Tam giác Nga-Iran-Thổ và cái tát dành cho phương Tây

17:04 | 18/08/2016

5,129 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thổ Nhĩ Kỳ muốn lập liên minh với Nga và Iran trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, đó là mục đích chuyến thăm Iran vào tuần tới của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ngoài ra, Ankara cũng muốn xích lại gần hơn với Tehran.
tam giac nga iran tho va cai tat danh cho phuong tay
Lãnh đạo ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong các cuộc gặp riêng rẽ

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng cạnh tranh nhau về mức độ ảnh hưởng trong khu vực. Nhưng giờ đây, theo các nhà phân tích, thời thế đã thay đổi. Theo hãng thông tấn Fars của Iran, trong chuyến thăm chính thức lần này, ông Erdogan sẽ bàn đến việc lập tam giác chiến lược Nga - Thổ - Iran cho cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Một tam giác phức hợp

“Chuyến thăm này đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao và mở rộng mối quan hệ giữa Ankara và Tehran, đồng thời khép kín tam giác chiến lược nhằm kết thúc chiến tranh ở Syria” – trích thông báo của Fars.

Được biết, trong chuyến thăm và hội đàm với Tổng thống Nga ở St Peterburg vừa qua, ông Edogan cũng đề cập đến việc chấm dứt chiến sự ở Syria, và mới đây Nga đã sử dụng căn cứ không quân của Iran để tấn công IS ở Syria.

Theo thông tin của báo AlHeyat, ông Erdogan cũng từng bay tới Iran trong một khoảng thời gian chớp nhoáng trong khi diễn ra âm mưu đảo chính và ngay sau khi cuộc chính biến bị dập tắt hoàn toàn, ông đã lập tức có cuộc điện đàm với tổng thống Nga và sau đó là với tổng thống Iran. Vì thế, chuyến thăm sắp tới được coi là một nỗ lực hàn gắn quan hệ Ankara-Tehran. Báo AlArab cũng nhận định rằng hai bên cố gắng lập một liên minh chống phương Tây.

Thứ Sáu tuần trước, Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif đã có chuyến thăm một ngày tới Ankara. Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Erdogan, ông Zarif đã lên án mạnh mẽ âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. "Chúng tôi tin rằng các cuộc đảo chính không có chỗ đứng trong khu vực của chúng ta, hành động của các nhóm quân sự không thể ngăn chặn tiếng nói và ý chí của người dân" – Ngoại trưởng Zarif phát biểu.

Ông cũng nói rằng Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là 3 quốc gia chủ chốt trong khu vực, vì vậy cần hợp tác chặt chẽ với nhau. Điều đáng chú ý là chuyến thăm Ankara của ông Zarif diễn ra ngay sau cuộc gặp ba bên tại Baku giữa các tổng thống Nga, Iran và Azerbaijan.

Khi gió đổi chiều

Từ đầu tuần, các phương tiện truyền thông thế giới đã bóng gió về việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể thay đổi quan điểm về cuộc chiến tại Syria và sẽ gia nhập liên minh với Nga và Iran. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho rằng đã đến lúc Ankara cần cải thiện quan hệ với Damascus và tham gia cùng với những quốc gia chủ chốt trong khu vực để giải quyết vấn đề Syria.

Nhắc lại, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran từng kèn cựa về ngôi vị bá chủ khu vực, vì thế có mâu thuẫn trong quan điểm về các cuộc xung đột ở Syria và Yemen. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ từng ủng hộ liên quân do A rập Xê-út đứng đầu hiện tiến hành các hoạt động quân sự tại Yemen, trong khi đó Iran lại coi đó là hành động xâm lược. Tehran ủng hộ sự tồn tại của chính quyền Bashar Assad thì trước đây, Ankara lại mong muốn ông Assad phải ra đi.

Tuy nhiên, Iran là nước cung cấp 1/4 nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm 2015, sau khi đạt được thoả thuận về chương trình hạt nhân của Iran, các nước phương Tây đồng ý hủy bỏ cấm vận chống Tehran, Erdogan đã có chuyến thăm tới Iran, chủ yếu để thảo luận vấn đề cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, sự hợp tác trong lĩnh vực này đã không giúp xóa bỏ được mâu thuẫn giữa hai nước trên các vấn đề chính trị, ít nhất là cho đến thời điểm nổ ra âm mưu đảo chính.

Ngay trước khi nổ ra cuộc đảo chính, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran, Hassan Rouhani, ông Erdogan đã nói: "Chúng tôi xác định rằng cần hợp tác chặt chẽ với Iran và Nga để giải quyết các vấn đề khu vực và tăng cường đáng kể các bước của chúng ta nhằm tái lập hòa bình, ổn định trong khu vực".

tam giac nga iran tho va cai tat danh cho phuong tay

Được, nhưng hơi khó

Theo nhà chính trị học, chuyên gia về quan hệ Nga-Thổ Slexander Sotnichenko, việc thành lập liên minh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran về lý thuyết là có thể thực hiện nhưng để bảo đảm sự tồn tại và duy trì trên thực tế là khó.

“Một liên minh như vậy rất cần thiết cho tái lập hòa bình ở Trung Đông. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một số phe, còn Nga và Iran lại ủng hộ một số phe khác trong cuộc xung đột ở Syria. Chẳng hạn, trong các trận chiến quanh Aleppo, Ankara đã ủng hộ phiến quân” – ông Sotnichenko cho biết.

Nhưng giờ đây, khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây trở nên “cơm không lành, canh không ngọt”, ông Erdogan hiểu ra rằng cần liên minh với Nga và Iran. Ông Sotnichenko cho rằng với chuyến thăm Iran, ông Erdogan cũng muốn củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán với Moscow.

Tuy nhiên, hãy còn sớm để nói đến việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể “dứt áo” với NATO. Muốn đạt được điều đó, Moscow và Tehran phải có sức hút đối với Ankara mạnh hơn so với NATO, ông Sotnichenko nhận xét. Ông cũng cho rằng nếu Nga liên kết với Iran ngay từ đầu trong cuộc chiến Syria (chẳng hạn sử dụng căn cứ Hamedan của Iran cùng lúc với căn cứ Hmeymim của Syria) thì sức hút (với Ankara) mạnh hơn rất nhiều.

Nói gì thì nói, nếu thành công thì việc thành lập tam giác chiến lược này là một bước ngoặt lớn trong ván cờ Trung Đông nói riêng và trên bàn cờ địa chính trị quốc tế nói chung. Hãy cùng chờ đợi kết quả chuyến thăm Iran của ông Erdogan và những diễn biến tiếp theo trong các cuộc hội đàm giữa Moscow, Ankara và Tehran.

Thiện Tâm

RIA

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc