công để cuốc đất (trồng sắn) hoặc làm hàng rào cho các khu vườn.

Kết thúc đợt lao động, bước vào các khóa học của 2 năm cơ bản, 2 năm chuyên môn, 1 kỳ thực tập sản xuất, 1 kỳ thực tập tốt nghiệp & làm Đồ án Tốt nghiệp. Hai năm chuyên môn là 2 năm vất vả nhất. Quy chế thi nặng, chỉ được thi lần thứ 2, nếu lần thi thứ 2 không đạt 01 môn “chủ yếu” và 01 môn kiểm tra thì “tăng K”, tức là xuống khóa sau và chỉ được lưu ban 1 năm, nếu bị lưu ban lần nữa thì sẽ bị về địa phương (với các đối tượng chính sách như con liệt sĩ, thương binh thì được lưu ban 2 năm, các trường hợp đặc biệt khác như người dân tộc, con của Việt kiều đang hoạt động cách mạng ở nước ngoài thì được ưu tiên hơn). Các môn học của khoa học cơ bản & ngoại ngữ như Toán cao cấp, Vật lý, Hóa lý, Hóa keo, Nga văn, Sức bền vật liệu, Triết học và các môn phụ trợ như Hình họa, Vẽ kỹ thuật, Nguyên lý máy, Cơ lý thuyết có khối lượng lớn và khó. Chúng tôi cũng gặp áp lực lớn trong khi thi cử vì một môn thi được ôn trong khoảng 3 ngày, hình thức thi thường là vấn đáp (trước đây, sau khi thi tốt nghiệp cấp 3, chúng tôi có khoảng 2 tháng để ôn thi đại học với 3 môn Toán, Lý, Hóa). Theo danh sách thi, sinh viên rút đề thi, chuẩn bị 15 phút, sau đó các thầy gọi lên trình bày. Mỗi bàn hỏi thi có 2 thầy. Hình thức thi này ưu việt vì kiểm tra được thực chất kiến thức của sinh viên, nếu sinh viên nào quay bài thì các thầy phát hiện được ngay. Chúng tôi còn nhớ kỳ 1 năm 1977, một bạn nam, đá bóng rất giỏi, khi thi môn Vật lý, rút thăm được câu hỏi về phương trình trạng thái khí lý tưởng pV=nRT, (trong đó p là áp suất, V là thể tích, n là số hạt trong khối khí, R là hằng số, T là nhiệt độ). Bạn này được “bắn bài” từ ngoài vào nên ghi được ra giấy chuẩn bị. Thầy hỏi V là gì, bạn hồn nhiên trả lời “Thưa thầy, V là cái vận tốc”, thầy cho 2 (thang điểm 5) và bảo về bớt đá bóng, dành thời gian học lại. Kết thúc năm thứ hai, 4 lớp K22 của Dầu khí bị rơi rụng mỗi lớp từ 5 đến 8 bạn.

tan man ve nhung ngay da xa

Thầy trò khoa Dầu khí, K22 & 23 tham quan giàn khoan của trường, 11/1978.

Cuối năm thứ nhất, sau khi học xong môn Địa chất đại cương, chúng tôi được các thầy dẫn đi thực tập tại Kinh Môn, Hải Dương 3 tuần. Đây thực sự là thời gian bổ ích, đem lại cho chúng tôi những kiến thức thực tế tại thực địa, kết hợp với lý thuyết đã được học trên lớp. Ngoài ra chúng tôi cũng có thêm hiểu biết về đời sống, văn hóa ở Xứ Đông cũng như kinh nghiệm bước đầu về công tác dân vận

Năm thứ hai, chúng tôi có 1 kỳ học quân sự, được mượn quần áo bộ đội của trường (loại K74). Các môn học gồm lý thuyết & thực hành về Đội ngũ, Đào công sự, Gói bộc phá, Hành quân đêm (từ ký túc xá vào khu Công nghiệp Gò Đầm). Cuối khóa thực hành bắn 3 viên đạn thật bằng súng CKC, ai đạt dưới 15 điểm phải bắn lại.

Năm 1978, thực hiện lệnh gọi nhập ngũ, chúng tôi đã tiễn một số thầy và bạn lên đường tham gia quân đội. Về cán bộ giảng dạy có thầy Nam (bộ môn Khoan), về sinh viên có các bạn Dương, Hà, Thành (Khoan khai thác K22), Hùng (Địa chất dầu K22) và một số anh em các khóa trước (sau khi kết thúc thời kỳ phục vụ quân đội, các thầy và các bạn trở lại trường tiếp tục công việc giảng dạy và học tập).

Tháng 2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, sinh viên các khóa 21, 22 được cử lên Ngân Sơn, Bắc Kạn đào phòng tuyến Sông Cầu. Các thầy và sinh viên ở nhà dân, hàng ngày đi bộ khoảng 5 km đường núi đến vị trí đào hào giao thông, chiều tối mới trở về nơi ở. Chúng tôi còn nhớ một kỷ niệm về việc mấy sinh viên ăn rau rừng bị ngộ độc (anh Tỵ, Hùng và Tú, Địa chất dầu K22).

Thời gian của các năm cuối, chúng tôi có các đợt tham quan, thực tập tại các cơ sở sản xuất: Đoàn địa chất 904 (Liên đoàn địa chất 9), Đoàn thi công khoan/bơm trám xi măng Tiền Hải, Công ty Dầu khí 1 (Chợ Đậu, Thái Bình). Một số sinh viên được trực tiếp tham gia một phần công việc tại giàn khoan ở vị trí thợ phụ khoan, pha chế dung dịch khoan, theo dõi bơm trám xi măng. Tham quan Trạm khí Tiền Hải, được anh Phùng Đình Thực, phụ trách trạm giới thiệu/hướng dẫn (sau này anh Thực là Tổng Giám Đốc, Chủ tịch Hội Đồng Thành viên PVN). Chúng tôi còn nhớ anh Thực có nói đại ý “lương của cán bộ dầu khí bây giờ thấp, sau này ngành dầu khí phát triển, lương dầu khí có thể bằng thủy thủ VOSCO (Công ty vận tải biển Việt Nam), sau này ngẫm lại thấy rất đúng.

Trong thời gian học tập tại trường, một số sinh viên xuất sắc của khoa bước đầu tham gia công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất với đề tài cấp Trường và Bộ, tham gia Hội nghị Khoa học của cán bộ và sinh viên, viết bài cho Nội san Nghiên cứu Khoa học của trường.

Sau 5 năm học tập, rèn luyện, dưới sự giảng dạy, hướng dẫn tận tình của các thầy, các lớp Dầu khí K22 chúng tôi bảo vệ Đồ án tốt nghiệp. Có mấy chi tiết trong Lễ bảo vệ tốt nghiệp để lại ấn tượng cho chúng tôi. Thứ nhất là phòng Bảo vệ nào cũng trang trí trang trọng một băng rôn với dòng chữ “Bình tĩnh, Sáng suốt, Tự tin, bảo vệ tốt nghiệp với kết quả tốt nhất”. Thứ hai là thành phần Hội Đồng Bảo vệ, ngoài các thầy của Khoa còn có ông Trương Thiên, Tổng cục phó Tổng cục Dầu khí, ông Đặng Của, chuyên gia khoan của ngành dầu khí, ông Nguyễn Phả, Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Công trình của Tổng cục Địa Chất.

tan man ve nhung ngay da xa

Lớp Khoan Dầu khí 22, ngày bảo vệ tốt nghiệp, 10/1982

Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi được phân công về các đơn vị của ngành dầu khí như: Công ty Dầu khí 1, Viện Dầu Khí (lớp Địa chất Dầu khí, Khoan Dầu Khí, Địa Vật lý). Anh em lớp Khoan thăm dò được phân công về các Liên Đoàn Địa chất của Tổng cục Địa Chất, Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ Thủy lợi. Ngoài ra một số xin về Liên đoàn Vật lý Địa Chất, Viện Khoa học Việt Nam, Đoàn khảo sát, thiết kế - Tổng cục Hóa Chất, Sở Thủy lợi Hải Phòng, vv. Các anh chị em, ở Dầu khí (cũng như ở các Bộ/Ngành khác) sau này đều phát huy được năng lực, đóng góp cho sự nghiệp của đơn vị/nghành. Anh Đông (Khoan thăm dò) là cán bộ quản lý của Bộ Tài nguyên & Môi trường, anh Hiệp (Địa Vật lý), Chủ tịch HĐQT PTSC, chị Nga (Địa chất dầu), Phó Trưởng ban Khai thác – PVN, anh Hoạt (Khoan khai thác dầu khí), Phó Tổng Giám Đốc PV Drilling, anh Cường (Khoan khai thác dầu khí), Giám đốc POC-PVEP… và các anh chị em khác làm công tác quản lý/kỹ thuật.

Đến thời điểm này (2016), một số anh chị em đã hoàn thành nhiệm vụ và nghỉ chế độ, một số còn công tác. Khóa Dầu khí đầu tiên chúng tôi, có người ngay từ đầu vào học Dầu khí theo nguyện vọng, có người chuyển từ ngành khác sang. Tuy nhiên, như một cơ duyên, từ sự khuyến khích, động viên, truyền lửa của các thầy, từ sự chăm chỉ học tập, rèn luyện trong trường với tinh thần trách nhiệm và bổn phận với gia đình/nhà trường và sau này trải qua quá trình công tác, sự say mê, tích lũy kiến thức/kinh nghiệm và lòng yêu nghề đã đến với chúng tôi như một lẽ tự nhiên, giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong cương vị công tác của mình, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước nói chung và ngành dầu khí nói riêng.

tan man ve nhung ngay da xa

Các thế hệ lãnh đạo Bộ môn khoan tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bộ môn, 5/2016

Gần 40 năm trôi qua, thời gian đã xóa nhòa nhiều điều nhưng những gì tốt đẹp nhất của quãng đời sinh viên vẫn đọng lại trong tâm trí của những học viên Dầu Khí khóa đầu tiên.

tan man ve nhung ngay da xa

Các thầy nguyên chủ nhiệm khoa Dầu khí tại Lễ kỷ niệm 50 năm Bộ môn Địa Vật Lý, 5/2016

Dương Hùng Sơn – Viện Dầu Khí

DMCA.com Protection Status