Dầu khí Việt Nam từ mùa xuân ấy:

Tầm quan trọng của vùng biển và thềm lục địa phía nam

07:00 | 29/04/2015

13,176 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đặc trưng về phát triển ngành Dầu khí Việt Nam gắn liền với biển như dự cảm thiên tài của Bác Hồ, đặc biệt thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế phía nam, tính từ vĩ tuyến 17 trở vào. Cho đến nay, ở Việt Nam đã phát hiện hơn 80 mỏ dầu, khí trong đó hơn 30 mỏ đã đưa vào khai thác.

>> Niềm tin của Bác và tầm nhìn của Đảng

Các mỏ Dầu khí tại Việt Nam khá đa dạng gồm mỏ dầu, mỏ khí tự nhiên, condensate hay cả dầu và khí. Các mỏ dầu quan trọng như Bạch Hổ, Rồng, Nam Rồng – Đồi Mồi, Thỏ trắng, Mèo Trắng, Sư Tử Đen... Các mỏ dạng khí tự nhiên và condensate gồm các mỏ như Lan Tây, Lan Đỏ, Hải Thạch, Mộc Tinh, Sông Đốc, PM3…

Đáng lưu ý là hầu hết các phát hiện dầu khí của Việt Nam đến nay đều thuộc các bể trầm tích chủ yếu ở phía nam. Theo các số liệu nghiên cứu thì tiềm năng dầu khí Việt Nam được đánh giá triển vọng ở các bể phía Nam là chủ yếu như các Bể Cửu Long, với diện tích khoảng 36.000 km2 với chiều dày trầm tích Đệ Tam đạt tới trên 8.000 m, được đánh giá là bể có tiềm năng dầu lớn nhất trong các bể trầm tích của Việt Nam.

Bể trầm tích dầu khí Nam Côn Sơn có diện tích khoảng 100.000 km2 với chiều dày trầm tích Đệ Tam, nơi sâu nhất, lên tới 11.000m- 12.000m, được đánh giá là bể có triển vọng và có tiềm năng dầu khí lớn đứng thứ 2 của Việt Nam sau bể Cửu Long và chứa khí nhiều hơn dầu.

Giàn khoan PV DRILLING V (TAD) đang làm việc trên Biển Đông.

Bể trầm tích dầu khí Malay -Thổ Chu có diện tích khoảng 80.000 km2 với chiều dày trầm tích Đệ Tam, chỗ lớn nhất, đạt đến 6000- 7000 m, với các biểu hiện trực tiếp cùng các tiêu chí đánh giá chứng tỏ triển vọng dầu khí cao. Dự báo bể Malay – Thổ Chu chứa khí nhiều hơn dầu và xếp thứ 4 về triển vọng lẫn tiềm năng dầu khí của Việt Nam.

Bể trầm tích Phú Khánh có diện tích khoảng 80.000 km2 với chiều dày trầm tích Đệ Tam trên 10 ngàn mét. Những biểu hiện dầu khí trong một số giếng khoan tìm kiếm ở các cấu tạo Cá Heo, Cá Mập… cùng với sự tồn tại hệ thống dầu khí cho phép dự báo bể Phú Khánh có khả năng chứa khí. Bể trầm tích Tư Chính- Vũng Mây có diện tích khoảng 90.000 km2 với chiều dày trầm tích Đệ Tam phổ biến từ 3.000m đến 5.000m, nơi sâu nhất đạt đến trên 7.000m. Theo đánh giá là bể trầm tích phân bố cận kề các bể trầm tích đang khai thác các mỏ dầu khí và được dự đoán là bể có triển vọng về khí.

Bể trầm tích Trường Sa có diện tích khoảng 200.000 km2 với với chiều dày trầm tích Đệ Tam phổ biến khoảng 2.000- 3.000m, nơi sâu nhất đạt đến 5.000m. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng một số nhà thầu quốc tế đã thực hiện thu nổ địa chấn trên một số diện tích với mạng lưới tuyến thưa, mang tính khu vực, chưa có giếng khoan, đang trong quá trình đánh giá triển vọng dầu khí. Ngoài ra, một phần Bể trầm tích Sông Hồng như Cá Voi Xanh cũng đã có phát hiện dầu khí.

Trước giải phóng miền Nam, ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được tiến hành bởi những công ty dầu khí nước ngoài như Mobil, Pecten, Union Texas... do chính quyền miền Nam thực hiện. Sau ngày miền Nam giải phóng, hoạt động dầu khí bước vào giai đoạn mới, đánh dấu bằng việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía nam được triển khai bởi một số các công ty nước ngoài như AGIP (Italia), Deminex CHLB Đức và Bowvalley (Canada).

Một bước ngoặt quan trọng của ngành dầu khí Việt Nam là sự ra đời của Xí nghiệp Liên doanh VietsovPetro năm 1981 (nay là Liên danh Việt-Nga). Đến năm 1986, dòng dầu công nghiệp đầu tiên được phát hiện từ trầm tích Miocen ở mỏ Bạch Hổ. Số liệu thống kê của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho thấy số lượng giếng được khoan hàng năm tại các bể trầm tích của Việt Nam tăng khá nhanh.

Tính đến 31 tháng 12 năm 2013, tổng sản lượng đã khai thác của Việt Nam đạt hơn 428 triệu m3 quy dầu trong đó hơn 327 triệu m3 dầu thô và gần 101 tỷ m3 khí đốt. Trong số trữ lượng đã phát hiện còn lại thì dầu chiếm khoảng 40% và khí chiếm khoảng 60%. Trong năm 2014, Petrovietnam đã gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 48,11 triệu tấn quy đổi; tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 27,58 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác dầu đạt 17,37 triệu tấn, sản lượng khai thác khí đạt 10,20 tỷ m3.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thành Hưởng

Trưởng Ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2

DMCA.com Protection Status