Tấm lòng của ba người vợ liệt sĩ

18:14 | 28/07/2011

608 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguyễn Thị Hè, Nguyễn Thị Hột và Nguyễn Thị Nghĩa ba con người với ba mảnh đời khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là vợ liệt sĩ. Họ đã gắn bó với nhau dưới mái nhà chung là nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Lộc (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) để ngày đêm trông coi, chăm sóc phần mộ của các chiến sĩ đã ngã xuống vì  độc lập tự do của Tổ quốc.

Ít ai biết rằng, ba người phụ nữ này cũng có chồng là liệt sĩ, đã nằm lại nơi chiến trường xưa, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Mong muốn lớn nhất của họ là được đưa hài cốt chồng trở về mai táng tại quê nhà.

Bà Hè đang chăm sóc mộ liệt sĩ

Nước mắt người ở lại

Ngày mùng 2 tết năm 1978 là một ngày không thể quên của bà Nguyễn Thị Nghĩa – vợ của liệt sĩ Trần Văn Hải. Trong khi nhà nhà, người người đốt pháo tụ họp đông đủ thì nhà bà lại phải nhốn nháo cảnh li tan, khi nghe hung tin người chồng thân yêu vĩnh viễn không trở về. Nhìn những đứa con thơ dại, đứa lớn mới lên 2 tuổi, đứa nhỏ chưa thành hình hài mà chị không sao kìm nổi nước mắt. Bà Nghĩa thổn thức: “Nhiều lúc thương con, nhớ chồng hai hàng nước mắt cứ lã chã rơi. Có những hôm khóc ướt đầm gối, chỉ mong sao chồng mình sống khôn chết thiêng phù hộ cho mấy mẹ con được mạnh khỏe”.

Thiếu thốn về tình cảm là một chuyện, vậy mà vật chất của nhà bà cũng cơ cực lắm. Nhiều khi đi vay 1 bát gạo về bà lại phải chia làm 3 làm 4 bữa, nhìn các con ăn bát cháo loãng đầy ắp là nước bà lại ngậm ngùi nuốt nước bọt để nuôi thân. Túp lều tranh chị ở cũng không thể đảm bảo giấc ngủ của gia đình. Bà bảo, túp lều tranh hồi đó lúc nào cũng bị dột, có những hôm trời mưa mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc. Cuộc sống khó khăn, vẫn biết mình thiệt thòi hơn những người phụ nữ khác nhưng cùng với sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, các con của bà cũng ngày một lớn khôn. Dù khó khăn, lận đận đủ bề nhưng lúc nào bà cũng tâm niệm người chồng của mình mất vì đất nước cũng tựa như một hạt cát trên một bãi cát, các anh hi sinh để bảo vệ đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Đó là một niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao của bà và các con.

Cũng như bà Nghĩa, bà Nguyễn Thị Hột cũng là vợ liệt sĩ, nhưng mỗi người mỗi cảnh không ai giống ai. Bà Hột có một người con gái và hiện bà còn chăm sóc mẹ già năm nay đã ngoài 90 tuổi. Mỗi khi nhớ lại cái ngày bà nhận được giấy báo tử của chồng, bà như tuyệt vọng tưởng chừng như mình không thể sống được nữa, nhưng rồi bà đã gạt nước mắt, cố gắng gượng dậy để nuôi đứa con nhỏ cùng người mẹ già. Sau gần 20 năm tần tảo, chăm lo cho gia đình, dường như ông trời cũng cảm hóa được nỗi lòng của người đàn bà cơ cực. Bởi đứa con gái nhỏ bé của bà ngày nào nay đã trở thành một cô giáo giỏi, được mọi người yêu thương.

Không được may mắn như bà Nghĩa và bà Hột, bà Nguyễn Thị Hè mất chông vào năm 1972 khi mà hai người chưa có được với nhau mụn con nào. Mất chồng lại không có con nhiều lúc bà cảm thấy tủi thân lắm, nhiều người còn khuyên bà nên đi bước nữa cho đỡ khổ, nhưng bà nhất quyết sống đơn thân quãng đời còn lại để tìm hài cốt của chồng. Chấp nhận làm người vợ tín nghĩa, thủy chung, nhưng thực tâm bà cũng rất muốn có được mụn con (con nuôi) mai này an ủi tuổi già. Năm 1974, bà Hè đã nhận nuôi 1 đứa con của em trai chồng. “Dẫu biết rằng con mình sinh ra thì tình cảm vẫn lưu luyến hơn, nhưng con nào cũng là con, mình có quý nó thì nó mới đối tốt với mình”, bà Hè tâm sự.

Dường như ông trời đã ấn định, số phận đã an bài. Cả ba người phụ nữ, ba người vợ mất chồng nhưng họ đều hi sinh tuổi thanh xuân của mình đơn thân nuôi con. Bà Hột bộc bạch: “Tôi nghĩ những đứa con sinh ra trong chiến tranh đã thiếu thốn tình cảm của người cha, nếu mà mình đi tìm hạnh phúc mới thì các con sẽ rất bất hạnh. Bởi chúng đã không có cha nếu mà tiếp tục mất tình cảm của mẹ thì khác gì nhà không có cửa”.

Nỗi đau mất chồng chưa bao giờ nguôi, 24 năm sau kể từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất, bà Hột lại dồn mình vào ý nghĩ người chồng vẫn còn sống. Vào một ngày giữa năm 1999, một người bạn cùng chiến đấu với chồng bà năm xưa tìm về thăm, tự nhiên trong lòng bà lại nhói lên một hi vọng, lúc nào cũng tưởng tượng là chồng mình vẫn còn sống. Bà nói: “Chỉ cần một phần nghìn hi vọng thôi, biết đâu chồng mình bị thương được ai đó cưu mang thì sao”.

Chính từ niềm tin đó mà từ 3 năm nay, ba bà đã tự nguyện ra trông coi nghĩa trang, chăm sóc phần mộ của các liệt sĩ như một cách để ngóng trông những người chồng của mình, đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ. Nghĩ tới công ơn của các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do ngày hôm nay, ba bà chỉ mong chăm sóc cho các phần mộ của các anh luôn được ấm cúng, dọn dẹp sạch sẽ từ những cái lá, cây cỏ.

Trọn nghĩa vẹn tình

Hơn 10 năm trông nom nghĩa trang với 60 ngôi mộ được quy tụ về nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Lộc, ngày ngày vẫn thoảng hương thơm bởi bàn tay chăm sóc của các chị. Nhìn khu nghĩa trang sạch sẽ, hàng ngày 3 người đàn bà không quản ngày nắng ngày mưa ra nhổ cỏ, lau chùi phần mộ cho các anh, để tri ân khiến ai cũng xúc động.

Bà Hè, bà Nghĩa và bà Hột thắp nhang cho các liệt sĩ

Trong số 60 ngôi mộ tại nghĩa trang, hiện có 20 ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Khi đề cập đến những ngôi mộ vô danh, cả 3 bà đều chung một suy nghĩ: “Các anh hùng liệt sĩ hi sinh đã là một mất mất lớn đối với người thân và xã hội. Có những ngôi mộ còn có người chăm sóc chứ những ngôi mộ của các liệt sĩ vô danh nếu mình không chăm sóc thì các anh cũng tủi thân lắm”. Ba bà luôn tâm niệm mình phải sống làm sao để trọn nghĩa vẹn tình giữa con người với con người, giữa người sống và người chết. Tuy các anh mất đi thần xác nhưng thần hồn thì vẫn còn. Sống ở trên đời phải có người hiếu thuận, uống nước phải nhớ nguồn.

Thường xuyên thăm hỏi nghĩa trang đã là một việc làm đáng quý. Nhưng ít ai biết rằng, ba bà chăm sóc nghĩa trang hoàn toàn xuất phát từ cái tâm của mình chứ không vì toan tính riêng. Bấy nhiêu năm qua, các chị “vác tù và” chăm sóc cho tất cả 60 ngôi mộ của các đồng chí liệt sĩ hoàn toàn tự nguyện chứ không hề có tiền trợ cấp gì. Ngược lại ba bà còn tự bỏ tiền mua hương nhang, hoa quả dâng lên các anh. Ba bà coi việc chăm sóc mộ của các anh sao cho ấm cúng, sạch sẽ là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Làm như vậy trong lòng các bà cũng cảm thấy được an ủi phần nào vì nghĩ các anh cũng giống như người chồng của mình đã hi sinh. Hơn nữa, ba bà vẫn luôn tự hỏi nhau không biết chồng mình hiện giờ đang nằm ở phương nào? Và trong sâu thẳm trái tim của họ đều tin rằng, dù có ở đâu, mộ phần của các anh cũng sẽ được chăm sóc chu đáo, các anh sẽ không cô quạnh. Biết đâu mộ phần chồng ba bà lại nằm trong số 20 ngôi mộ vô danh tại nghĩa trang?

Hiểu được nỗi lòng của các bà, bà con hàng xóm, đặc biệt là các con cháu các bà đều hết lòng ủng hộ. Duy trì sự kỳ vọng của mẹ, con, cháu của các bà lại ra dọn dẹp nghĩa trang mỗi khi các bà bận. Để thuận lợi cho việc hương khói các anh, ba bà lại bàn bạc trồng cây hoa, cây chuối, cây cảnh xung quanh nghĩa trang, để ngày ngày dâng lên các liệt sĩ. Cứ vào những ngày rằm và mùng một thì cả ba bà đều tập trung lại, góp tiền mua hương nhang thờ phụng các anh. Nhiều khi có các thân nhân liệt sĩ đến thắp nhang tặng các bà một vài trăm thì các bà lại lấy tiền đó tặng cho các bà mẹ có con là liệt sĩ.

Bà Hột tâm sự: “Đất nước phồn thịnh như ngày hôm nay, phải kể đến công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã quên mình nơi chiến trận. Để báo đáp công ơn của các anh, trước hết bản thân mình phải tu tại gia, gia tiên tiền tổ, uống nước phải nhớ đến nguồn. Gia đình mình mất 1 người thân đã vậy, nhưng có những gia đình mất tới 11, 12 người thân thì họ đau khổ biết bao. Không ai muốn có chiến tranh, không ai muốn chết chóc nhưng điều quan trọng là phải biết vượt qua đau thương và phải biết tri ân các anh hùng liệt sĩ”.

Trong dịp kỷ niệm 64 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2011) ba bà đã bỏ tiền đặt mua 60 bộ đồ bằng giấy màu xanh bộ đội từ quần áo, mũ nón… , liên hệ với 8 vị sư trong chùa, tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Tại buổi lễ, hàng trăm ông cụ, bà lão đã tới thắp hương, tỏ lòng thương tiếc các anh đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống vì độc lấp tự do của tổ quốc.

Bà Nghĩa đang sửa soạn quần áo cho lễ cầu siêu các liệt sĩ

Cả ba người vợ, ba tấm lòng cao cả năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng không vì thế mà các bà dứt bỏ công việc chăm sóc nghĩa trang. Các bà mãi mãi là những người vợ hiền trọn nghĩa vẹn tình cũng giống như tổ quốc ghi công, đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ. Chia tay ba bà ra về, chúng tôi vẫn nghe vang vảng câu thơ được đọc đồng thanh từ miệng ba bà: “Trót một đời lấy chồng bộ đội /Đêm nằm đau đáu nỗi nhớ thương.

Nam Hùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc