Tâm thư nặng trĩu của cô giáo dạy Sử tương lai

07:30 | 14/11/2015

4,284 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bức thư viết lúc nửa đêm của một tân sinh viên khoa Sử (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) mà báo điện tử PetroTimes vừa nhận được có viết: Phương pháp dạy Sử mà Bộ GD&ĐT đang áp dụng khiến những giáo viên tương lai như chúng em cảm thấy bế tắc!

Mở đầu bức thư, nữ sinh này viết:

"Bức thư này em tha thiết được gửi tới những người biết lắng nghe, thấu hiểu vị trí, vai trò của Lịch sử và gửi tới những người đang đấu tranh để dành lại vị trí đúng đắn cho môn sử…

Nếu em không viết những dòng này có lẽ cũng không vấn đề. Bởi ngoài kia, rất nhiều những tấm lòng yêu Sử như các chuyên gia lịch sử, thầy cô giáo dạy sử và cơ quan truyền thông báo chí đang làm… đã đủ nóng để làm bùng lên những ngọn lửa yêu sử mới. 

Những trang web cá nhân cũng liên tục chia sẻ quan điểm của mình về sứ mệnh của môn sử trong chương trình dự thảo mới mà Bộ GD& ĐT đưa ra.

tam thu nang triu noi buon cua co giao day su tuong lai
Chương trình GDPT TT môn Sử sẽ được dạy tích hợp?

Vậy nên, em tự hỏi: Có đến lượt mình phải cất tiếng nói hay không? Suy nghĩ rằng: Chả phải nhiều người nghĩ giới trẻ đang quay lưng với môn Sử đó sao? Vậy thì hãy cứ lên tiếng như một trong số những người trẻ còn yêu Sử.

Điều làm một người trẻ yêu sử như em cảm thấy buồn vì môn học mình đã, đang và sẽ tiếp tục yêu thương đang bị đưa ra, cân, đo, đong, đếm. Khiến nó rơi vào trạng thái chông chênh đến tội nghiệp… Mọi lý do được viện dẫn khiến em thấy đau lòng.

Nào là môn lịch sử trong trường học bây giờ kiến thức quá nhiều, khô khan, giáo viên dạy quá nhàm, cần phải giảm khối lượng kiến thức môn sử… Cuối cùng phương pháp dạy tích hợp được đưa ra để tăng hiệu ứng tích cực cho sự phát triển của giáo dục nước nhà!

Nghe thì rất hay ho. Nhưng xin thưa cảm giác của em, tất cả những lí do đó là cái cớ của tình trạng lười nhác dần đều của toàn xã hội.

Trong chương trình mới, cảm tưởng như Lịch sử bị chôn trong chiếc áo 3 lớp: Nào là An ninh quốc phòng, Giáo dục công dân và Lịch Sử. Thế nào là Công dân với Tổ quốc?! Nghe thì hay quá! Kêu quá! Nhưng khi Lịch sử ở ngăn giữa áo, mấy ai sẽ chịu đi tìm hiểu ngọn nguồn gốc?

Đúng là có những biến động này một phần lớn cũng là do số đông các thầy cô chưa có phương pháp dạy hay, đúng, hấp dẫn...khiến cho số đông học sinh hứng thú, muốn học, ham học.

Vậy thì hãy thay đổi đi, bây giờ chưa phải là quá muộn. Hãy thay đổi bằng cách lắng nghe chứ không phải bằng cách “khai tử” nó.

tam thu nang triu noi buon cua co giao day su tuong lai
Bức thư của  cô giáo dạy Sử tương lai

Chúng ta đã từng đau lòng khi các em học sinh còn không phân biệt nổi Quang Trung – Nguyễn Huệ. Còn hàng trăm những câu chuyện nhẫm lẫn Sử đau lòng khác, nhưng em đồ rằng phương pháp đưa sử vào dạy tích hợp mà Bộ GD&ĐT đang làm sẽ làm gia tăng tình trạng “viết lại” sử như thế…!

Với tư cách là một tân sinh viên khoa Sử, là giáo viên dạy sử tương lai, em đang mang trong mình suy nghĩ rằng: Với hiện trạng đang bày ra trước mắt, không biết rồi những giáo viên tương lai như em sẽ đi về đâu?

Bằng phương pháp dạy tích hợp thì học Sử, học nghiên cứu chuyên môn sâu liệu có cần thiết? Còn các môn học khác, tất nhiên sẽ có những buổi tập huấn,những ngày đào tạo phương pháp mới... Nhưng chúng em đã dành 4 năm học nghiệp vụ sư phạm để dạy và chỉ suy nghĩ về cách dạy như thế nào để truyền đạt kiến thức sử, chứ không được đào tạo những chuyên ngành khác.

Nếu một thầy cô đảm nhiệm nhiều môn, thì liệu rằng có phải chỉ là cưỡi ngựa xem hoa? Và nếu như phương pháp của Bộ đưa ra thì em hiểu cần phải thay đổi từ đội ngũ giáo viên, như vậy muốn thay đổi giáo dục thì hãy song song ngay từ bây giờ đi, hãy cùng đổi mới cả hệ thống đào tạo một thế hệ giáo viên mới theo hình thức và nội dung khác đi. Đừng chỉ ngắt ngọn mà bỏ quên cành, thân và rễ!"

Cuối thư nữ sinh này viết:

"Em tha thiết mong muốn, đừng làm hoang mang tâm lý sinh viên,đặc biệt là tân sinh viên hay cả những học sinh đang mơ ước vào khoa sử của các trường sư phạm…!"

 

Huyền Anh