Tầm nhìn quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương thế kỷ 21

15:22 | 15/05/2017

1,001 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 15/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn thể Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và có phát biểu quan trọng về một tầm nhìn quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương cho thế kỷ 21. Hội nghị có khoảng 40 đại biểu đến từ 26 ủy ban thành viên của PECC tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: PECC có vai trò là một thể chế đặc biệt, nắm bắt được tâm huyết và trí tuệ của các các doanh nghiệp, chính phủ và giới học giả để hình thành các ý tưởng nhằm xử lý những thách thức quan trọng nhất mà châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

tam nhin quan he doi tac chau a thai binh duong the ky 21
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc PECC 2017.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhìn nhận, trong ba thập kỷ vừa qua, sự chuyển mình của châu Á - Thái Bình Dương nhằm trở thành một khu vực hòa bình, một động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Khi PECC được thành lập năm 1980, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm hơn 40% GDP toàn cầu. Ngày nay, con số này đã tăng lên trên 50%. Hơn 1 tỷ người trong khu vực đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.

Hướng tới tương lai, trọng tâm kinh tế thế giới đang tiếp tục chuyển dịch về châu Á - Thái Bình Dương, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Triển vọng khu vực đang tươi sáng hơn bao giờ hết.

Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, là nơi hội tụ các công nghệ mới, lực lượng lao động có tay nghề và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ. Tỉ trọng của khu vực trong GDP toàn cầu dự báo sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050. 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

tam nhin quan he doi tac chau a thai binh duong the ky 21
Toàn cảnh PECC 2017.

PECC là minh chứng cho thịnh vượng chung có thể đạt được thông qua liên kết và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như tự do hóa thương mại và đầu tư. Vì vậy, dự báo thế kỷ 21 là “thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương” hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, phải xử lý ba “nhóm” thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn.

Một là năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng trong từng nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; các thách thức dân số, bao gồm cả già hóa dân số, vấn đề đói nghèo, đô thị hóa, các tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu.

Hai là mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chỉ trong gần hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi to lớn về công nghệ, làm thay đổi bản chất của việc làm, chuyển đổi xã hội cũng như cách thức chúng ta liên hệ và tương tác với nhau.

Ba là những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng. Môi trường khu vực đang trải qua những chuyển biến phức tạp và cơ bản. Bên cạnh đó cũng nổi lên các vấn đề an ninh mới như hệ lụy của công nghệ mới xuất hiện, khả năng mạng dễ tổn thương và quản lý tài nguyên…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hy vọng các đại biểu PECC sẽ chia sẻ những suy nghĩ và đánh giá về các thành tố chủ chốt của một tầm nhìn cho khu vực với những câu hỏi cần phải giải đáp là: Mục tiêu của châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới là gì? Có thể hình thành một cộng đồng và mối quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì sự phát triển bền vững và bao trùm không? Chúng ta cần làm gì để tăng trưởng bao trùm, bền vững và sáng tạo trong kỷ nguyên số? Các lợi thế so sánh mới của khu vực là gì? Làm sao để tạo được những động lực mới cho tăng trưởng? Làm thế nào để tạo dựng được một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ, là động lực của liên kết kinh tế toàn cầu trong một thế giới toàn cầu hóa? Chúng ta cần chuẩn bị như thế nào để tranh thủ các cơ chế hợp tác đang được hình thành?

tam nhin quan he doi tac chau a thai binh duong the ky 21
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng các đại biểu tham dự PECC 2017.

Chia sẻ câu trả lời với các đại biểu PECC, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kỳ vọng: “Sẽ xây dựng một Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội và sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người. Mẫu số chung của việc cùng quan tâm sẽ mở ra những cơ hội to lớn để thực hiện mục tiêu này.

Động lực của kinh tế khu vực phải đến từ tăng trưởng có chất lượng, bền vững, sáng tạo và bao trùm, kết nối và liên kết kinh tế sâu rộng. Các động lực chính gồm cải cách cơ cấu, các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử, thương mại số, nguồn nhân lực chất lượng, tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bảo đảm tính bao trùm trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội…

Chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại và đầu tư tự do, các hiệp định thương mại khu vực, các hiệp định tự do thương mại (RTAs/FTAs), hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Chúng ta phải nắm bắt các cơ hội của những hiệp định khu vực hiện có và đang hình thành.

Châu Á - Thái Bình Dương là một trung tâm công nghệ toàn cầu, có lợi thế để thúc đẩy hơn nữa các mạng lưới rộng lớn gồm các chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu, tăng cường kết nối và hợp tác phát triển hạ tầng cơ sở. Chúng ta cũng cần có những phương thức sáng tạo trong hợp tác và hài hòa các chính sách, thương mại, xử lý các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, nâng cao năng lực và hợp tác kinh tế - kỹ thuật…”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ sự trân trọng về những ủng hộ tích cực và hợp tác hiệu quả của PECC và cam kết Việt Nam luôn đồng hành cùng các nước thành viên APEC, Hội đồng PECC.

Bùi Công